Xã hội hoá công tác truyền hình là gì?
Đây không phải là một khái niệm mới trong trong lĩnh vực truyền hình, quá trình xã hội hoá công tác truyền hình đã diễn ra từ rất lâu đối với các nước có sự phát triển mạnh mẽ của lĩnh vực truyền hình.Theo ông Trần Đăng Tuấn - Phó Tổng giám đốc thường trực đài truyền hình Việt Nam, nghĩa rộng của quá trình này chính là "sự tham gia vào quá trình sản xuất chương trình từ bên ngoài ngành truyền hình". Tức là trong các khâu sản xuất, hình thành tác phẩm của một chương trình truyền hình có sự tham của một hoặc nhiều đơn vị, cơ quan không liên quan đến nhà Đài.
Trong thời đại hiện nay, việc mua bản quyền các chương trình truyền hình đã trở thành một xu thế chủ yếu, thể hiện tính chuyên nghiệp. Một số chương trình truyền hình không phải ôm đồm toàn bộ các khâu sản xuất mà đã có đơn đặt hàng một số các đơn vị tư nhân chuyên làm về một lĩnh vực nào đó của truyền hình. Vấn đề có tính thời sự trong xã hội hoá hôm nay là chúng ta có mở rộng hình thức: có một đơn vị bên ngoài bất kể nhà nước, tư nhân có thể đảm nhiệm đứt đoạn, trọn gói một chương trình và đài truyền hình có thể tiếp nhận phát sóng.
Lúc này, lại nảy sinh ra một vấn đề: mua bản quyền truyền hình. Tuy nhiên, chính yếu tố này đảm bảo cho chất lượng của các chương trình truyền hình được tốt hơn. Khi mua bản quyền một chương trình trong một thời gian nhất định thì người mua sẽ được độc quyền chương trình này, đồng thời, quyền lợi của bên cung cấp cũng được đảm bảo.
Trao đổi với các đại biểu, ông Tuấn có nói vui rằng: "Xã hội hoá truyền hình là đi liền với đồng tiền". Bởi chính đồng tiền chi phối tới quá trình này. Một tư nhân, hay đơn vị nào đó muốn đứng ra lập công ty phát triển về một khía cạnh nào đó của truyền hình cần phải có tiền. Và kể cả phía bên nhà Đài, muốn đặt hàng một chương trình nào đó cũng cần phải có tiền. Tuy nhiên, ông Tuấn lại cho rằng: "Bản chất của xã hội hoá không phải là vì tiền mà là việc lôi kéo nhiều đơn vị, tổ chức tham gia vào quá trình sản xuất chương trình, nhằm giảm tải cho nhà Đài cũng như tạo ra hiệu quả tốt nhất cho các chương trình truyền hình. Và nó sẽ thu hút đựơc sự quan tâm và ủng hộ của công chúng".
Nên chia "chiếc bánh truyền hình"…
Theo ông Tuấn, xã hội hoá là một hướng đi đúng đắn trong quá trình chuyên nghiệp hóa các chương trình truyền hình. Truyền hình Việt Nam đã đến lúc chín muồi để thực hiện công tác xã hội hoá chương trình truyền hình.
Xã hội hoá truyền hình, tức là anh đã chấp nhận chia sẻ "chiếc bánh truyền hình" cho các công ty, đơn vị tư nhân. Hơn nữa, xã hội hoá sẽ xoá bỏ sự độc quyền của các Đài truyền hình trong sự áp đặt về mức khoán và các chi phí đầu tư. Trong môi trường mới, từng cá nhân, từng tập thể sẽ có trách nhiệm hơn về công việc khi sản xuất chương trình. Hiện nay, đài truyền hình Việt Nam đang thẩm định hơn 40 chương trình được xã hội hoá; hướng tới phát sóng những chương trình hay, chất lượng để xây dựng uy tín của nhà Đài. Quá trình này có sự đóng góp của các công ty, đơn vị, tập thể ngoài truyền hình.
