Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam - tiến sĩ Nguyễn Văn Huy - cho biết:
- “Việt Nam, những cuộc hành trình của con người, tinh thần và linh hồn” là cuộc triển lãm do Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ phụ trách tổ chức và được đánh giá là cuộc triển lãm về Việt Nam toàn diện nhất từ trước tới nay ở Mỹ. Viện bảo tàng Lịch sử tự nhiên Hoa Kỳ chịu trách nhiệm cố vấn và thiết kế các gian trưng bày. Đây cũng có thể coi là một cuộc “chuyển giao công nghệ” trưng bày cho bảo tàng chúng tôi và giới bảo tàng Việt Nam nói chung có thể tham khảo.
* Ông nói “chuyển giao công nghệ” nghĩa là thế nào?
- Chúng tôi muốn đem cuộc trưng bày ấy trở lại Việt Nam để khẳng định rằng lần đầu tiên một cuộc trưng bày bảo tàng ở tầm cao quốc tế được chuyển về Việt Nam. Từ trước tới nay cũng có những cuộc triển lãm nước ngoài ở Việt Nam nhưng đơn giản chỉ là tranh, ảnh.
Công nghệ làm bảo tàng của Việt Nam còn kém. Qua chuyến đi vừa rồi chúng tôi học được rất nhiều điều, từ cách thiết kế đến cách tổ chức một cuộc trưng bày về màu sắc, ánh sáng. Thí dụ như ở Việt Nam mình trưng bày rất nhiều hiện vật, nhưng các hiện vật đó rất thiếu thông tin. Trong cuộc trưng bày này, những bức ảnh được chụp trong các thời kỳ khác nhau được đặt cạnh nhau để người xem có điều kiện so sánh và tự rút ra những ý nghĩa cho mình.
Ngoài ra còn có phần trưng bày qua băng hình rất sống động. Gắn liền với cuộc trưng bày là hoạt động tập huấn về thiết kế đồ họa cho bảo tàng, về giáo dục bảo tàng. Đó là các kỹ năng rất mới đối với bảo tàng Việt Nam.
* Người Mỹ đã đón nhận triển lãm này ra sao, thưa ông?
- Trong suốt thời gian trưng bày (3-2003 đến 1-2004) chúng tôi đón trên 350.000 khách tới xem (trên 1.000 khách/ngày), chưa kể hàng triệu người xem trên trang web của Bảo tàng Lịch sử tự nhiên. Những tờ báo lớn như New York Times, Washington Post đều đăng tải thông tin về cuộc trưng bày.
Theo tôi, ảnh hưởng lớn nhất của triển lãm này là tạo ra hình ảnh mới về Việt Nam. Có người tới xem triển lãm đã nói với tôi: “Chúng tôi được học về chiến tranh Việt Nam trong sách giáo khoa, dường như đó là tất cả về Việt Nam, nhưng giờ đây tôi thấy Việt Nam còn hơn thế nữa”.
Trong hành trình trở về của cuộc triển lãm, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm một phần mới, đó là phản hồi của công chúng Mỹ đối với “Con người, tinh thần và linh hồn Việt”.
* Cuộc triển lãm đã được đưa sang Canada, dường như việc này không nằm trong kế hoạch?
- Phía Canada (Bảo tàng Glenbow, Calgary) thấy cuộc trưng bày này hay nên họ mời chúng tôi sang triển lãm. Điều này nằm ngoài dự kiến mặc dù trước khi đi chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc trưng bày lưu động trên nước Mỹ.
Việc đưa triển lãm đi đây đi đó này, quốc tế gọi là “bán tour” hoặc “mua tour”. Để “mua” hoặc “bán”, cần xem cuộc trưng bày của chúng tôi có hấp dẫn không, có gì mới không?
Đó là những điều được bảo tàng sở tại đưa ra cân nhắc, bàn bạc và sau đó bỏ chi phí đưa chúng tôi đi. Khi người ta trang trải chi phí như thế, người ta phải tính toán làm sao bù lại được từ việc thu hút khách đến xem bảo tàng.
* Xin cảm ơn ông
Ảnh : Các cán bộ của Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam chuẩn bị cho cuộc trưng bày.