Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
590
123.256.310

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Từ điêu khắc trong triển lãm mỹ thuật toàn quốc 2005 nhìn về tương lai điêu khắc
Càng ngày nghệ thuật điêu khắc càng phát triển, có vị trí trong nền mỹ thuật Việt Nam. Ðiều này được khẳng định qua Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc lần thứ 16-2005.

Ở cuộc Triển lãm toàn quốc đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa - mùa thu năm 1946 (đánh  dấu sự ra đời của điêu khắc hiện đại cách mạng Việt Nam) chỉ có ba tác phẩm của nhà điêu khắc Nguyễn Thị Kim và Vũ Văn Thu trong khi đó có gần 100 bức tranh triển lãm. Như vậy, so với hội họa, đồ họa - điêu khắc có phần khiêm tốn hơn rất nhiều.

 

Chỉ tính từ khi đất nước thống nhất (năm 1975) chúng ta đã tổ chức được 4 triển lãm điêu khắc toàn quốc (1973-1983, 1983-1993, 1993-2003); 7 cuộc triển lãm Mỹ thuật toàn quốc (1976, 1980, 1985, 1990, 1995, 2000, 2005).

 

Như vậy, có thể tính theo tỷ lệ ngành hội họa, đồ họa có 4 lần được tham gia triển lãm mỹ thuật toàn quốc thì ngành điêu khắc được tổ chức 6 lần.

 

Hẳn chúng ta còn nhớ Triển lãm Ðiêu khắc toàn quốc 1993-2003 được tổ chức cách đây 2 năm.  Có 332 tác phẩm của  235 tác giả. Có tác phẩm cao nhất "Thiếu nữ trên băng" của Starakken Oivin (quốc tịch Na Uy, đang sống và làm việc tại Ðà Nẵng), cao tới 3 m; tác phẩm nặng nhất "Khát vọng hòa bình" (đá) của nhà điêu khắc Phạm Hồng - Ðà Nẵng, nặng 5 tấn. Ðó là một cuộc triển lãm hoành tráng, gây ấn tượng, nó thể hiện khá rộng diện mạo của điêu khắc Việt Nam hôm nay.

 

Ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005, điêu khắc với số lượng 197 tượng, phù điêu của các tác giả thể hiện sự đa dạng về phong cách. Ở mỗi một tác phẩm chúng ta như đọc được sự trăn trở, tìm tòi của các nhà điêu khắc tìm một vấn đề của cuộc sống để thể hiện.

 

Nếu so sánh các tác phẩm điêu khắc ở Triển lãm Ðiêu khắc toàn quốc 1973-1983 (có 234 tác phẩm của 97 tác giả, chất liệu là thạch cao, gỗ, đá, nhôm, sành, đất nung) thì ta thấy được sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc, tất nhiên cùng do hoàn cảnh lịch sử của từng thời kỳ, các chất liệu bền vững được sử dụng nhiều cũng là sự chú ý đến tính vĩnh cửu của tác phẩm. Chất liệu cũng góp phần tạo ra vẻ đẹp của tác phẩm.

 

Ðiêu khắc ngày càng đi gần đến vẻ đẹp của đặc trưng ngôn ngữ. Nếu như trước kia phần lớn tác phẩm thiên về tả, kể hoặc mô phỏng hiện thực có tác phẩm gần như bê nguyên xi thực tế cuộc sống thì ở Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 các tác phẩm điêu khắc được thể hiện với nhiều phong cách  hiện thực, siêu thực, biểu hiện lãng mạn, v.v.

 

Ðiều đáng nói ở đây là các khối hình đã được vận dụng để thể hiện cái đẹp. Sự tương phản của đường nét, khối lồi lõm, đặc trưng chất liệu, vận dụng mầu sắc... và điều quan trọng là nêu được tư tưởng tác phẩm. Các tác giả bám sát các đề tài đa dạng của cuộc sống, cố gắng nêu bật được vấn đề thời đại đó là vấn đề môi trường, quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội, tình cảm gia đình, bè bạn, tình yêu, tình mẫu tử, chiến tranh và hòa bình, v.v. các tác phẩm toát lên tính nhân văn sâu sắc.

