Trong nhiều tham luận mang tính khảo cứu về quê hương, thân thế và tác phẩm của Nguyễn Du, một số tham luận đưa ra phát hiện khoa học mới về Truyện Kiều, về gần 300 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Trên thực tế, Truyện Kiều không chỉ dành cho tầng lớp trí thức yêu văn thơ, mà còn được đại đa số tầng lớp nhân dân nước ta (kể cả nông dân chưa biết chữ) thuộc lòng. Thậm chí trong dân gian còn có thuật bói Kiều được truyền bá rộng rãi.
Tại hội thảo, nhà lý luận phê bình Đỗ Lai Thúy có tham luận về “Lịch sử những cách đọc Truyện Kiều”, nhấn mạnh đến nghệ thuật phong phú của Truyện Kiều. Đỗ Lai Thúy cho rằng: “Truyện Kiều là viên đá thử của rất nhiều cách đọc khác nhau. Mỗi một phương pháp mới muốn ra mắt bạn đọc Việt Nam hầu như đều lấy tác phẩm này của Nguyễn Du làm sân khấu trình diễn. Bởi lẽ, mỗi cách đọc đến sau, đều phải chứng minh được mình đưa lại cho bạn đọc những cái mới mà những cách đọc trước nó chưa làm được”.
Đỗ Lai Thúy đề cập đến ba cách đọc Truyện Kiều, lấy truyền thống Á Đông để nghiên cứu Nguyễn Du, dựa vào cá tính, bản ngã phức tạp nằm ngoài sự nhận biết của nhà thơ. Đỗ Lai Thúy phân tích rõ về “chủ nghĩa cảm thương” ở Truyện Kiều, một nhịp mạnh trong văn học Việt Nam trung đại và ảnh hưởng của nó kéo dài đến đầu thế kỷ 20.
Nhìn nhận từ công trình nghiên cứu của học giả Đào Duy Anh về Truyện Kiều và thơ chữ Hán của Nguyễn Du, tham luận của nhà sử học Đào Hùng có tựa đề “Nguyễn Du với Đào Duy Anh, tâm sự của người “cùng một lứa bên trời lận đận”. Nhà sử học Đào Hùng nói rõ “Học giả Đào Duy Anh bắt đầu nghiên cứu về Nguyễn Du từ cuối năm 1930”.
Tại hội thảo này, Đào Hùng muốn đưa ra những tài liệu, công trình nghiên cứu về Nguyễn Du mà ông sưu tầm, lưu giữ được hơn nửa thế kỷ qua chứng minh rằng: “Nguyễn Du sáng tác Truyện Kiều không phải sau khi đi sứ sang Trung Quốc được đọc quyển tiểu thuyết Thanh Tâm tài nhân, mà là trước khi đi sứ, nghĩa là có thể ngay những năm đầu mới về theo nhà Nguyễn”.
Phân tích và đưa ra những luận chứng có cơ sở thuyết phục, nhà sử học Đào Hùng đã kết luận: “cụ Đào Duy Anh đã nói lên cái tâm sự của Nguyễn Du khi cụ viết: “Nguyễn Du viết Đoạn Trường Tân Thanh là lấy cái khúc điệu mới gửi gắm nỗi đoạn trường của mình, điều ấy Phạm Quí Thích đã thấy rõ trong khi kết thúc bài thơ đề “Tân Thanh đáo để vị thùy thương”. Bản Tân Thanh này suy cho cùng là vì ai – vì Kiều hay vì mình mà thương xót?”.
Dịch giả Phạm Tú Châu cũng đề cập đến tác phẩm văn học hàng đầu của Việt Nam có Truyện Kiều được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất: Anh, Pháp, Đức, Nga, Nhật, Tiệp, Trung… Riêng tiếng Hán có tới 6 bản dịch của các dịch giả Trung Quốc. Dịch giả Phạm Tú Châu nói lên những nét phong phú của Truyện Kiều khi các dịch giả dịch ra Trung văn hay Hán văn, bằng thể thơ mới, lục bát hay thất ngôn đều không thuận lợi vì phải chuyển nghĩa, vừa phải chuyển ý, vừa phải hiệp vần tương đối mới có thể dịch ra thơ được.
Tóm lại, hội thảo cho ta thấy những quan niệm mới mẻ với nhiều góc nhìn, nhiều phát hiện về phong cách sáng tạo nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ khác nhau khi đọc Truyện Kiều và Thơ chữ Hán của Nguyễn Du. Đại thi hào Nguyễn Du - nhà văn hóa thế giới sẽ vẫn là nguồn hứng khởi cho các nhà khoa học nghiên cứu và khám phá những tiềm ẩn đằng sau kho thi ca đồ sộ đang dần hé lộ trước bạn đọc Việt Nam và thế giới.