Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
452
123.254.075

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Cụ bà Y Kyih và "kho báu cồng chiêng"
Cụ Y Kyih, người dân tộc Rơ Ngao, 82 tuổi, là người sở hữu nhiều cồng chiêng nhất tỉnh Kon Tum. Nhưng hiện nay, do đã già yếu và sống độc thân, nên cụ và kho báu cồng chiêng đó rất cần được quan tâm chăm sóc, bảo vệ.

Chuyện chưa biết về cụ bà Y Kyih!

 

Hiện cụ Y Kyih đang sống một mình trong ngôi nhà sàn của bố mẹ để lại. Hằng ngày, chăm sóc cụ là vợ chồng người cháu, con một người em gái (tiếng Rơ Ngao gọi là con của O Kơ Dri). Chồng cụ đã mất vì bệnh tật từ năm 1995. Nói về số lượng cồng chiêng hiện nay mình đang sở hữu, cụ chỉ cho chúng tôi xem nơi mình đang cất giữ.

 

Cùng thôn trưởng A In, chúng tôi đã mang tất cả ra và đếm thử. Quả là có thật, hiện nay cụ Y Kyih đang có ba bộ cồng chiêng.

 

Nói về việc sưu tầm cồng chiêng, cụ kể: Năm 1972, khi đang là một nghệ nhân múa xoang trong đội múa của làng, do trong làng chưa có cồng chiêng (cứ mỗi ngày lễ phải đi mượn làng bên), cụ đã bỏ tiền của mình ra mua một bộ với 11 chiếc (4 cồng và 7 chiêng). Sau đó, đến năm 1981 cụ và gia đình lại mua thêm một bộ nữa với số lượng là 10 chiếc (4 cồng và 6 chiêng).

 

Như vậy đến thời điểm đó, gia đình cụ đã có hai bộ với 21 chiếc, với số lượng ấy cụ là người có nhiều cồng chiêng nhất, nhì trong vùng. Năm 1986, cụ lại bàn với cụ ông mua thêm một bộ nữa với số lượng là 13 chiếc, trị giá của bộ cồng chiêng này là 11 triệu đồng. Trong lúc đó tiền mặt có rất ít, cụ Y Kyih phải mang bò và vàng đi đổi (riêng bộ này có kèm theo một chiếc trống trị giá 3 chỉ vàng).

 

Chúng tôi được biết, từ trước tới giờ đã có rất nhiều người đến hỏi mua nhưng cụ không bán. Hiện nay, tuy rất nghèo nhưng vì những chiếc cồng chiêng này đã gắn bó rất mật thiết với cuộc đời của mình nên cụ không muốn rời xa nó. Trong làng, cứ mỗi lần có lễ hội, lễ tang là bọn trẻ lại đến mượn cụ đem ra để đánh. Cũng tương tự, mỗi lần biểu diễn văn nghệ bất cứ ở đâu, bọn chúng lại đến mượn của cụ mang đi...

 

Cồng chiêng của cụ không chỉ nhiều về số lượng, mà về chất lượng so với những bộ cồng chiêng khác cũng hơn hẳn về âm sắc và độ cộng hưởng, rất hoà hợp với tiếng hát của trai gái trong làng.

 

Cho đến nay, những bộ cồng chiêng của cụ đã rất nhiều lần được đưa lên tỉnh biểu diễn. Đặc biệt, vào hồi đầu năm, già làng ở làng PLêi Tơ Nghia, xã Vinh Quang, thị xã Kon Tum (là người rất thân với cụ ông) có đến hỏi mua về cho làng dùng nhưng cụ vẫn một mực không bán...

 

Nỗi lo của người “sở hữu”... cồng chiêng!

 

Ngày 24-11-2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa (UNESCO) công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Ở Kon Tum, khi biết được tin này, những người sở hữu cồng chiêng trong niềm vui, niềm tự hào ấy vẫn canh cánh một nỗi lo. Đến nay, Kon Tum đã bị mất cắp 11 bộ Cồng chiêng với hơn 150 chiếc. Tuy vụ việc đã được làm sáng tỏ, nhưng bà con đồng bào các dân tộc thiểu số hiện nay rất lo ngại cồng chiêng bị đánh cắp.

 

Ông A In, Thôn trưởng làng Kroong Ktu cho chúng tôi biết: Đến nay, tất cả người lạ mặt vào làng hỏi chuyện về cồng chiêng thì sẽ nhận được câu trả lời là... “Không biết”. Bởi họ rất cảnh giác, nếu nói ra rất sợ sẽ bị người ta đánh cắp mất cồng chiêng.

 

Ngay cả cụ Y Kyih, khi các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin về cụ là người sở hữu nhiều cồng chiêng, con cháu cụ lại thêm một phen lo lắng. Họ cho rằng, khi người ta nắm được thông tin về số lượng Cồng chiêng nhiều như vậy, sẽ tìm đến nhà cụ và đánh cắp. Bởi lẽ hiện cụ đã già yếu và đang sống độc thân.

 

Việc Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại là niềm tự hào đối với bà con và các nhà chức trách ở Tây Nguyên. Nhưng với những kẻ chuyên đi đánh cắp cồng chiêng thì sự kiện đó càng làm tăng thêm "hấp lực" của đồng tiền đối với bọn "cồng chiêng tặc" từng hoành hành ở vùng này. Việc bà con buôn làng chỉ nói "không biết" là sự cảnh giác tự nhiên, song mong mỏi rằng chính quyền và cơ quan văn hóa Kon Tum nên có những biện pháp hữu hiệu để bảo vệ "kho báu cồng chiêng" quý giá cùng cụ bà Y Kyih.

VD - QDND
Tin tức khác