Tên thật và năm sinh của Nguyễn Bính
Trong mục “Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật” đăng trên phụ trương Thơ báo Văn nghệ số 52, ở phần tên Nguyễn Bính có mở ngoặc chú “Nguyễn Bính Thuyết”. Đây là sự hiểu lầm đáng tiếc, có lẽ xuất phát từ giai thoại về nhà thơ hồi ông sống trong Nam vào những năm trước 1945. Hồi đó, nhà thơ nhiều lần tuyên bố sẽ cưới một cô gái. Chuyện không thành, nhà báo Thanh Bình, bạn viết của ông, riễu ông là “Bính năng thuyết bất năng hành” (Bính hay nói mà không làm). Chuyện được đăng báo làm nhiều người hiểu lầm tên ông là Nguyễn Bính Thuyết, đến nỗi khi nhận được tờ báo ông đã xé nát vứt đi.
Lại có một nhà báo nữ nhầm năm sinh của ông là năm Bính Ngọ. Thực ra Nguyễn Bính sinh năm 1918, tính ra là năm Mậu Ngọ. Có lẽ người viết đọc câu thơ của ông “Em vẫn đường dài thân ngựa lẻ” mà nghĩ chữ “bính” trong thơ được ông lấy dùng làm tên chăng?
Thực ra tên đầy đủ của nhà thơ là Nguyễn Trọng Bính. Theo người em con cậu ruột của ông là nhà thơ Bùi Hạnh Cẩn, thì từ lót “Trọng” do cụ thân sinh nhà thơ chọn đặt cho. Nhà thơ bỏ từ này từ lúc viết bài “Cô hái mơ”, về sau tên ký chỉ có hai từ “Nguyễn Bính”.
Nguồn gốc bài thơ “Lỡ bước sang ngang” và nhân vật “chị Trúc”
Chị Trúc là tên một nhân vật trong thơ Nguyễn Bính nhưng cũng là một người có thật mà nhà thơ quen từ hồi theo anh ruột là nhà thơ Trúc Đường ra Hà Đông học. “Chị Trúc” rất quý Nguyễn Bính, coi ông như em ruột vì nhà thơ biết rõ và rất thông cảm với cuộc tình ngang trái của chị. Hơn 100 câu thơ trong bài “Lỡ bước sang ngang” là hơn 100 ngày “chị Trúc” sống với mối tình ngang trái ấy.
Nguyên nhân trở thành nhà thơ cách mạng
Xuất thân từ một gia đình nhà nho nghèo, mẹ mất sớm, gia cảnh thiếu thốn, Nguyễn Bính đã nếm trải nhiều khó khăn, phải lăn lộn rừng biển để kiếm ăn. Đi nhiều, thấy nhiều, gặp nhiều cảnh trái ngang, khi ra Hà Nội làm báo sống chung với các bạn nghèo mà giàu chí khí như Thâm Tâm, Trần Huyền Trân, Phạm Quang Hòa... ông ít nhiều chịu ảnh hưởng của các bạn. Sau đó, hồi ở Sài Gòn, Nguyễn Bính hay la cà quán sách do một nhóm Cộng sản mở, ông được gặp ông Nguyễn Oanh và hai người thường trò chuyện, vì vậy mà dù chính quyền tay sai của Pháp - cái gọi là “Nam Kỳ quốc” treo giải 1000 đồng Đông Dương cho ai dụ được Nguyễn Bính vào thành nhưng nhà thơ quyết chí đi về phía cách mạng. Sau 1945, Nguyễn Bính làm chủ nhiệm Việt Minh Rạch Giá, rồi sau về miền Tây hoạt động văn nghệ. Ông viết khá nhiều ở thời kỳ này. Bài hát “Tiểu đoàn 307” là lấy lời thơ ông mà phổ nhạc.
Người vợ miền Nam
Sau ngày đất nước thống nhất, tôi may mắn được gặp người vợ miền Nam của nhà thơ - bà Nguyễn Hồng Châu - nhiều lần. Bà kể cho tôi nghe chuyện tình duyên và những kỷ niệm của hai người (bà Châu đã xuất bản hồi ký). Chuyện đi hỏi vợ với mấy lá trầu không và giẻ cau mà được má bà Hồng Châu ưng ý. Rồi chuyện đi tìm mộ chồng ở nghĩa trang Cầu Họ, chuyện đi tìm gia đình chồng sau ngày giải phóng, chuyện hai vợ chồng tranh luận khi đặt tên cho cô gái đầu khiến hộ tịch viên phải viết lại giấy khai sinh... Bà Hồng Châu là người cùng hoạt động với bà Tô Thị Huệ, phu nhân của cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh. Năm nay bà Châu đã gần 90 tuổi, gần 70 tuổi Đảng. Coi như chỗ thân tình, bà cũng có lúc phàn nàn về dư luận đồn thổi chuyện không có thật trong việc ly hôn...
Những tác phẩm chưa in
Khi con gái lớn của nhà thơ là Nguyễn Bính Hồng Cầu có ý muốn xuất bản một tổng tập về cha mình, tôi có trao cho Hồng Cầu bài thơ dài đang viết dở của ông là “Ngọc vô duyên” và vở kịch thơ “Người lái đò sông Vị” - vở này và “Cô Son” sau được chuyển thành chèo. Cả hai chưa được xuất bản. Rất tiếc, là Nguyễn Bính còn một truyện thơ dài, đã viết được hơn 200 trang hồi ông về Hà Tiên ở nhà hai vợ chồng nhà thơ Đông Hồ - Mộng Tuyết. Theo bà Mộng Tuyết thì Nguyễn Bính muốn theo gương Nguyễn Du mà viết một truyện Kiều Việt Nam, không theo thể tự sự mà theo thể trữ tình. Hồi đó Hà Tiên chưa có điện, nhà thơ Đông Hồ vì mến tài Nguyễn Bính mà dành cả mấy cây nến đỏ (hồng lạp) cho ông thức viết. Truyện thơ đó được đặt tên là “Thạch xương bồ”. Rất tiếc là Nguyễn Bính chưa kịp hoàn thành tác phẩm thì máu giang hồ nổi lên và ông lại ra đi.
Nguyễn Bính mất năm mới 49 tuổi, trước khi bước sang giao thừa tuổi 50. Nhà thơ Trần Lê Văn đã coi là “sái” khi nhắc hai câu thơ của Nguyễn Bính :
“Năm mới tháng giêng mồng một Tết
Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân”
Nguyễn Bính ra đi để lại nguyên vẹn cả mùa xuân cho đời.