Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
448
123.254.124

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Văn hóa và du lịch ĐBSCL : Bao giờ được kết nối ?
Những ngày sắp đón Tết Bính Tuất cũng là thời gian những nhà tổ chức Liên hoan du lịch đồng bằng sông Cửu Long (Mekong Festival) đang ráo riết kiểm tra từng khâu, chuẩn bị tiến hành lễ hội vào trung tuần tháng 2-2006 ở An Giang. Đây là cơ hội tốt để các tỉnh rà soát thế mạnh và tìm phương hướng phát huy những nét văn hóa- du lịch địa phương một cách đặc sắc, hiệu quả, phát triển bền vững.

Ưu thế thuộc về du lịch sinh thái

 

Một trong những thế mạnh về du lịch vùng đồng bằng sông Cửu Long là du lịch sinh thái. Đi tìm cảm giác thư thái trong không gian rừng đước Cà Mau, các đoàn khách thường hướng về Năm Căn, Đất Mũi. Nhiều du khách từ TPHCM đến vùng rừng ngập mặn lần đầu tiên không khỏi bối rối khi bị  bạn bè trong đoàn đánh đố làm sao phân biệt được cây đước và cây mắm trong cánh rừng xanh bạt ngàn, bao la trước mặt.

 

Đặc điểm vùng rừng đước nước lợ còn là môi trường sinh thái rất tốt cho việc nuôi tôm, cá. Đặt chân đến Lâm trường 184, chúng tôi cảm nhận sự tận dụng thiên nhiên của khu du lịch sinh thái này khá thú vị. Ở đây cách đất Mũi không xa lắm. Những ngày cuối năm, cô Nguyễn Thị  Kim Liên, giảng viên khoa Địa lý Trường Đại học Sư phạm TPHCM rất vui khi có mặt tại vùng đất gió nắng phương Nam.

 

Cô Liên nói: “Tôi “thấm” được nhiều điều. Những trang sách như đang “vỡ ra” trước cuộc sống thực tế quá sinh động. Chúng tôi ngạc nhiên trước những chiếc xuồng composite làm phương tiện đi lại ngang dọc đang “làm mới” miền sông nước Cà Mau ngày nay; và cả trước những chiếc “taxi-tàu cao tốc” chở khách “lượn” ngoạn mục như… ở một trường đua xe! Thế nhưng, lúc đi trong Làng rừng, trong ánh nắng xiên lấp loáng bạt ngàn cây đước, đã gợi cho người ta biết bao cảm xúc xốn xang, thương nhớ những câu hát, bài thơ về vùng đất mệnh danh cùng trời, cuối đất này…”.

 

Cà Mau được thiên nhiên ưu đãi khung cảnh rừng sinh thái tuyệt đẹp. Ngoài rừng đước, vùng Năm Căn còn có rừng tràm U Minh thuộc địa phận huyện Trần Văn Thời, Thới Bình. Rừng U Minh rộng lớn đến có thể chia làm hai phần: U Minh Thượng và U Minh Hạ. Cách nhau giữa hai khu vực rừng là con sông Trẹm và sông Cái Tàu.

 

Đi trong rừng tràm xanh, đi trong hương tràm ngào ngạt, lặng im nghe tiếng động nhẹ nhàng của những chú sóc nâu, tiếng ong rộn ràng, khách tham quan càng cảm nhận sự lý thú. Hiện nay, du lịch sinh thái còn được ghi nhận ở một số “địa chỉ xanh” như rừng nguyên sinh ở Phú Quốc; rừng tràm Xẻo Quýt (Đồng Tháp); rừng tràm Trà Sư (Tịnh Biên - Châu Đốc)…

 

Khoảng trống giữa văn hóa và du lịch

 

Ghé thăm khu di tích lịch sử chiến thắng của vua Quang Trung trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút ở Mỹ Tho (Tiền Giang), khách tham quan hơi bất ngờ trước cụm tượng đài vua Quang Trung được nhà điêu khắc nổi tiếng Nguyễn Hải tạc và thiết kế thật đẹp. Nhưng, vì sao khu vực này vắng khách quá!

