Ngoài ra, dàn nhạc Amsterdam sẽ trình diễn 2 vở nhạc kịch mới sáng tác về cuộc đời và phong cách sáng tạo của họa sĩ này.
Rembrandt để lại khoảng 100 bức tự hoạ. Những tác phẩm này được đánh giá cao về khả năng đánh thức cảm xúc, cách sử dụng ánh sáng và cách chuyển màu. Christiaan Vogelar, người phụ trách cuộc triển lãm mở đầu năm Rembrandt tại Leiden, thành phố quê hương danh hoạ, nói: “Rembrant cũng rất được ngưỡng mộ vì duy trì mối quan hệ với các người mẫu. Ông luôn nắm bắt được tâm lý của họ”.
Du khách tới Amsterdam và Leiden sẽ được tham quan những ngôi nhà sạch bóng, đường rải đá cuội và những cây cầu cong mềm mại. Giới kinh doanh cũng đã chuẩn bị sẵn để đón khách. Các quán ăn sẽ sáng tạo thêm các món ăn mang tên danh hoạ như món nướng Rembrandt hay caramen Rembrandt van Rijn.
Rembrandt sinh tại thị trấn nhỏ Leiden năm 1606, là con trai của một người thợ xay. Ông thuyết phục bố mẹ cho học vẽ và theo học một họa sĩ địa phương. Năm 1631 ông mới rời làng quê.
Ngôi nhà ông ra đời bị sập vào đúng dịp kỷ niệm 300 năm ngày sinh của ông, hậu quả của cuộc chiến giữa Leiden và Amsterdam. Quê hương Rembrandt không thắng nổi thủ đô trong cuộc đua giành quyền tổ chức kỷ niệm chính thức. Vì vậy, họ không muốn đổ tiền ra sửa chữa ngôi nhà xiêu vẹo. Chính quyền Amsterdam cũng không muốn chi tiền, vì Rembrandt cũng có nhà ở thủ đô.
Rembrandt kết hôn với cô gái Saskia dễ thương năm 1635. Cô là cháu họ của một nhà buôn tranh và họ chuyển đến ở tại một trong những khu thời thượng nhất của Amsterdam. Rembrandt vung tiền cho các tác phẩm nghệ thuật. Cả gia đình phải chuyển đến một ngôi nhà nhỏ khi ông phá sản vào năm 1656.
Thảm kịch không dừng lại ở đó. Ba trong số 4 người con của ông chết khi mới chào đời và Saskia cũng qua đời năm 1642. Sau khi vợ chết, Rembrandt qua lại với cô y tá Geertje, người sau này kiện ông tội không chịu kết hôn với cô. Người phụ nữ thứ ba để lại dấu ấn trong đời người nghệ sĩ tài hoa này là Hendrickje, một cô gái kém ông nhiều tuổi.
Tranh sơn dầu tự họa của Rembrandt.
Ảnh: Villagehatshop