Không chỉ đơn thuần ghi lại nét đẹp cổ kính, trầm mặc của những mái đình, các nhà nhiếp ảnh còn cố gắng thể hiện quan niệm phong thủy của người xưa, sự biến đổi kiến trúc đình làng và những sinh hoạt văn hóa truyền thống theo chiều dài thời gian. Đình làng thường được xây dựng trên những khoảng đất cao, quay mặt về những khúc sông hoặc hồ nước, đảm bảo thế "tụ thủy, tụ linh, tụ phúc". Với góc máy rộng, bao quát một không gian lớn, các tác phẩm như Đình Tây Đằng, Đình Hàng Kênh, Hội làng Đình Bảng... góp phần lý giải cho người xem một nét tín ngưỡng của người xưa khi chọn hướng và xây dựng quần thể không gian văn hóa đình làng.
Từ những ngôi đình cổ nhất, cách đây chừng 500-600 năm cho tới những mái đình vừa được xây mới, bộ sưu tập "Đình làng Việt - sự đa dạng" còn là một bản thuyết trình bằng hình ảnh về sự biến đổi của kiến trúc đình Việt qua không gian và thời gian. "Sự khác nhau giữa kiến trúc chữ nhất (chỉ có một tòa đại đình) ở đình Tây Đằng với kiến trúc chữ khẩu (4 ngôi nhà nối vuông góc với nhau) ở đình Võ Liệt phần nào phản ánh sự thay đổi, bổ sung chức năng của mái đình thế kỷ 16 so với mái đình thế kỷ 19", nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự giải thích.
Không những nhạy cảm trong việc nắm bắt dấu vết của thời gian đổ bóng xuống những mái đình, tác giả của những bức ảnh trải rộng khắp Bắc, Trung, Nam còn nhận ra khá rõ đặc trưng mái đình của từng vùng quê. "Đình làng miền Nam thường mang nhiều họa tiết, có màu sắc rực rỡ hơn so với những gam màu trầm và những họa tiết tối giản nhưng tinh tế trong đình làng miền Bắc", anh Nguyễn Thanh Liêm nhận xét.
Chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những dấu tích xưa, không ít người có mặt tại buổi triển lãm tỏ ý lo lắng cho sự mai một của nét đẹp văn hóa nơi các đình làng. Nhà văn Nguyên Ngọc bày tỏ: "Đình vẫn là nơi diễn ra lễ hội, nhưng không còn giữ được không khí xưa; đình vẫn là nơi thờ tự, nhưng nghi thức cúng tế đã thay đổi; còn chức năng làm trung tâm hành chính của những mái đình thì dường như không còn nữa. Triển lãm này là sự báo động cho khả năng có thể mất đi của những giá trị văn hóa truyền thống". Khi được hỏi về những giải pháp cho vấn đề này, ông trả lời bằng một câu hỏi: "Tại sao chúng ta không tận dụng những ngôi đình sẵn có làm trung tâm văn hóa cho làng mà lại phải xây dựng những nhà văn hóa nông thôn mới?".
Còn tác giả của những bức ảnh quý giá này lại day dứt với một thực tế khác. "Bên cạnh những ngôi đình bị lãng quên, lại có những ngôi đình được người ta tân tạo một cách bất hợp lý, những bức tượng được khôi phục theo lối tô son, trát phấn. Đây cũng là một vấn đề đáng lo ngại", nhà nhiếp ảnh Nguyễn Văn Kự bày tỏ.
Sau Đình làng Việt - sự đa dạng, ông dự định tiếp tục triển khai một công trình về nhà rông Tây Nguyên với sự tham gia của nhà văn Nguyên Ngọc.
Đình Tây Đằng - ngôi đình được coi là cổ nhất (ảnh trưng bày trong triển lãm).