Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
432
123.253.451

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Tác giả Biệt ly và "chuyện giờ mới kể"...
Biệt ly! Nhớ nhung từ đây! Chiếc lá rơi theo heo may, người về có hay! Biệt ly! Sóng trên dòng sông! Ôi còi tàu như xé đôi lòng... Biệt ly (1939) đã được hát suốt nửa thế kỷ nay. Tên tuổi Doãn Mẫn cũng được lịch sử tân nhạc VN ghi nhận... nay ở tuổi 86, ông chẳng bận tâm đến được - mất thế sự.

Chàng thiếu niên sầu đời chưa quên

 

Cụ thân sinh Doãn Mẫn vốn là một công chức ở ga Hàng Cỏ (hồi ấy đồng lương của công chức không đến nỗi "boa cọc ba đồng" như bây giờ!), thế nên từ bé chàng đã chẳng mảy may bận tâm đến "miếng cơm manh áo" độ nhật. Thẳng một lèo, chàng học hết Sư phạm, rồi vào làm thư ký cho bệnh viện Bạch Mai.

 

Cuộc đời chàng có lẽ sẽ "thẳng băng" và "an bài" như thế nếu không gặp buổi Âu hóa... Mê nhạc Pháp, chàng mày mò tự học, rồi bắt chước "soạn lời Ta theo điệu Tây", rồi hát "bài Ta theo điệu Tây" cho... phổ thông hơn. Tất nhiên, trong những ngày đầu, hầu hết các ca khúc của chàng và các bạn đồng lứa đều chỉ có trình độ nhạc lý căn bản. Đã thế lại mang hơi hướng của chủ nghĩa lãng mạn Pháp cuối mùa về lời ca và không khí phòng trà Tây phương.

 

Cái "mốt" tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn (Xuân Diệu) hay mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây vay mượn của buổi đầu Thơ Mới cũng nhuốm đầy hồn chàng... Chưa đến tuổi 20, chàng đã lần lượt cho ra đời Gió thu (1937), Tiếng hát đêm thu (1938), Một buổi chiều thu (1939), và Biệt ly (1939) - một tình khúc buồn đến nao lòng và cũng đẹp đến nao lòng.

 

Rồi chàng cũng tưởng tượng ra những nỗi buồn của cô lái đò, của khách sang sông với Bờ sông xa vắng khách riêng mình tôi/ Dừng chèo lại đây cô lái đò ơi!/ Dừng chèo lại đây giây phút ngừng bơi/ Cho tôi dăm phút con tim tàn héo/ Rồi cho sương gió lấp tàn đời tôi... (Cô lái đò); và thả hồn vào tiếng chuông chiều buông ngân để quên hết nỗi chứa chan niềm cay đắng, để ôm ấp những sầu cố hương, những vương sầu cho đời thắm phai..., những giấc mơ triền miên tràn không bờ (Hương cố nhân), những nỗi hiu hắt sầu đời đời chưa quên (Gió xa khơi) trong một đêm mưa gió rung tiếng đàn suốt canh thâu...

 

Khi tôi nhắc lại những ca từ trên, ông - nhạc sĩ già, móm mém cười. Ông bảo: "Tôi bịa ra đấy! tất cả chỉ là chuyện... bịa. Tại hồi đấy mình bắt chước, mình cố làm ra thế...". Tất nhiên, trong buổi đầu "âm nhạc cải cách", cũng thiếu gì nhạc sĩ bị ngợp, bị lai Pháp, chắp vá theo kiểu đầu Ngô mình Sở (chẳng khác các nhạc sĩ thời buổi lai Tàu, lai Thái bây giờ!).

 

Có điều, trong phong trào "lai hóa", những nhạc sĩ có tinh thần dân tộc như Doãn Mẫn, Văn Chung, Nguyễn Xuân Khoát.. biết nhắc nhau giữ lòng quý trọng với những tinh hoa dân tộc - dù chỉ về hình thức. Ông lại móm mém cười: "Hóa ra lứa chúng tôi đã thấm nhuần ý thức dân tộc, đại chúng trước cả khi có Đề cương văn hóa năm 1943 cơ đấy! Bây giờ, người ta viết ca khúc "dễ như ăn cháo" vì chẳng cần bố cục gì cứ pha tạp lung tung cũng xong...".

