- Chị đánh giá thế nào về những thành công và thất bại của mình trong năm qua?
- Phan Huyền Thư: Năm vừa qua đối với tôi quả là một năm đầy biến động mang màu sắc may mắn. Sao Thái Dương chiếu nên công việc suôn sẻ, thỉnh thoảng có xung khắc, vạ miệng qua loa... nhưng vẫn là một năm may mắn.
Tôi không hiểu nếu không có áp lực thì tôi sẽ làm việc thế nào. Tạng của mình là sống chung với áp lực và vượt qua áp lực. Tôi đã viết kịch bản phim tài liệu nhựa Hương đá ong, 3 tập kịch bản và lời bình cho phim Lịch sử Chính phủ Việt Nam, CD Đường xa vạn dặm với Quốc Trung, chương trình Nắng lên với Thanh Lam, các chương trình ca nhạc truyền hình trực tiếp quan trọng như Đảng cho ta mùa xuân, Đất nước trọn niềm vui, Người là niềm tin tất thắng, Ta tự hào đi lên, Việt Nam... Rồi 100 tập phim hoạt hình Chiếc giếng thời gian dưới ánh sáng của huyền sử dân tộc dành cho thiếu nhi, những cuộc đăng đàn diễn thuyết trên các phương tiện thông tin đại chúng đến mức... "bội thực". Hai chuyến xuất ngoại cuối năm cũng rất hên. Nhưng đáng kể nhất vẫn là Rỗng ngực, tập thơ thứ hai của tôi vừa hoàn thành vào tháng 12 vừa qua.
Đằng sau đó là sự thiệt thòi của hai cậu con trai, ít được mẹ chăm sóc hơn trước, ông xã ít gặp vợ hơn, ông bà nội của các cháu có vẻ mệt mỏi hơn với công việc quá bận rộn của một cô con dâu như tôi. Thất bại của tôi là không còn được lòng người nhà như được lòng công chúng và xã hội. Tôi thấy buồn vì chuyện đó.
- Đỗ Hoàng Diệu: Năm qua đối với tôi là một năm khá vui. Bóng đè được xuất bản và ít nhiều tạo được dư luận. Tuy nhiên, văn chương chỉ là một phần trong cuộc sống của tôi. Tôi cảm thấy hạnh phúc vì năm qua, tôi đã hoàn thành một khóa học khá "xương" về ngành luật. Chuyện tình cảm có nhiều thuận lợi. Tuy không tổ chức tại Việt Nam nhưng mọi nghi lễ chuẩn bị cho đám cưới đã "đâu vào đấy" rồi. Và tất nhiên, còn nhiều chuyện khác nữa.
Xuất bản Bóng đè, tôi có thêm nhiều bạn tốt. Nhưng mặt khác cũng qua đó tôi nhận ra nhiều người ngỡ như là bạn nhưng hóa ra lại không phải. Tôi phân biệt rất rõ, bạn là bạn mà phê bình là phê bình, nhưng có những người dường như thấy tôi có chút tiếng tăm mà đố kỵ và xa lánh. Mỗi người Việt Nam như ẩn dấu một ông quan bên trong, thích phán xét và coi tất cả mọi người đều ở dưới mình, khó chấp nhận cái gọi là hiện tượng, dù rằng năm qua báo chí Việt Nam nhắc nhiều đến cái tên Đỗ Hoàng Diệu và Bóng đè là để chê đấy chứ; dù rằng, tôi vẫn là tôi, vẫn hay cười, ít nói, luôn dỏng tai nghe và đã thưa vắng trong đa số những cuộc gặp gỡ bạn bè.
- Vi Thùy Linh: Sau 5 năm tôi mới ra được Đồng tử. Năm qua là một năm vất vả, công việc dồn cả vào quý bốn. Sau khi chỉnh sửa, trau chuốt lại bản thảo lần cuối cùng, tôi mất cả tháng trời long đong, lận đận tranh đấu để ra được cuốn sách. Quá trình đi xin giấy phép còn mệt mỏi hơn cả những tháng ngày lao động cật lực trên bản thảo. Nhưng tôi biết ơn NXB Văn nghệ vì thiện chí của họ dành cho một tác giả trẻ.
Sau khi sách ra, những ngày cuối năm tôi lại tất bật đi bán sách. Anh em trong giới ủng hộ rất nhiều. Tôi ra sách không phải để tặng mà là để bán. Một số người buồn cho tôi vì phải đi bán sách nhưng tôi lại tự hào vì điều đó. Trong khi người ta phải kiếm sống bằng cách bán những thứ khác, chẳng hay ho gì, thì tôi tự hào khi sống được bằng cách bán tri thức của mình. Trong thời buổi thơ ca được in ra chủ yếu chỉ để tặng nhau như một thứ quà ít giá trị sử dụng, thì tôi hãnh diện khi thơ mình vẫn có độc giả.
