Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
473
123.255.119

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Bức tranh Đình làng Việt
Những ngày đầu Xuân năm mới, nhiều người đến vãn cảnh đình, chùa, thắp nén nhang thơm khấn Phật, khấn Thần... Hình ảnh ngôi đình, ngôi chùa đã trở nên rất thân thuộc với mỗi người Việt.

Thật thú vị khi đúng vào dịp Xuân Bính Tuất này, đến Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, những người yêu văn hoá Việt lại có dịp được ngắm nhìn vài chục bức ảnh về những ngôi đình nổi tiếng khắp mọi miền đất nước, trưng bày trong triển lãm ảnh "Đình làng Việt - sự đa dạng" của cha con ông Nguyễn Văn Kự và Nguyễn Thanh Liêm chụp.

 

Đình làng và vị trí quan trọng trong văn hoá Việt

 

Trong văn hoá Việt, ngôi đình thường được biết đến là một công trình kiến trúc đặc biệt của mỗi làng, với chức năng văn hoá, xã hội, tín ngưỡng, với về dày lịch sử và chiều sâu tâm linh của đời sống cộng đồng dân làng… Theo Giáo sư Hà Văn Tấn- Đình là ngôi nhà công cộng của cộng đồng làng xã Việt Nam. Nơi đây có 3 chức năng được thực hiện: hành chính, tôn giáo và văn hoá. Về chức năng chính, đình là chỗ để họp bàn các "việc làng", để xử kiện, phạt vạ… theo những qui ước của làng. Về chức năng tôn giáo, đình là nơi thờ thần của làng, thường là một vị, nhưng cũng có khi nhiều vị, được gọi là "Thành hoàng làng". Về chức năng văn hoá, đình là nơi biểu diễn các kịch hát, như chèo, hay hát cửa đình, nơi tiến hành các trò chơi, tổ chức các lễ hội.v.v… Nói tóm lại, có thể coi đình là một toà thị chính, một nhà thờ và một nhà văn hoá của làng xã Việt Nam. Mỗi làng là một cộng đồng thu nhỏ, thì đình giữ vị trí trung tâm của cộng đồng làng xã ấy.

    

Mê đình chụp ảnh để… chơi, rồi in sách, triển lãm

 

35 bức ảnh trưng bày tại triển lãm của cha con ông Nguyễn Văn Kự và Nguyễn Thanh Liêm là những bức ảnh tiêu biểu được chọn từ sưu tập hơn 1 nghìn bức ảnh của hai cha con ông chụp được trong hơn 20 năm qua về các ngôi đình làng từ Bắc vào Nam. Năm 1998- cuốn sách ảnh "Đình Việt Nam" với bài đề dẫn của Giáo sư Hà Văn Tấn và hơn 500 ảnh minh hoạ đã được xuất bản.

 

Ông Nguyễn Văn Kự sinh năm 1940 tại Thanh Hoá, nguyên là cán bộ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam. Làm công tác đối ngoại, ông Nguyễn Văn Kự có điều kiện đi nhiều, mỗi năm chừng 4-5 tháng. Đi đến đâu, là ông chụp ảnh ở đó. Là Hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh  Việt Nam, thành viên Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật quốc tế (FIAP), ông mê chụp ảnh. Ông là đồng tác giả của nhiều cuốn sách ảnh như: Điêu khắc Chăm, Chùa Việt Nam, Đình Việt Nam, Nhà mồ Tây Nguyên, Người Xơ đăng ở  Việt Nam, Du khảo văn hoá Chăm.v.v…

 

Nguyễn Thanh Liêm- con trai ông sinh năm 1975, hiện công tác tại Viện xã hội học (Viện Khoa học xã hội Việt Nam) nghiên cứu về di dân ở Việt Nam. Sau nhiều chuyến đi công tác cùng cha, Nguyễn Thanh Liêm cũng đam mê nghệ thuật nhiếp ảnh và trở thành người bạn đồng hành với cha trong nhiều chuyến đi.

