Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
426
123.253.284

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Hội thảo về “Sáng tác văn học dành cho tuổi mới lớn” đã diễn ra tại phường Núi Sam, Châu Đốc, An Giang
Ngày 19/12, hội thảo về “Sáng tác văn học dành cho tuổi mới lớn” đã diễn ra tại phường Núi Sam, Châu Đốc, An Giang. Lần đầu tiên, tình hình phát triển và thực trạng sáng tác của dòng văn học viết cho tuổi teen đã được 50 nhà văn trên cả nước phân tích mổ xẻ.

Hội thảo họp mặt đông đảo gương mặt nhà văn, nhà thơ. "Lão thành" có Lưu Thị Lương, Trần Quốc Toàn, Đoàn Thạch Biền, Trịnh Bửu Hoài, Cao Xuân Sơn, Mai Bửu Minh... Tầm "trung trung tuổi" thì có Nguyên Hương, Nguyễn Trí Công, Nguyễn Thu Phương, Chu Quang Mạnh Thắng, Lê Đình Vũ. Trên dưới 30 là Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên... Thế hệ 8X góp mặt với Tú Trinh, Võ Thu Hương, Ngô Thị Hạnh, La Thị Ánh Hường, Đoàn Phương Huyền. 20 tham luận trình bày trong hội thảo đầy ắp những ý kiến, đề nghị và trăn trở của những cây bút thuộc nhiều thế hệ.

 

Nhà văn Lưu Thị Lương cho rằng, tuổi mới lớn của con người là giai đoạn quan trọng nhất để bắt đầu hình thành nhân cách, tự khẳng định mình, tập ý thức về vai trò và trách nhiệm của mình. Theo bà, nhà văn viết về tuổi mới lớn không nên mang mặc cảm mình đang viết về loại đối tượng thấp nhỏ. Rất nhiều nhà văn ở tuổi "hết lớn nữa" như Lưu Thị Lương, Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thị Minh Ngọc... có những tác phẩm rất hay về tuổi "teen". Thế nhưng, hầu hết các nhà văn "già" viết tác phẩm cho tuổi mới lớn để kể lại một thời đã xa, một không gian và thời gian đã lùi vào quá khứ. Trong khi đó, tuổi mới lớn hôm nay có vô vàn sự lựa chọn đến với các loại hình nghệ thuật khác, lựa chọn giữa các tác phẩm trong nước, giữa tác giả này với tác giả kia. Vì thế, yêu cầu hiện đại hóa không gian, thời gian, ngôn ngữ tác phẩm là hết sức cần thiết. Điểm qua những đầu sách cho tuổi mới lớn, dễ thấy một điều: các nhà văn chỉ mới chạm vào vài khía cạnh trong đời sống tâm hồn, tinh thần rất phức tạp, nhạy cảm của các cô bé, cậu bé, vốn chưa phải là người lớn nhưng cũng không còn là trẻ con.

 

Cây bút trẻ, nhà thơ Tú Trinh táo bạo đưa ra ý kiến: sex trong những sáng tác chọn tuổi mới lớn làm trung tâm vẫn còn bị bỏ ngỏ. Không ít độc giả tuổi "teen" đã đọc những tác phẩm: Buồn ơi chào nhé của Francois Sagan, Lolita của Vladimir Nabocov, Búa đe của Christine Falkenland, Búp bê Bắc Kinh của Xuân Thụ, Đi qua hoa cúc của Nguyễn Nhật Ánh… Đây được xem là những tác phẩm hấp dẫn vì đã mang lại nhiều cảm xúc trái ngược, phong phú: dữ dội, trần trụi, dễ thương, lãng mạn. Nếu lúc nào cũng quan niệm: sách cho tuổi mới lớn là phải đề cao lý tưởng, ngại ngần đề cập về vấn đề giới tính, viết giống nhau gần như một công thức, một khuôn mẫu, ngập tràn hoa lá mộng mơ thì đơn điệu, nhàm chán là điều dễ hiểu.

 

Bên cạnh những tham luận được chuẩn bị chu đáo là những tranh luận ngoài lề sôi nổi. Họa sĩ thiết kế, nhà văn trẻ Vũ Đình Giang cho rằng không nên đặt ra những vấn đề cũ kỹ kiểu như: Nên hay không nên đưa yếu tố sex vào văn học tuổi mới lớn? Làm sao để văn học tuổi mới lớn Việt Nam bắt kịp văn học tuổi mới lớn thế giới? Thực tế, những tác phẩm văn học được bạn đọc tuổi teen thế giới đón nhận luôn đầy đủ những hỷ nộ ái ố và những lĩnh vực cấm kỵ. Vấn đề ở đây là nói như thế nào cho hay, cho thuyết phục với liều lượng vừa đủ, văn phong thích hợp và đúng với hoàn cảnh xã hội Việt Nam.

