Trước phục chế
"Bình văn" của hoạ sĩ Lê Huy Miến đến nay đã hơn trăm năm tuổi. Có thể nói, đây là tác phẩm sơn dầu đầu tiên của hội hoạ VN. Hoạ sĩ Lê Huy Miến học hội hoạ tại Trường Mỹ thuật Paris, được tiếp xúc với đời sống nghệ thuật hiện đại và chịu ảnh hưởng chủ nghĩa ấn tượng và hậu ấn tượng đang thịnh hành ở Paris lúc đó, nhưng tác phẩm của ông vẫn giữ chuẩn mực trong tư duy thẩm mỹ với những nét vẽ trau chuốt và cách dùng màu rất Á Đông.
Do tác động của thời gian và thời tiết, "Bình văn" đang có nguy cơ bị hư hỏng nặng do mặt toan bị chùng, màu trên bề mặt của tranh bị mờ (có thể do lớp màu quá mỏng), gờ mép đóng đinh xung quanh tác phẩm bị sờn rách do gỉ của đinh gây ra...
"Tan ca..." của Nguyễn Đỗ Cung (1972 - 1976) được chọn vào bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (MTVN) sau triển lãm Mỹ thuật toàn quốc năm 1976. Đây là một trong các bức sơn dầu tiêu biểu của hội hoạ cận đại VN bởi chủ đề cũng như cách thể hiện rất sinh động của tác phẩm.
Trước khi phục chế, "Tan ca..." trong tình trạng bị rạn nứt toàn bộ bề mặt, các mảng màu cong vênh, giòn, dễ gãy và có nguy cơ bong tróc ra khỏi lớp toan từng mảng; khung của tác phẩm cũng ở trong tình trạng giống như bức "Bình văn".
Trở về
Theo hoạ sĩ Nguyễn Thị Hồng, quá trình phục chế được thực hiện qua những bước cực kỳ cẩn trọng và chuyên nghiệp: Xây dựng hồ sơ lý lịch, chụp X-quang ở các góc độ khác nhau, chụp phim âm bản, chụp cắt lớp để nhận biết loại sơn nền của toan, loại sơn màu của tác phẩm...
Sau 6 tuần làm việc, hai cán bộ của bảo tàng là hoạ sĩ Nguyễn Thị Hồng và kỹ sư hoá Nguyễn Mạnh Hải cùng các chuyên gia của Đức đã hoàn thành "phác đồ điều trị" cho 2 hoạ phẩm trên.
Kết quả là "Tan ca..." đã được tu sửa, phục chế đến mức tốt nhất có thể. Còn "Bình văn" kém may mắn hơn bởi tác phẩm này khá đặc biệt: Khi chụp X-quang, phim chỉ hiện lên lớp vải toan do các lớp màu vẽ trong tác phẩm này quá mỏng.
Theo giáo sư chụp X-quang người Đức, ông chưa bao giờ thấy trường hợp này xảy ra. Hơn nữa, bề mặt của tranh có một lớp vecni mà theo đánh giá của các chuyên gia có thể lớp vécni này được chiết xuất từ cây sơn ở phương Đông và do đó chưa thể tìm được loại hoá chất phù hợp để tẩy rửa bề mặt bức tranh.
Tất cả những nét đặc biệt này đã khiến cho việc tu sửa "Bình văn" chỉ ở mức giữ ổn định hiện trạng của tranh, không để xuống cấp hơn nữa.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Trương Quốc Bình - GĐ Bảo tàng Mỹ thuật VN: Trên cơ sở hồ sơ đã được xây dựng của "Bình văn", các chuyên gia Đức sẽ tiếp tục nghiên cứu, trao đổi và có thể sẽ sang VN vào cuối tháng 2 tới để tiếp tục "làm việc" với tác phẩm này.
Như vậy, sau "Em Thuý" của hoạ sĩ Trần Văn Cẩn, "Bình văn" và "Tan ca..." là những tác phẩm sơn dầu vô giá của bảo tàng đã được phục chế một cách bài bản với sự trợ giúp của các kỹ thuật hiện đại.
Ông Quốc Bình cũng cho biết thêm: Hiện nay, việc phục chế và bảo quản tranh là một trong những công tác trọng tâm của bảo tàng. Và ông hy vọng trong một tương lai gần, việc phục chế những tác phẩm sơn dầu sẽ được tiến hành ở ngay trong nước.
Hình : Bức "Tan ca mời chị em đi họp bình thợ giỏi" sau khi được phục chế.