Không tình cờ, tôi đọc thấy bài: “Bắc kim thang” hay “bắt kim than?” của tác giả Nguyễn Hữu Hiệp đăng trên báo Thanh niên số 58, thứ sáu 27 - 2 - 2004. Đã lâu rồi tôi mới đọc được một bài báo “thú vị” đến thế! Trong cuộc sống đầy bon chen, căng thẳng như ngày nay đôi khi cũng phải có những bài báo như vậy... Tôi tin ông Hiệp là một người vui tính!
Theo lời ông, là một người Nam Bộ “chính cống”, ông đã được chơi trò chơi gắn liền với bài hát “bắt kim than”, hát rằng (tôi xin được phát âm lời ca mà ông đề xuất theo điệu “Bắc kim thang”): Bắt kim than / Cà lang bí rợ / Cột quai chèo / Chèo qua cheo (chèo) lại / Bắt ngứa ồ (ngựa ô) / Chay vồ (chạy vô) vườn mít / Hái lá mít / Chùi đít (chữ này tôi xin phép không dám hát đúng nhạc!) ngựa ô. Thú thực với ông, khi đọc đến đoạn này tôi không thể không phá lên cười ngặt nghẽo” như các em trong trò ông từng chơi vì quả là bài hát kia vui thật! Ông nhớ lại “thời thơ ấu” với trò chơi mà ông “từng mê thích” và “nhớ rất rõ”: “Khi hát đến câu cuối (chùi đít ngựa ô) thì các em đồng loạt ngưng vỗ tay, đặng em này vỗ đít em kia và cùng phá lên cười ngặt nghẽo”. Đọc đến đây, tôi lại băn khoăn: ngày nay nam nữ bình đẳng, các em trai chơi với các em gái có nên vỗ như thế không? Hay tôi đã cả lo cho sự trong sáng của trẻ thơ? Và nếu lời ca cùng trò chơi ông đề xuất được đưa vào sách giáo khoa nên chăng thêm một dòng chú thích: Cấm người lớn trên 18 tuổi? Thậm chí, tôi còn lo xa xôi: ở Mĩ, luật pháp chặt đến khắt khe và người dân “nghiện” kiện tụng, liệu người ta quan niệm thế nào về hành vi vỗ... đó giữa hai người khác giới?
Mà thôi, ai lại như tôi rỗi hơi lo cho nước Mĩ, hãy quay lại với trò chơi của ông. Tôi chưa hiểu trò chơi ấy như thế nào, dù đã đọc lời tả của ông: “Bài hát được kết hợp với trò chơi vui nhộn thường được diễn ra lúc trời chập choạng tối, gồm 4 em nắm tay nhau, bung ra thành vòng tròn, em nào cũng chân trái đứng, chân phải đưa thẳng ra phía trước, gác lên chỗ tay của hai đối diện đang nắm chặt, bốn chân ấy của các em đan luồn vào nhau “xoắn xuýt” như dây quai chèo. Vừa hát vừa vỗ tay nghiêng mình qua, nghiêng mình lại ăn rập theo nhịp điệu, chồm tới hay ngả lui, nhịp nhàng theo động tác”. Ông có thể vui lòng giải thích: làm cách nào bốn em nắm tay nhau thành vòng tròn lại có thể vỗ tay được?
Trò chơi mà ông phê là có “bộ dạng chết cứng” trong sách giáo khoa: các em đứng một chân, lưng quay vào nhau, một chân móc ra sau chạm bàn chân các bạn khác, khi hát nếu ai để chân co rơi xuống trước là thua - với tư thế ấy hẳn dễ vỗ tay hơn cách của ông? Thật tình, tôi có thể hiểu ý của ông vì ngày bé tôi cũng từng chơi trò chơi tương tự: chừng bốn người quay mặt vào nhau, tay nắm tay, một chân đứng, một chân gác vào chỗ hai tay mà hai người trước mặt đang bắt vào nhau, đọc đồng dao (bài khác) và không có vỗ tay. Đó là một trò vui nhưng tư thế hơi khó, chóng ngã, nếu người chơi cùng nhảy chân trụ thì nhanh mệt, đọc đồng dao còn hổn hển nói gì đến hát hò. Nhưng chúng tôi không đòi hỏi sách viết và mọi người phải chơi giống mình, vì tôi hiểu trẻ cần được sáng tạo, cần chấp nhận những dị bản nếu dị bản ấy được đại bộ phận xã hội có hiểu biết công nhận.
Tuy vốn kiến thức từ ngữ của tôi không đến nỗi ít ỏi nhưng qua những chú giải của ông tôi biết mình còn phải học hỏi nhiều... Tôi chưa rõ tại sao “kim than” lại là “con ngựa kim màu nâu sậm”? Tại sao “cà lang bí rợ” lại là “sân rộng chất toàn trái bí rợ”?
Trước nay, tôi vẫn nghĩ trong một bài dân ca, đồng dao không nhất thiết phải truy nghĩa của từng chữ, nhất là với thiếu nhi vì các em cần hoạt động, cần vui chơi (đó cũng là quyền của trẻ em đã được ghi trong Công ước quốc tế) hơn là căng óc tầm nguyên ngôn ngữ - điều mà ngay cả người lớn chưa chắc đã làm nổi. Lời của những bản đồng dao có khi chỉ làm cái cớ để “lấp chỗ trống” cho giai điệu, vậy có cần thiết phải giải thích cho trẻ những “cà lang bí rợ”, “nu na nu nống”, “chi chi chành chành”, “dung giăng dung giẻ”, “thả đỉa ba ba”... là gì không, hay điều này chỉ cần cho các nhà nghiên cứu?
