Tác giả kiêm đạo diễn Lê Quý Dương bắt đầu câu chuyện ở một khu chợ tồi tàn với đủ hạng người nghèo, cũng có thể nói là dưới đáy xã hội. Nhưng trong số đó, vẫn còn những con người có nhân phẩm, những người lính Trường Sơn năm xưa âm thầm sống cuộc sống bị quên lãng mà không oán trách. Có chăng, chỉ khi người ta bắt đầu lên đời cái chợ bẩn thỉu nhếch nhác này thành một khu chợ mới khang trang để lấy điểm trong cuộc bầu cử sắp tới, thì nút thắt câu chuyện mới được mở.
Đó là bi kịch trong một gia đình êm ấm được xây trên sự chà đạp cuộc sống của người đồng đội, là sự dối trá (cướp công của người bạn thân nhất để nhận danh hiệu anh hùng), là sự dằn vặt lương tâm của một quan chức trên tỉnh về quá khứ tội lỗi đớn hèn cùng mưu đồ bịt miệng những nhân chứng còn lại... Nhưng cuối cùng thì sự thật được phơi bày, và mỗi con người đều phải đối diện với chính mình, với cách tiếp cận sự thật ở những góc độ khác nhau. Kết thúc của vở là một cái kết mở. Càng về sau, câu chuyện càng dính kết và cái mới ở đây không ở đâu xa lạ ngoài tính chân thực - điều khó đạt nhất trong nhiều vở kịch hiện nay.
Nếu nội dung không có gì đột phá, thì ở phần hình thức, cái mới là ở chỗ đạo diễn tạo ra được bối cảnh chân thực để từ đó, cả người xem lẫn nhân vật đều bắt kịp tình huống và có những cách ứng xử khác nhau, khi bừng tỉnh khỏi những thắt nút của vở. Là những độc thoại trong ý nghĩ gặp nhau trong trường suy nghĩ chung, tạo sự kết nối giữa các đoạn hồi tưởng và hiện tại. Tuy nhiên, giàn diễn viên của Nhà hát kịch TPHCM không phải là những ngôi sao, chính vì thế, cách diễn của họ cũng gần với những diễn viên quần chúng hơn là chuyên nghiệp. Theo đạo diễn Khánh Hoàng - Giám đốc NH kịch TPHCM, sân khấu thể nghiệm mới đòi hỏi ba tiêu chí: Theo trào lưu mới, đưa ra nhận thức mới hoặc một điều gì mới. "Chợ đời" đã làm được điều cuối.
Ảnh : Vở "Chợ đời" trên sân khấu Nhà hát kịch TPHCM.