- Chị nghĩ gì về những tác giả trẻ trên văn đàn những năm gần đây?
- Phan Huyền Thư: Năm qua là năm thú vị với văn đàn. Những Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Thế Hoàng Linh, Vi Thùy Linh, Nguyễn Việt Hà, Lê Vĩnh Tài... và cả tôi, Văn Cầm Hải và Nguyễn Hữu Hồng Minh đều mỗi đứa một nơi xuất ngoại. Thật mừng là Văn Cầm Hải được kết nạp vào và Hội Nhà văn và Nguyễn Hữu Hồng Minh lấy vợ. Nguyễn Vĩnh Tiến sáng tác nhạc rồi đoạt giải Bài hát Việt. Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Thị Thu Huệ vào ban chấp hành Hội nhà văn. Ôi, quá nhiều việc đáng bàn. Tôi thấy rất hãnh diện vì một năm lao động, cống hiến không hề hời hợt chút nào của những người viết trẻ. Còn nhiều ý kiến và nhận định, nhưng tôi vẫn yêu những người có lao động hơn những người không làm gì mà chỉ ngồi phán.
- Đỗ Hoàng Diệu: Trong những năm qua, văn đàn sôi nổi hẳn lên nhờ sự góp mặt của các tác giả trẻ. Tôi hy vọng sang năm sẽ có nhiều tác giả trẻ, nhiều cuốn sách tạo được dư luận hơn nữa. Phải nói là tôi tin điều đó sẽ diễn ra chứ không phải chỉ là hy vọng.
- Vi Thùy Linh: Tôi thích Nguyễn Ngọc Tư. Qua Cánh đồng bất tận, người đọc sẽ nhận thấy chị Tư là một nhà văn nhân hậu và giàu vốn sống về thôn quê Nam Bộ. Cánh đồng bất tận vượt hẳn những cuốn trước chị vì chị viết sâu hơn và đặc biệt trong nỗi đau biết hài hước. Tôi đánh giá cao sự hài hước của Cánh đồng bất tận. Hài hước nằm ở trong miêu tả, trong những câu thoại và trong cách đặt tên nhân vật. Sự hài hước trong tác phẩm của chị là một biểu hiện của trái tim nhân hậu, làm giảm đi những nỗi đau, nỗi buồn của kiếp sống nổi nênh trong tác phẩm. Tôi cũng khâm phục năng lực tư duy và vốn từ của anh Văn Cầm Hải. Anh Nguyễn Bình Phương không phải là một tác giả trẻ nhưng rất có ý thức về cái mới. Anh Phương là một trong những người tôi coi là "đại ca" về cả nhân cách lẫn tài năng văn học.
Ở những cây bút thế hệ sau mình, tôi nhận thấy có những em thực sự say mê và trân trọng văn chương như: Trần Ngọc Linh, Trương Quế Chi...
Tôi cho rằng, một trong những điều mà các nhà văn trẻ VN cần có là phải biết công nhận tài năng người khác. Các tác giả trẻ thiếu đi cách hành xử văn minh này, mà thay vào đó là sự hằn học, thiếu sòng phẳng, thiếu trung thực. Tôi chân thành ghi nhận người khác vì tôi tự tin sống bằng tài năng văn học của mình.
- Kế hoạch của chị trong năm tới?
- Phan Huyền Thư: Năm Bính Tuất đang đặt ra những thách thức mới cho chúng tôi đây! Với riêng tôi thì đã kín lịch đến tháng 9. Biết thế nào nhỉ. Thời gian eo hẹp, ngày chỉ có 24 giờ mà tham vọng, ao ước thì nhiều. Chỉ còn biết bắt tay vào ngay thôi. Tôi đã làm việc của năm mới từ ngày 1/1 rồi đấy. Các bạn hãy kiên nhẫn chờ và ủng hộ tôi nhé. Mong đợi nhất của tôi trong năm tới là một vở nhạc kịch và một tập thơ thứ 3... chưa có tựa!
- Đỗ Hoàng Diệu: Tôi vẫn viết, dù không kỳ vọng nhiều vào việc xuất bản. Dự định sẽ xong 2 truyện vừa và hoàn thành nốt cuốn tiểu thuyết đang dang dở.
