1. Tổ chức thành công các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước trong năm như Kỷ niệm 75 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam; Giỗ tổ Hùng Vương; Kỷ niệm 30 năm giải phóng hoàng toàn miền Nam thống nhất đất nước; Kỷ niệm 115 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong đó đỉnh cao là lễ mit-tinh, diễu binh, diễu hành quần chúng ngày 2/9 tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội.
2. Tổ chức thành công các lễ hội tôn vinh các giá trị văn hoá cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 23/11 hàng năm là ngày Di sản Việt Nam.
3. Không gian văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận Kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ hai của Việt Nam được UNESCO công nhận là di sản thế giới, sau nhã nhạc cung đình Huế.
4. Hai cuốn nhật ký “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm” được xuất bản với số lượng bản phát hành lớn nhất trong vòng 20 năm qua. Hai ấn phẩm này thực sự đã có những tác động sâu sắc đến tư tưởng, tình cảm của hàng triệu người Việt Nam, nhất là đối với thế hệ trẻ.
5. Chính phủ ban hành Chỉ thị 17/2005/CT-TTg về việc chấn chỉnh các tiêu cực trong quán bar, nhà hàng, karaoke; vũ trường và ra Quyết định 308/2005/TTg ban hành quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
6. Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển thông tin đến năm 2010.
7. Triển lãm “Kho tàng Nghệ thuật Việt Nam – Điêu khắc Chămpa lần đầu tiên được tổ chức ở Pháp, đã thu hút sự quan tâm của công chúng Pháp và nhiều nước châu Âu. Triển lãm được tổ chức tại Bảo tang Giumet (Pháp) diễn ra từ ngày 11/10/2005 đến ngày 9/1/2006, với 70 hiện vật được trưng bày là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc đặc sắc tiêu biểu của nền văn hoá Chămpa. Triển lãm đã thu hút sự quan tâm của hàng vạn công chúng Pháp và nhiều nước châu Âu.
8. Kỷ niệm trọng thể 240 năm ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du. Đây là lần đầu tiên sự kiện này được tổ chức với quy mô Quốc gia, đồng thời tại thủ đô Hà Nội và quê hương Đại thi hào Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh). Nhân sự kiện này, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho lập và triển khai dự án Quy hoạch tổng thể khu văn hoá – du lịch Nguyễn Du - Tiên Điền, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2015, nhân kỷ niệm 250 năm sinh Đại thi hào Nguyễn Du.
9. Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 5 năm (2001 – 2005).
10. Các hoạt động giao lưu văn hoá, thông tin với các nước nhân kỷ niệm 60 năm thành lập nước CHXHCN Việt Nam. Năm 2005 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong sự mở rộng các hoạt động hợp tác văn hoá quốc tế. Lần đầu tiên tổ chức thành công chương trình Duyên dáng Việt Nam ở nước ngoài (tại Úc). Chương trình thu hút được sự quan tâm theo dõi của đông đảo kiều bào Việt Nam tại Úc.
Bên cạnh 10 sự kiện tiêu biểu, trên lĩnh vực văn hoá - thông tin vẫn còn một số tồn tại, đó là:
1. Trò chơi trực tuyến Game online gây bức xúc trong xã hội.
2. Một số lễ hội, kỷ niệm nặng tính phô trương, hình thức, gây lãng phí, tốn kém.
3. Những bất cập trong xuất bản và phát hành lịch blốc theo hướng xoá bỏ độc quyền.
4. Những vi phạm trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là quảng cáo tấm lớn, rao vặt, khoan cắt bê-tông tại các thành phố lớn.
5. Dư luận báo chí về dự án xây dựng khách sạng trên đồi Vọng Cảnh, Thừa Thiên - Huế.
Ảnh : Văn hoá Cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là kiệt tác truyền khẩu và di sản phi vật thể của nhân loại.