Thêm nữa, sau khi kể công dụng trong đó đặc biệt là tác dụng “cường dương”, chữa “yếu sinh lí” của chim le le, ông phê phán hai câu cuối bài “Bắc kim thang” trong sách Hát nhạc lớp 2 (1997): “con le le đánh trống thổi kèn / Con bìm bịp thổi tò tí te tò te”, ông lên án sự tàn nhẫn, ác độc của chim khi “không giúp đỡ người lâm nạn” là chú bán dầu đang “có khả năng bị chết đuối”. Là một người hay trắc ẩn, theo cách lí giải của ông, tôi rất thương chú bán dầu xấu số và giận lũ chim đã vi phạm luật pháp: thấy người bị nạn mà không cứu! Ông bảo đến câu cuối phải là “chùi đít ngựa ô”, vậy hai câu nhạc tương ứng: “con le le... tò te” phải chăng cần vứt bỏ cho gọn?
Ông đoán: “Có lẽ những người biên soạn hiểu “Bắc kim thang” là bắc cái thang màu vàng (hoặc cái thang nhỏ - kim) lên đùa giỡn trên đống bí”, và ông bình luận: “ ...tất nhiên phải đổ chài xuống, lăn văng tung toé! Chơi như vậy vừa nghịch ngợm vừa rất nguy hiểm không thể chấp nhận được!”. Tôi đã xem cuốn Hát nhạc 2, không hề thấy cách giải thích như vậy, chỉ có lời giới thiệu: “Đây là một bài hát vui của trẻ em nông thôn Nam Bộ, các em hát khi chơi trò chơi Khoèo chân”. Tôi lại xem cuốn Dân ca (tập 11, Nxb Âm nhạc Hà Nội, 2001); dưới bài hát chỉ ghi chú: “Tính chất: Vui lành mạnh, còn là một điệu múa trèo chân của các em nhỏ thường chơi với nhau”. Tuy ở tập Dân ca, tên bài hát là “Bắt kim thang” nhưng nhiều nhạc sĩ, nhà nghiên cứu có uy tín lớn như: PGS.TS. Tú Ngọc, PGS.TS. Nguyễn Thị Nhung, TS. Vũ Tự Lân, Nguyễn Ngọc Oánh, Thái Phiên, trong công trình dày 1000 trang: Âm nhạc mới Việt Nam - tiến trình và thành tựu, GS.TSKH. Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao trong cuốn: Tìm hiểu âm nhạc dân tộc cổ truyền, PGS.TS. Nguyễn Thuỵ Loan trong cuốn: Thường thức về âm nhạc cổ truyền Việt Nam và Lịch sử âm nhạc,... đều dùng là: “Bắc kim thang” (chưa kể, “than” và “thang” - chữ nào vần với “cà lang” hơn?).
Từ ý tưởng “cái thang” của ông, tôi cũng thử suy luận: có thể các em khi chơi gác chân lên nhau (chân bắc lên nhau hoặc bắt vào nhau - hoặc đơn giản “bắc” và “bắt” chỉ là vấn đề phát âm, nếu vậy chữ “bắc” phát âm khó hơn nên có trước vì ngôn ngữ thường có xu hướng đơn giản hoá) như cái thang (“kim” là kim loại vàng, ở đây mang tính “tu từ” chứ không phải tả thực). Các chân kết vào nhau như cái thang, đan vào nhau như dây lang, dây bí, phải chắc như cột với kèo - chân trụ làm cột, chân gác làm kèo (như vậy “cột qua kèo” thể hiện sự đan kết thì hợp lí hơn), có thế mới lâu ngã. Nhưng rồi cũng có người ngã, người đầu tiên sẽ là “chú bán dầu” (dầu trơn trượt), người tiếp theo đứng không vững sẽ là “chú bán ếch” (ngã “vồ ếch”). Ai còn đứng vững là thắng cuộc, sẽ rất hoan hỉ. Những cái tên láy của loại chim rất tượng thanh như “le le”, “bìm bịp” cùng với những hoạt động “đánh trống, thổi kèn” và âm thanh “tí te tò te” khiến ta không thể không nghĩ đến một không khí sôi nổi, vui tươi, náo nhiệt; ta như thấy trẻ lại, căng thẳng tan biến và vui lây khi ngắm nhìn lũ trẻ con ríu rít như lũ chim non đang ầm ĩ hò reo!
Suy luận trên tuy tôi tự thấy cũng hợp lí những dù sai hay đúng, tôi đều không đòi người này người nọ hay cơ quan hữu quan nào phải nghe theo tôi.
Nếu như không chỉ lời mà cả nhạc bài hát “Bắt kim than” mà ông đề xuất đều không giống bài “Bắc kim thang”, nó là một dị bản thì nghĩa là tôi đã chưa hiểu đúng ông, nhưng tôi chỉ hỏi ông một câu: Trong khoảng 30 bài “Lí con sáo” ông sẽ không chấp nhận 29 bài “thiếu chính xác” nào?
Thay lời kết, tôi xin trích dẫn hai ý kiến:
- GS. Tô Ngọc Thanh, Tổng Thư kí Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật, Tổng Thư kí Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Uỷ viên hội đồng Âm nhạc quốc tế UNESCO, trong bài “Sơ lược về âm nhạc dân gian” đã viết về tính dị bản: “nó thể hiện tài năng sáng tạo vô cùng phong phú của quần chúng lao động ( ... ) là phương thức chọn lọc và tồn tại của âm nhạc dân gian. Do đó, chúng ta sẽ mất công vô ích khi ta định đi tìm cái gọi là “bản gốc” của một bài dân ca”.
- Ông Nguyễn Hữu Hiệp đưa bài “Bắt kim than” có câu “Hái lá mít chùi đít ngựa ô” vào sách giáo khoa hay không, xin để độc giả tự phán xét!