Sang năm mới tôi cũng cố gắng ít khóc hơn, sống lý trí hơn một tý. Sống bằng trái tim nhiều, mệt lắm. Tôi cũng sẽ cố gắng đi shopping ít hơn để tập trung cho việc đọc sách trong những ngày nghỉ. Tôi mới được nhà văn Châu Diên và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên "hướng đạo" cho trong việc đọc sách, thấy hứng thú lắm, chắc sẽ không đọc trước quên sau như từ trước đến nay nữa. Chúc mọi người đón Tết vui vẻ, hạnh phúc.
- Vi Thùy Linh: Tôi đang thực hiện một tập đồng dao cho thiếu nhi. Những khúc đồng dao như: Cái giếng lấp rồi/ Ếch ngồi tư lự/Lá trầu tim biếc/ Kể chuyện tình mơ/ Đồng lúa chín vàng/Rủ nàng trăng xuống... Dàn mướp lủng lẳng/Đợi nấu cua đồng/Một bầy thiếu nữ/Chờ chiều tắm sông... Mưa ào ạt về/Mưa cho mùa đầy/Mưa tuôn điện sáng/Trẻ con trần truồng/Nhảy theo mưa nhạc/Tóc bà chợt xanh/Lợi cười lai láng...
Bây giờ có ít người viết cho thiếu nhi quá. Tôi viết đồng dao còn vì tôi rất yêu trẻ, dù chưa một lần sinh nở nhưng tôi đã hình dung ra bé Xù - con tôi - mũm mĩm, má phính, tóc xoăn, má lúm đồng tiền, da trắng, thông minh và thì thầm với tôi "Mẹ ơi, mẹ hãy cố lên" (tôi chuẩn bị tinh thần làm mẹ trong tương lai bằng tình yêu như thế).
Còn dự định viết tiểu thuyết, tôi sẽ lùi lại một thời gian nữa.
- Ngày Tết với chị diễn ra như thế nào?
- Phan Huyền Thư: Ngày Tết là ngày của gia đình. Nghĩ đến những ngày nghỉ bên nhau, vợ chồng con cái quây quần, thăm hỏi họ hàng, đi Chùa, ăn và ngủ... thật là thư giãn. Thường thì Tết tôi vẫn phải làm việc, nhưng làm việc bên gia đình vẫn ấm áp hơn. Tôi yêu không khí đó.
Tôi từng đón giao thừa ở thị trấn Đông Hà, trong một trận mưa bão khủng khiếp. Duy nhất có một cô phát thanh viên của đài truyền hình Huế với một lời chúc Tết trong chiếc tivi của quán cơm bình dân là an ủi trong giây phút giao thừa. Sáng hôm sau, qua đèo Hải Vân sang đến Đà Nẵng, mọi người mặc quần áo đẹp đi chúc Tết trong nắng ấm rực rỡ, tôi chứng kiến cảnh đó như một cuộc phim thần thoại... Đó là năm 1989. Tôi cũng có một lần ăn Tết ở Thái Lan, năm 1993. Thật khó quên. Trời nóng. Tĩnh lặng đến khủng khiếp. Tôi thèm một tiếng pháo, một cánh hoa đào, một mâm cơm Tết... đó là lần xuất ngoại đầu tiên trong đời mà lại đúng vào dịp Nguyên đán, có lẽ vì vậy mỗi khi đi nước ngoài tôi hay có cảm giác buồn tẻ, nhớ nhà.
- Đỗ Hoàng Diệu: Từ hồi ra học đại học năm 1992 đến nay, năm nào về Tết, tôi cũng chỉ biết ăn và lăn ra ngủ. Nếu không thì lại nằm lỳ trong phòng và đọc sách chứ hầu như không ra khỏi cổng.
Tuy không có thói quen khai bút nhưng giao thừa năm ngoái tôi cũng làm được 3 bài thơ, rồi sau đó gọi điện và buôn chuyện với người yêu.
- Vi Thùy Linh: Những ngày Tết tôi thường rất bận rộn: Dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị mâm cỗ đón năm mới... đó cũng là những công việc mà tôi yêu thích. Tôi thích cảm giác tất niên được tắm lá mùi, được cúng tổ tiên trong khói hương thiêng liêng. Nhưng năm nay, vào dịp Tết, tôi sẽ đến nhà bố mẹ nuôi ở Lạng Sơn, lên Mẫu Sơn, từ độ cao 1.600 m ngắm những triền núi nằm nghiêng như dáng nằm của người phụ nữ. Tôi cũng sẽ dạo chơi trong mưa xuân với người yêu. Tôi thích đi trong những cơn mưa xuân không làm ướt đến da thịt, ngắm gió thổi những chuỗi ngọc sương bay trên lá cành...
Chúc mọi người một năm mới tốt đẹp, chúc nghệ sĩ ngày càng có nhiều tác phẩm hay.
Nhà văn Đỗ Hoàng Diệu .