Hưởng ứng tinh thần trên, cùng mong muốn góp phần thiết thực làm sống dậy loại hình nghệ thuật độc đáo và đang có nguy cơ mai một này trong nhịp sống hiện đại của ngày hôm nay, Công ty Cổ phần Nghe Nhìn Thăng Long (Thăng Long Audio – Visual) đã sản xuất và phát hành hai chương trình CD Ca trù đặc biệt: “Tỳ Bà hành” và “Thề non nước”
CD “Tỳ Bà hành” có sự tham gia thể hiện của hai thày trò, hai thế hệ “đào nương”: Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc và Nghệ sĩ Bạch Vân, thông qua những làn điệu Ca trù đặc sắc: Thét nhạc (lời cổ) ; Hỏi gió (Thơ Tản Đà) ; Hồ Tây (Thơ Nguyễn Khuyến) ; Ngán đời (Thơ Cao Bá Quát) ; Xẩm (Lời cổ) ; Hương Sơn phong cảnh (Thơ Chu Mạnh Trinh) ; Gặp xuân (Thơ Tản Đà) ; Kể chuyện (Thơ Bà Huyện Thanh quan) ; Tỳ bà hành (Thơ Bạch Cư Dị)…
Ở tuổi 76, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc được coi là một trong những giọng ca hiếm hoi vẫn còn giữ được chất giọng âm vang, sâu lắng với lối phát âm, nhả chữ khá chuẩn mực, vốn là kết quả của cả một đời công phu luyện tập Ca trù từ những bậc thầy nổi tiếng, theo phương thức truyền khẩu.
CD “Thề non nước” là chương trình riêng đầu tiên của nghệ sĩ Bạch Vân với những làn điệu: Bắc phản (thơ Nguyễn Du; Gánh tương tư (thơ Nguyễn Quý Tân; Đời đáng chán (Thơ Tản Đà); Tự tình (Thơ Cao Bá Quát); Gửi thư (Lời cổ); Hồng hồng, Tuyết tuyết (Thơ Dương Khuê); Bất năng nhẫn (Thơ khuyết danh); Thề non nước (Thơ Tản Đà); Cuốn chiếu nhân tình (Thơ khuyết danh)
Không chỉ nổi danh bởi giọng ca có cơ may ít nhiều được thừa hưởng từ những nghệ nhân Ca trù đỉnh cao như Quách Thị Hồ, Kim Đức, Hoàng Thị Phúc..., hay những giải thưởng danh giá giành được trong các kì cuộc hội diễn văn nghệ cổ truyền, Nghệ sĩ Bạch Vân còn được biết đến như một người dám hy sinh đến mức xả thân vì môn nghệ thuật vốn kén người thưởng thức và cả người biểu diễn này. Câu lạc bộ Ca trù “Bích Câu Đạo quán” do chị thành lập ngay giữa lòng Hà Nội, từ hơn mười năm nay đã trở thành tụ điểm, thành chốn đi về quen thuộc của những “tín đồ” Ca trù từ khắp các tỉnh thành trong cả nước.
Góp mặt trong hai chương trình trên, không thể không nhắc đến tiếng trống chầu tài hoa của nghệ nhân Vũ Văn Hồng (86 tuổi) cùng tiếng đàn Đáy với những ngón nhấn thả diệu nghệ của danh cầm Nguyễn Phú Đẹ (82 tuổi) – Những thành viên và những nhạc cụ “cốt tuỷ” của nghệ thuật hát Ca trù.
Có thể nói, đây là một tin vui đối với giới mộ điệu nghệ thuật ca trù, bởi đã từ khá lâu, trong đời sống âm nhạc nói chung và trên thị trường băng đĩa nói riêng chưa từng xuất hiện những chương trình giới thiệu và tôn vinh nghệ thuật Ca trù ở mức độ chuyên nghiệp cao như vậy. Đây cũng là một món quà nhiều ý nghĩa mà Thăng Long Audio – Visual đóng góp vào những ngày Hà Nội và cả nước vui tết cổ truyền Bính Tuất 2006.