Lối viết mới mẻ cộng với sự trau chuốt về hình thức trình bày của một họa sĩ vẽ bìa hàng đầu đã làm nên thành công của “Năm, mười, mười lăm, hai mươi” (Nguyễn Vĩnh Nguyên). Nằm trong bộ “Văn mới” đẹp, hiện đại, cuốn sách còn có sự nổi bật về nội dung nên nhanh chóng hút độc giả.
Dù ra sách vào thời điểm cuối năm, khi độc giả đã có nhiều thứ để đọc, thì Nguyễn Ngọc Tư vẫn đủ sức làm độc giả ngạc nhiên với “Cánh đồng bất tận” - một lối viết hoàn toàn mới, bạo liệt, khiến người đọc như được xem một “Mùa len trâu” phần 2 đặc chất Nam Bộ. Cuốn sách, ngay từ những ngày đầu phát hành đã tạo nên cơn sốt, khiến nhiều độc giả ngoài Bắc phải nóng lòng chờ đợi. Và con số ba vạn bản in của nó là niềm mong ước của nhiều nhà văn.
Có một số đầu sách được chú ý dù không thực sự nổi bật, những cuốn ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa như “Nhật ký Mã Yến” chất chứa khát khao cháy bỏng được đến trường của một cô bé Trung Quốc 13 tuổi. Đó còn là mối tình thầm lặng, bi thương của thiếu nữ Trung Quốc chơi cờ với chàng lính Nhật trong “Thiếu nữ đánh cờ vây”. Và nếu như ai đó đã đọc “Ở đâu còn sự sống, nơi đó còn hy vọng” (Phan Văn Hòa) chắc khó tránh khỏi suy tư trước mối tình yêu thương tha thiết của một cặp vợ chồng trẻ bất lực trước căn bệnh nan y.
“Mật mã Da Vinci” (Dan Brown) ra mắt khá ấn tượng nhưng nhanh chóng bị coi là một “thảm họa dịch thuật” khi một độc giả - dịch giả đối chiếu bản tiếng Việt với bản gốc. Rất có thể, nếu được đối chiếu kỹ càng như vậy, “Gia đình trên hết” và “Già quá sớm, khôn quá muộn” (cùng một dịch giả) sẽ có nhiều sạn?
Bởi thực tế hầu hết công chúng yêu sách sau khi nghe giới thiệu, tìm mua đã nhăn mặt vì đọc không nổi. Bản dịch không thoát nghĩa, câu từ trúc trắc, lỗi do người dịch chưa nhuần nhuyễn tiếng Việt chứ hoàn toàn không phải do văn phong Mỹ của tác giả.
Cũng nên nhắc đến sự nở rộ của loại sách “phóng sự xã hội” của một số báo. Chuyện tử tù, gái gọi, tham nhũng..., sự xuất hiện của những cuốn không thuộc dòng sách chính thống này cho thấy sắc thái đọc của một bộ phận công chúng. Nó đặt ra câu hỏi không biết có nên khuyến khích dạng sách như thế?
“Harry Potter” – một hiện tượng văn học thế giới cũng làm xôn xao thị trường sách Việt. NXB Trẻ đã góp phần nâng cao uy tín của những người làm sách Việt Nam khi phát hành thành công tập 6 bản tiếng Anh của bộ truyện này cùng thời điểm với nhiều quốc gia khác. Không những thế, bản dịch tiếng Việt là bản chuyển ngữ sớm nhất của tập sách này.
Tuy nhiên, sôi động kéo dài nhất phải kể đến “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”. Xuất hiện đúng vào dịp kỷ niệm 30 năm kết thúc chiến tranh, “Mãi mãi tuổi hai mươi” có được sự thuận lợi lớn về mặt tuyên truyền nhưng có lẽ không ai ngờ số bản in của nó đạt tới 40 vạn.
“Nhật ký Đặng Thùy Trâm” xuất hiện sau một chút nhưng cũng nhanh chóng trở thành hiện tượng văn học. Sách hấp dẫn vì số phận của cuốn nhật ký sau 30 năm lưu lạc, hấp dẫn vì tâm hồn trong sáng tuyệt vời của người con gái Hà Nội ở nơi chiến trường khốc liệt. “Nhật ký Đặng Thùy Trâm” có tần số xuất hiện dày đặc nhất trên các báo trong suốt một năm kể từ khi xuất hiện.
Hai cuốn trên ra đời thậm chí tạo nên cả một dòng sách nhật ký chiến tranh như: “Sống để yêu thương và dâng hiến”, “Nhật ký Vũ Xuân”, “Tây Tiến viễn chinh”... Xuất hiện sau, giá bán khá cao (43.000 đồng so với giá ưu đãi của “Mãi mãi tuổi hai mươi” - 25.000 đồng) nhưng số lượng xuất bản của chúng vẫn đạt chừng 40 vạn bản - “như thời bao cấp” mà lại được độc giả nồng nhiệt đón nhận chứ không như diện sách “cấp phát”.
Với những đầu sách mới xuất hiện năm 2005 kể trên, với những con số phát hành đáng kể đó, có thể thấy độc giả Việt Nam vẫn rất yêu sách văn học, không hề quay lưng lại với thể loại này như một số người lầm tưởng. Những cuốn sách sâu sắc, thấm đẫm chất nhân văn giúp người ta thấy mình lớn thêm lên, thấy rằng cuộc sống này thật đáng qúy, rằng con người cần phải sống tốt hơn...
Sự sôi động của sách văn học năm qua đã giúp chúng ta trả lời câu hỏi khó muôn thuở của người làm xuất bản: Sách nào bán chạy?