Càng đến khời khắc giao thừa, hồ Hoàn Kiếm càng náo nhiệt bởi dòng người đổ về đông đúc, mọi ngả đường lân cận dẫn vào khu trung tâm này đều bị ách tắc. Giao thừa năm nay, tiết trời tại thủ đô Hà Nội se lạnh, không quá rét nên càng khiến nhiều nam thanh nữ tú ra đường du xuân. Các điểm gửi xe đều hết chỗ mặc dù giá vé trông xe lên tới 10.000-15.000 đồng/xe máy, 5.000 đồng/xe đạp. Đón giao thừa cùng đám bạn học, Bích Nguyệt, ĐH Xây dựng xúc động: "Năm nào em cũng đi đón giao thừa ngoài đường phố cùng các bạn để được hoà mình vào đất trời. Em mong ước năm mới sẽ có nhiều niềm vui trong cuộc sống và học tập".
Tại trung tâm thành phố, nhiều chương trình ca nhạc mang đậm nét văn hoá dân tộc được tổ chức ngoài trời như tại Nhà hát lớn, Đền Bà Kiệu, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục. Đền Ngọc Sơn cũng nhộn nhịp suốt buổi tối với chương trình biểu diễn ca nhạc dân tộc Thời khắc giao thừa, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã dâng hương cầu chúc thành phố năm mới ngày một phát triển.
Xen lẫn trong đám bạn trẻ đi đón giao thừa là nhiều thanh niên tình nguyện mang băng rôn, khẩu hiệu "Giao thừa không rác", tuyên truyền ý thức giữ vệ sinh môi trường tới mọi người. Tuy nhiên, cũng có nhiều bạn trẻ đùa nghịch bằng cách đốt pháo diêm và ném vào người đi đường.
Ngoài khu vực hồ Hoàn Kiếm còn có 5 điểm khác ở thành phố Hà Nội có bắn pháo hoa như Hồ Tây, Hồ Ngọc Khánh, sân vận động quốc gia Mỹ Đình, khu đô thị mới Đền Lừ, sân vận động Đông Anh và vườn hoa Gia Lâm, cũng thu hút đông đảo người dân đến chiêm ngưỡng.
Cùng thời điểm, tại các chùa ở thủ đô như Quán Sứ, phủ Tây Hồ, chùa Hà... cũng hàng nghìn người đi dâng lễ, cầu may đầu năm. Bà Hoa, đường Khâm Thiên, cho biết, cứ sau khi đón giao thừa là bà đến ngay chùa Quán Sứ để cầu may. "Năm nay, tôi cầu Đức Phật phù hộ cho gia đình mạnh khoẻ, phát tài phát lộc và có thêm đứa cháu nội bụ bẫm", bà Hoa bộc lộ. Trên đường về, nhiều người còn tranh thủ hái lộc tại các chùa, cây cối ven đường hoặc mua trên đường với giá từ 5.000 đến 10.000 cho mỗi cành lộc.
Đêm giao thừa, hàng vạn người dân TP HCM cũng đổ ra đường để đón chào thời khắc thiêng liêng giữa 2 năm Ất Dậu và Bính Tuất. Từ chiều tối, người dân TP HCM bắt đầu bỏ đi mọi lo toan thường nhật đổ ra đường đón Tết. Dù không đông đúc như ngày thường nhưng tại những con đường lớn hay những ngã 5, ngã 6 hoặc các bùng binh như: Dân Chủ, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phú Lâm, Cây Gõ... bong bóng, cờ đỏ sao vàng ngợp trời. Người dân bắt đầu cảm nhận thấy thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới đang đến gần.
Mọi con đường từ Gò Vấp, Tân Bình, Bình Chánh, Thủ Đức, quận 8, quận 2... đều hướng về quận 1, trung tâm của "hòn ngọc Viễn Đông". Đông đúc nhất phải kể đến đường hoa Nguyễn Huệ. Nơi đây hàng nghìn người kéo về khiến những con đường như Nguyễn Huệ, Lê Lợi, Đồng Khởi, Hàm Nghi... càng trở nên lộng lẫy, lung linh trong ánh đèn màu.
Cách đó không xa, Bến Nhà Rồng mới chỉ đến 21h đã chật cứng người. Đây là điểm sẽ tổ chức bắn pháo hoa nơi này nên ai cũng muốn đến trước để có một chỗ đứng đẹp để chiêm ngưỡng. Tại điểm bắn pháo hoa thứ hai trong nội thành là Trường đua Phú Thọ có vẻ êm ả hơn khi chỉ mới có lực lượng công an, trật tự thường trực để giữ gìn an ninh trật tự. Dự kiến hàng nghìn người sẽ có mặt bên trong trường đua Phú Thọ, quận 11 và hàng vạn người dân bên ngoài chứng kiến tiếng pháo hoa và những chùm ánh sáng màu lung linh mừng xuân mới...
Với những người mong tìm những phút thư thái trong đêm giao thừa, họ có thể đến các quán cà phê hay sánh vai nhau ngắm nhìn muôn loài hoa trong Hội chợ hoa Tao Đàn. Được đi trên những con đường hoa ngay trên quê hương mình, bà Võ Thị Hồng Vân, Việt kiều Mỹ xúc động nói: "Khi còn ở Mỹ tôi không thể hình dung đất nước mình giờ đã đẹp như thế này".
Pháo hoa tại Hồ Hoàn Kiếm. Ảnh: Anh Tuấn