 

Chuyện về nhuận bút, về sự chưa chuyên nghiệp, chưa phát triển đồng đều của các cây viết cũng được đem ra bàn luận. Hiện nay, tại các Hội văn học nghệ thuật nhiều tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế, Quảng Ngãi…, số lượng người viết và trang viết cho tuổi mới lớn rất hiếm hoi. Tìm kiếm một thành viên trẻ trong lực lượng sáng tác văn học cho tuổi này không mấy dễ dàng, trong khi Hà Nội và TP HCM liên tục đón nhận nhiều cây bút trẻ về hội tụ. Phải cần rất nhiều thời gian nữa mới có thể lấp đầy khoảng trống lớn này.

 

Buổi tối cùng ngày, đoàn nhà văn đã có buổi giao lưu với hàng trăm học sinh trường phổ thông trung học Thủ Khoa Nghĩa, thị xã Châu Đốc. Cuộc giao lưu giữa những nhà văn đến từ các tỉnh thành xa xôi và các bạn học trò xứ núi diễn ra thật vui nhộn, cảm động. Các độc giả nhí cho thấy vốn đọc của mình không phải xoàng khi "xoay" các nhà văn ra trò. Có bạn cho biết không bỏ sót truyện nào của nhà văn Vũ Đình Giang, kể cả những truyện không phải cho tuổi mới lớn. Điều đó cho thấy tuổi ô mai không chỉ thích đọc những câu chuyện nhẹ nhàng, hồn nhiên kiểu "mới lớn" mà đã tìm đến những tác phẩm vượt tuổi. Đó là một thực tế đáng chú ý cho các nhà văn. 

 

Nhà thơ Cao Xuân Sơn, "ông bầu" của Tủ sách Văn học tuổi mới lớn NXB Kim Đồng, đặt hàng đề tài cho các cây bút ngay trong chuyến đi. Không ít bạn trẻ 8X hăng hái hưởng ứng đăng ký những kế hoạch cụ thể. Hội thảo khép lại với nhiều vấn đề vẫn còn chưa được tranh luận đến tận cùng. Tuy nhiên, nhìn lại lực lượng sáng tác thuộc nhiều độ tuổi đang ngày càng đông đảo, nhìn lại những đầu sách đang ngày càng phong phú, có thể khẳng định: Viết cho tuổi mới lớn là một trong những đề tài đang được quan tâm, dòng văn học này sẽ dần đi đến sự ổn định. Và để trả lời câu hỏi: "Bao giờ dòng văn học này lớn mạnh?" còn tùy thuộc vào sự chung tay không chỉ riêng những nhà văn mà của cả một dây chuyền: Người viết - người làm công tác xuất bản - phát hành - tiếp thị sách và cả xã hội.

 

 

Nhà văn Nguyên Hương: "Điểm qua những tờ báo hiện nay, chúng ta thấy đều có từng bậc dành cho mỗi độ tuổi: Măng Non, Nhi Đồng, Thiếu Niên, Khăn Quàng Đỏ, Mực Tím, Áo Trắng, Hoa Học Trò, Sinh Viên… Những tờ báo này không chỉ đem lại những thông tin về học đường mà còn thể hiện đời sống tinh thần phong phú đa dạng, và chúng có vị trí riêng giữa làng báo Việt Nam.

 

Nhưng văn chương học trò thì lại không có được vị trí đó giữa lòng văn học đất nước. Bằng chứng là cả chục năm nay, những giải thưởng hằng năm của Hội nhà văn không hề xét giải cho bất kỳ truyện nào viết về tuổi mới lớn. Và kéo theo điều tất nhiên này là không có tác phẩm nào đáng được giới thiệu rộng rãi trên tờ báo của Hội nhà văn. Sự im lặng đáng buồn. Có lẽ chính xác hơn, đó là sự thờ ơ".

 

 

Ảnh : Nhà văn Lưu Thị Lương tham gia giao lưu. Anh Vân

Tác giả có màu xanh in đậm là tác giả thân thuộc của SCL

Anh Vân - vnE
Tin tức khác