 

Làm gì có karaoke hát mỏi tay!

 

Ông kể: "Lứa chúng tôi chỉ "anh anh em em" suông thế thôi chứ chẳng dám... chơi cô đầu như cánh ông Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng. Tiếng là hoạt động văn nghệ nhưng chúng tôi vẫn sinh hoạt như một anh công chức cần mẫn "sáng cắp ô đi, tối vác về". Mà hồi trước làm gì đã có hát karaoke mỏi tay như bây giờ. Tôi nói thật là cả đời vợ chồng tôi chưa bao giờ có chuyện ghen tuông cãi cọ".

 

"Trong giới nhạc sĩ hồi ấy có chuyện ngấm ngầm tạo danh tiếng không bằng tài năng hay dùng "thủ thuật" để bon chen không?", tôi hỏi. Ông xua tay: "Chúng tôi được đào tạo trong môi trường giáo dục Pháp nên cư xử với nhau lịch sự, hào hoa và văn minh lắm. Làm gì có chuyện ghen tỵ, đố kỵ!". Nhưng tôi lại nghĩ ông bỏ sót một lý do: Hồi ấy, với âm nhạc, không mấy nhạc sĩ có ý định thành danh! Vì nó chưa sinh lợi...

 

... anh trưởng phòng của "trăm thứ bà rằn"

 

Gia tài âm nhạc của Doãn Mẫn tính đến nay cũng chỉ ngót dăm chục bài. Ấy là vì quãng đời sung sức nhất, ông được (bị) bổ nhiệm làm... trưởng phòng. Nghe rất... oách nhưng thực chất thì trăm thứ bà rằn cũng đến tay. "Mình là anh trưởng phòng giáo vụ (Nhạc viện hà Nội), thế mà suốt 20 năm phải đi lo cả việc... học viên có con nhỏ không ăn được thì phải làm thế nào, chỗ ăn, ở, nhà vệ sinh bẩn thỉu thì làm sao! Không dứt ra được...

 

Ngoài 70 tuổi, tôi mới bắt đầu sáng tác trở lại. Đường quan tước cũng bình bình như thế, chả lên được. Mà tôi cũng chả cần". "À, mà tôi còn được bằng khen "Đảm việc nước, đảm việc nhà" của Hội liên hiệp phụ nữ Trung ương kèm một hộp bánh về chia cho các cháu. Làm gì có chuyện "kiếm chác", "cánh hẩu", "chạy sô"... ráo riết".

 

"Ầm ĩ lên chả biết có được thêm gì không..."

 

Lứa học sinh của ông giờ đều thành danh cả: Hồng Đăng,Trần Hiếu, Quý Dương... Thế mà cho đến cuối đời, ông vẫn chẳng có nổi một chương rình cho riêng cho mình. Cũng chẳng phải nghệ sĩ "ưu tú" hay "nhân dân" gì! Tôi hỏi "nổi tiếng" như ông thiếu gì nhà tài trợ?

 

Ông lắc đầu: "Tôi mệt lắm. Giờ chỉ muốn nghỉ ngơi. Làm đuợc đến đâu, lịch sử âm nhạc đã ghi cả rồi, đã biết cả rồi. Ham hố làm gì nữa cho mệt. Mà ầm ĩ cả lên cũng chả biết có được thêm gì không?". Và, cũng không để ý đến âm nhạc đương đại nữa. Vì nghe không lọt... lỗ tai. Lại còn "phong trào" rủ nhau đi hát nhạc tiền chiến cho... sang nữa chứ... Nhiều bài của tôi được phối khí lại mà tôi còn... chẳng nhận ra. Làm mới, không có nghĩa là làm khác đi"...

 

Nửa thế kỷ rồi cũng trôi qua. những giai điệu nào còn lại? Những đóng góp nào còn lại? Những tác giả nào còn lại? Những con người nào còn lại?

TT - Thể thao & Văn hóa,TTO