 

Chúng tôi đặt câu hỏi và được ông Võ Châu Thanh, Giám đốc Sở VH-TT Tiền Giang giải thích: Đây cũng là vấn đề ngành văn hóa tỉnh đang quan tâm khi mối quan hệ giữa văn hóa và du lịch còn khoảng trống lớn, thiếu sự gắn kết và có không ít bất cập. Trong thực tế, văn hóa bao trùm  nhiều lĩnh vực kể cả văn hóa vật thể hay văn hóa phi vật thể. Nó có bề dày sâu xa trong lịch sử và là cái hồn của dân tộc, là bản sắc một vùng đất. Thế nhưng, nhìn lại  những tour du lịch của nhiều đoàn đến Tiền Giang, không phải ai cũng biết đến khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút; khu đình Long Hưng; khu Lăng mộ Hoàng gia ở Gò Công hay nét chợ quê nổi tiếng về trái cây ở Lò Rèn, Vĩnh Kim…

 

Các loại hình văn hóa dân gian như hò đối đáp hay sân khấu, nghệ thuật âm nhạc truyền thống hát bội, đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay có được du lịch địa phương quan tâm? Gần như chỉ là sự bung ra một cách tự phát của người dân.

 

Theo ông Võ Châu Thanh, đội ngũ nghệ sĩ, nghệ nhân nghệ thuật ở địa phương có khả năng  và tiềm năng, đảm đang được các loại hình trình diễn trên sân khấu hoặc diễn xướng trong môi trường văn hóa thích hợp nhưng cơ hội kết hợp với du lịch quá hiếm hoi. Hiện tại, không kể đoàn ca múa nghệ thuật tỉnh, Tiền Giang còn có 3 câu lạc bộ hát bội trực thuộc trung tâm văn hóa và nhiều  nhóm đờn ca tài tử ở hầu hết các địa phương…

 

Về vấn đề này, bà Bùi Thị Hồng Hà, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh An Giang nhận xét, thực ra văn hóa, nghệ thuật và du lịch đang được nghiên cứu kỹ để tìm hướng đi. An Giang là nơi có 4 dân tộc Việt, Chăm, Khmer, Hoa sinh sống nên văn hóa, lễ hội, nghệ thuật âm nhạc khá đa dạng.

 

Nhưng hiện nay các tour du lịch vẫn chưa sắp xếp kết hợp “ăn khớp” với từng thời điểm các lễ hội vì nhiều yếu tố khách quan. Chẳng hạn, văn hóa, nghệ thuật Chăm với nghề dệt lụa truyền thống, với những điệu múa, hát phong phú, đặc sắc của dân tộc Chăm; hay lễ hội đua bò; lễ hội văn hóa ẩm thực làng nghề của các dân tộc ở Châu Đốc - Long Xuyên vẫn chưa sắp xếp phù hợp theo các mùa du lịch. Tất nhiên, với hướng đi mới sắp tới, Sở Du lịch rất cần sự hỗ trợ lớn của Sở VH-TT.

 

***

Làm thế nào quảng bá nét văn hóa du lịch địa phương cũng là điều đang hướng tới của các cấp chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Song song với việc xây dựng cơ sở hạ tầng về đường sá, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường ở điểm đến, các hoạt động khôi phục tinh hoa văn hóa, nghệ thuật mang sắc thái riêng của từng địa phương cũng đang được đề xuất. Tuy nhiên, từ phương hướng đến thực hiện còn những khoảng cách.

 

Ảnh : Khách tham quan đến cột cờ Đất Mũi Cà Mau, nơi đánh dấu vùng đất cuối cùng của Tổ quốc.

Kim Ửng - Hoàng Liên - SGGP
Tin tức khác