Thay vì chỉ hợp tác như trước này thì đặt thẳng các công ty làm trọn gói một chương trình. Ví dụ đặt hàng sản xuất phim truyện truyền hình, sân khấu, ca nhạc… Xuất hiện những thể nhân độc lập để sản xuất chương trình truyền hình. Như thế sẽ có hàng trăm, hàng ngàn đơn vị sản xuất chương trình (nhưng số đài truyền hình thì không nhiều). Các đơn vị sản xuất này có chức năng chuyên môn hoá cao, có công ty chỉ làm hậu kỳ, kỹ sảo, thậm chí có công ty chỉ sản xuất ý tưởng. Như vậy là cả xã hội làm truyền hình.
Cuối cùng, ông Tuấn cho rằng: "Cần thống nhất cao trong ngành, trong các cơ quan quản lý là xã hội hoá không có nghĩa là rút lui trận địa, khoán trắng mà ngoài công tác tuyên truyền cần tập trung công sức vào đấy là chính". Ngoài ra, còn phải đầu tư công sức vào việc tận dụng trí tuệ xã hội. Tỷ lệ cao dần vào lĩnh vực đặt hàng, tổ chức lực lượng bên ngoài, nghiệm thu, đánh giá chất lượng. Chuyển mô hình tổ chức đài từ đại công trường sang cơ chế sản xuất hàm lượng tri thức cao hơn.
Nhà đài sẽ là đầu tầu, hạt nhân trong quá trình xã hội hoá
Trong bài thảo luận của mình, ông Đỗ Kim Cuông, vụ trưởng vụ văn nghệ, ban tư tưởng văn hoá trung ương cho rằng: "Vấn đề xã hội hoá liên quan nhiều đến vấn đề tiền bạc trong con mắt mọi người, nhưng với nhà quản lý, vấn đề được nhìn nhận dưới góc độ khác. Thành phần tham gia xã hội hoá không chỉ các đơn vị nhà nước mà còn có rất nhiều đơn vị tư nhân. Đây là điều đáng mừng và phù hợp với xu hướng hội nhập trong thời gian tới. Vấn đề là nhận thức của từng đài và khả năng có thể làm việc này đến đâu". Như vậy, xu hướng xã hội hoá đã và đang được rất nhiều thành phần quan tâm. Vấn đề ở chỗ là chính bản thân các đài truyền hình. Nếu các đài làm được việc là cầm trịch một cách chủ động, đồng thời nâng cao trình độ của đội ngũ quản lý thì xã hội hoá trong truyền hình nhất định thành công.
Việc tham gia của tư nhân vào lĩnh vực văn hoá, văn nghệ đã làm cho đời sống văn hoá thêm sôi động. Đã đến lúc phải chú trọng đến chất lượng các chương trình phát sóng trên truyền hình. Hơn nữa, yêu cầu của khán ngày càng cao. Với nhiều cái để xem, khán giả ngày nay có quyền chọn lọc cho mình những chương trình yêu thích Nếu để mất khán giả đồng nghĩa vớí mất các nhà đầu tư, và như vậy là mất luôn cơ hội để nâng cao chất lượng chương trình.
Để xã hội hoá thành công, cần phải tận dụng hết các lợi thế ngay bản thân trong ngành, cũng như huy động tốt các nguồn nhân lực ở bên ngoài. Các đài truyền hình, trước hết phải làm đầu tàu, hạt nhân để lôi kéo xã hội vào truyền hình. Các chương trình giải trí, các showgame là lĩnh vực xã hội hoá truyền hình đầu tiên là phù hợp nhất. Hình thức xã hội hoá cũng tiến hành từng phần cũng là hình thức phổ biến hiện nay.
Đã đến lúc chín muồi để nhìn nhận định hướng quan điểm, chiến lược về công tác xã hội hoá truyền hình. Đây là khía cạnh chính trị của vấn đề mà các đài phải xác định và thúc đẩy. Khi tham gia xã hội hoá, về cơ bản phải đặt lòng tin vào nhau trên cơ sở tạo sự đồng thuận về quyền lợi và mục tiêu đạt hiệu quả xã hội lâu dài và có ích cho người xem. Nếu xã hội hoá truyền hình mà không có lợi cho xã hội, cho người xem thì không thể lâu bền. Đây là yếu tố quan trọng nhất trong phát triển truyền hình trong giai đoạn tới. Người làm truyền hình phải tìm ra làn gió nào mát lành nhất cho sự phát triển.