Tại buổi họp báo công bố giải thưởng, Thứ trưởng bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT) Lê Tiến Thọ phát biểu: "Đây là thời kỳ mỹ thuật Việt Nam bộc lộ nhiều tài năng và phong cách đa dạng, biểu hiện qua hoạt động giao lưu hội nhập của các nghệ sĩ với thế giới và ngày càng bộc lộ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc". Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật - PGS họa sĩ Trần Huy Oánh cũng khẳng định: "Nếu so với năm 2000 thì triển lãm năm nay vượt lên một chặng đường dài. Với những năng lực nghệ thuật hôm nay, hy vọng sẽ xuất hiện tài năng ở tương lai không xa. Tác phẩm đã bớt đi nhiều tính mô phỏng minh họa, nỗ lực khám phá và phát hiện cái mới trong ngôn ngữ biểu đạt, tìm tòi khả năng của chất liệu và kỹ thuật thể hiện tác phẩm".
3 huy chương vàng (trị giá 20 triệu đồng) trao cho tác phẩm hội họa tổng hợp Khát của Siu Quý (TP.HCM), sơn mài Tan ca của Nguyễn Quốc Huy (Hà Nội) và điêu khắc Thượng võ (sắt hàn) của Nguyễn Huy Tính (Hà Nội). Ngoài ra, có 8 HCB, 12 HCĐ và 13 tác phẩm xuất sắc được nhận giải thưởng của Quỹ Thụy Điển - Việt Nam phát triển văn hóa. Điều đáng chú ý của triển lãm này là độ tuổi trung bình của các nghệ sĩ đã giảm xuống vì sự xuất hiện của những họa sĩ - nhà điêu khắc trẻ. Giải thưởng nằm ở trong độ tuổi từ 31 - 50 là chính và có tới 11 tác giả từ 18 - 30 tuổi. Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo (chủ tịch Hội đồng điêu khắc) cũng khẳng định: "Chính các tác giả trẻ đã tạo nên sự tươi mới và đa sắc cho triển lãm này. Họ bằng nhiệt huyết tìm tòi đã bổ sung và bồi đắp cách nhìn về điêu khắc hiện đại bằng cách trở về với thẩm mỹ dân tộc ở chiều sâu chứ không dừng lại ở tiểu xảo hình thức thể hiện. Mạnh mẽ hơn cả là tính cá nhân của mỗi người trong số họ".
Giải thưởng đã được công bố và triển lãm bắt đầu mở cửa, khép lại “kế hoạch 5 năm” và tiếp tục chờ những tác phẩm xuất sắc trong tương lai.
Ảnh : Di sản (tranh sơn dầu, huy chương đồng) của Nguyễn Trọng Dũng - Đà Nẵng