 

Trong 53 tác phẩm đoạt giải thưởng của Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 có 18 tác phẩm điêu khắc. Tác phẩm "Thượng võ" (sắt hàn - 2005) Huy chương Vàng của Nguyễn Huy Tính - Hà Nội được tạo bằng những khối chắc khỏe, những diện khác nhau tạo ánh sáng đột ngột; "Mắt bão, (sắt hàn - 2005 Huy chương Bạc của Khổng Ðỗ Tuyền - Hà Nội có vẻ đẹp chuyển động của khối hình nêu được chủ đề; tác phẩm phù điêu "Âm thanh cuộc sống" (sơn mài đắp - 2005) Huy chương Bạc của Ðinh Văn - Hà Nội    có cái đẹp của nét và mầu; "Bánh tráng làng Chăm" của Ðinh Rú - TP  Hồ Chí Minh (gỗ - 2005) Huy chương Bạc khai thác chất dân gian trong  tác phẩm. Các tác phẩm đoạt Huy chương Ðồng như "Bộ ngựa" (gốm sành - 2005) của Nguyễn Trọng Ðoan; "Người giữ đảo" (đồng - 2005) của Lưu Thị Thanh Lan - Hà Nội; "Khởi thủy" (thủy tinh, composit, nước - 2004) của Lê Lạng Lương - Hà Nội; Phạm Minh Tuấn - Hà Nội với "Những nốt nhạc thời gian" (sắt, đá - 2005) tạo được những ấn tượng thẩm mỹ. 10 tác phẩm đoạt giải khuyến khích "Những bước chân" (thép hàn - 2005) của Ðặng Quốc  An - Hà  Nội; "Tiếng vọng" (tổng hợp - 2005) của Ðoàn Văn Bằng - Hà Nội; "Trăng" của Trần Ngọc Canh - Hà Nội; "Hàng cây" của Nguyễn Nguyên Hà - Hà Nội; "Ðàn ông" Trịnh Thế Hội - Hà Nội; "Nơi chợ tình" của Quách Mạnh Hùng - Yên Bái; "Dinh dưỡng của trần gian" của Phạm Ngọc Lâm - Hải Phòng; "Trầm tích" của Vũ Hữu Nhung - Bắc Ninh; "Biển cả" của Phạm Ðình Tiến - Quảng Bình; "Nguyện cầu" của Trần Việt Hưng - TP Hồ Chí Minh đa dạng về phong cách, có những sáng tạo bất ngờ.

 

Nhìn lại các tác phẩm điêu khắc trong Triển lãm Mỹ thuật toàn quốc 2005 chúng ta thấy các mặt được đó là:

 

- Sự đa dạng về phong cách thể hiện, sự tìm tòi tạo nên những sắc diện mới. Các tác giả đã cố gắng nỗ lực để tạo một dấu nối giữa truyền thống và hiện đại.

- Cố gắng đưa tác phẩm trở về với vẻ đẹp của ngôn ngữ tạo hình đặc trưng, về bản chất thẩm mỹ, chứ không chỉ là tác phẩm chuyển tải hình ảnh của hiện thực.

- Mỗi cá nhân đều cố gắng tìm cho mình một dấu ấn riêng, tạo hiệu quả thẩm mỹ của tác phẩm. Các tác giả (nhất là các tác giả trẻ) đi thẳng vào các vấn đề của đời sống thực tại, thực tế xã hội, những vấn đề thời đại đang đặt ra.

- Hình thành một đội ngũ tác giả mới kế tiếp những bậc đàn anh trong "làng" điêu khắc. Một đội ngũ trẻ, khỏe, năng động và có tài năng biết kế thừa truyền thống và dám bứt phá để tìm cái mới, hứa hẹn trong tương lai sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc. Hứa hẹn vị trí của ngành điêu khắc đối với đời sống xã hội.

- Các chất liệu bền vững, quý (đây cũng là gợi ý của Ban tổ chức) được tác giả sử dụng nhiều, ngày càng thành thục. Chất liệu giúp tác phẩm được nâng tầm giá trị.

- Triển lãm cho thấy một phần diện mạo của điêu khắc Việt Nam đương đại. Hứa hẹn một tương lai cho ngành điêu khắc đối với sự phát triển xã hội.

 

Tuy vậy, trong triển lãm vẫn còn một số tác phẩm  còn đơn điệu, dễ dãi và khai thác đề tài còn rơi vào lối mòn. Rất cần sự gắn kết các tác phẩm với môi trường.

 

Với sự phát triển khá mạnh của nghệ thuật điêu khắc hiện nay, hứa hẹn những bước phát triển kế tiếp khi mà sự phát triển của không gian kiến trúc, của đô thị như hiện nay, nhân dân rất cần những bức tượng, bức phù điêu đẹp để trang trí trong nhà, ở công sở, khách sạn... hay ở những nơi công cộng như vườn hoa, công viên, quảng trường...

 

Các tác phẩm điêu khắc như là điểm nhấn, điểm hội tụ làm đẹp môi trường cảnh quan là "Tài nguyên du lịch". Tác phẩm điêu khắc không chỉ đẹp trong triển lãm mà càng có giá trị vĩnh cửu khi tác phẩm bám sát và phục vụ đời sống tinh thần của con người, phục vụ môi sinh.

 

Hào rào đỏ của ĐỖ THẾ CƯỜNG.

Trần thị Quỳnh Như - NDO