 

Những bức ảnh chụp đình làng của hai cha con ông Nguyễn Văn Kự đã cho người xem những hình ảnh những ngôi đình cổ được xây dựng cách đây hơn 500 năm như đình Tây Đằng (ở thị trấn Ba Vì, Hà Tây), đình Chu Quyến (ở xã Chu Minh, thị trấn Ba Vì, tỉnh Hà Tây), đình Phù Lưu (Bắc Ninh)… đến những ngôi đền đã qua một vài trăm năm ở những miền đất mới. Tất cả những hình ảnh ấy đều đậm chất văn hoá truyền thống người Việt.

 

Hành trình của đình làng Việt từ Bắc vào Nam

 

Hành trình của đình làng từ Bắc vào Nam cho chúng ta những cảm nhận hết sức thú vị. Về điểm chung, dù ở đâu, đình làng vẫn là nơi trung tâm, là ngôi nhà công cộng của làng xã, là nơi để dân làng hội tụ, quây quần, thực hiện những qui ước chung của cả làng.

 

Tuy nhiên, những bức ảnh lại cho thấy sự đa dạng trong kiến trúc và cách trang trí của các ngôi đình ở 3 miền. Theo tác giả Nguyễn Văn Kự, đình làng ở miền Bắc là được dựng to, đẹp và cầu kỳ nhất. Ở miền Bắc, đình làng là công trình được tất cả dân làng dồn tâm tư, tình cảm, vật chất vào đó, cho nên chúng ta thấy cái đình là cái to nhất làng, bề thế nhất làng. Người ta có câu "To như cái đình", hoặc ai có chuyên gì ghê gớm xảy ra thì người ta bảo "chuyện tày đình", "tội tày đình". Khi người Việt mở đất về Phương Nam, đi đến đâu thì dựng đình ở đó và ngôi đình này chịu ảnh hưởng của môi trường văn hoá bản địa. Ở miền Trung, đình có kiến trúc kiểu nhà rường dân dụng , ở miền Nam thì có đình ngói, xây dựng khá đơn giản, không khác với nhà ở của người dân là mấy.

 

Triển lãm về đình làng một lần nữa nhắc nhở chúng ta về sự tài hoa của những người thợ dựng đình và những nghệ nhân thể hiện điêu khắc trang trí cho các ngôi đình. Trung bình mỗi ngôi đình phải sử dụng 100 trăm mét khối tròn. Nhưng điều thú vị là các ngôi đình được xây dựng không có móng, không có bản vẽ, chỉ có các số đo chi tiết và những người thợ xưa kia đã dựng các ngôi đình khớp đến từng cái mộng. Để dựng một ngôi đình, mấy chục người thợ phải làm miệt mài cả năm trời. Ở tất cả các chi tiết trong đình đều được chạm khắc cầu kỳ, với hình rồng đủ các tư thế, voi lồng, ngựa bay, hay các nàng tiên thổi sáo, đánh đàn nguyệt; rồi các cảnh sinh hoạt của con người như: đốn củi, cày voi, đuổi hổ, bắn rắn, chồng người làm xiếc, chèo thuyền uống rượu, nam nữ bá vai nhau.v.v…

 

Cũng tại triển lãm này, người xem được thấy những lễ hội ngày xuân ở các làng quê Việt Nam diễn ra ở đình làng như: hội đình Yên Sở (Hà Tây), hội làng đình Bảng, hát chèo, rồi các trò chơi: cờ người, kéo co, đua thuyền, cướp cầu.v.v…

 

"Cây đa, bến nước, sân đình". Với mỗi người Việt, ngôi đình đã trở thành một phần không thể thiếu của quê hương, mà mỗi khi đi xa, người ta thường nhớ đến da diết. Thời gian trôi đi và cả sự khắc nghiệt của thời tiết đã làm cho nhiều ngôi đình không còn giữ được vẻ bề thế thuở ban đầu. Nhiều đình làng đã được chú trọng trùng tu, nhưng không hài hoà với vẻ đẹp nguyên sơ. Những bức ảnh trong triển lãm "Đình làng Việt- sự đa dạng" là một cách lưu giữ những nét độc đáo của đình làng Việt cho các thế hệ sau./.

 

 Ảnh : Đình Thổ Hà (Việt Yên- Bắc Giang, xây dựng từ thế kỷ 17)

Mai Hồng - VOV