Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
601
123.256.413

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Dựng nhà mồ của người Cơ-tu tại Bảo tàng Dân tộc học
Sau sáu tháng tiến hành đục đẽo, lắp dựng, chiều qua 17-2, ngôi nhà mồ người Cơ-tu đã được khánh thành tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Đây là công trình kiến trúc dân gian thứ 10 được dựng lên ở khu trưng bày ngoài trời của Bảo tàng.Ngôi nhà mồ do anh Bríu Nga (36 tuổi) ở thôn Aliêng, xã Ating, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam thực hiện dựa theo mẫu ngôi nhà mồ do chính anh làm cho bố vợ mình năm 1996.

Việc chuẩn bị gỗ, đục đẽo gỗ và chạm khắc kéo dài khoảng nửa năm, đến cuối tháng 11-2005 tất cả được chuyển ra Hà Nội. Đồng thời, anh Nga cùng năm người Cơ-tu nữa (hầu hết là trong cùng dòng tộc) được mời về Bảo tàng lắp dựng và hoàn thiện.

 

Đây là kiểu nhà mồ bề thế, khang trang nhất, thường là của những người khá giả và có địa vị trong xã hội, gọi là pinh blâng. Ngôi nhà cao 2,55m, dài 4,85m và rộng 3,25m, làm bằng gỗ. Mỗi nhà mồ có thể chứa 4-5 di hài người quá cố.

 

Ngôi  nhà mồ này là một tổng thể kiến trúc hoàn hảo và độc đáo. Bên trong còn có ba bộ phận quan trọng nữa, tạo thành một tổng thể các hiện vật liên quan khăng khít với nhau. Lần lượt từ dưới lên, đó là:

 

1-Chiếc cáng dùng khiêng người chết trong đám tang;

2-Hòm quách để đựng quan tài người chết;

3-Cái giá để cúng cơm cho người chết trong đám tang. Tất cả đều làm bằng gỗ rừng lấy tại địa phương, những loại mà người Cơ-tu vùng này thường dùng làm nhà mồ, theo tập quán và kinh nghiệm dân gian của họ, như: kiền kiền, vàng tâm v.v; với công cụ chủ yếu là rìu to, rìu nhỏ, các loại đục và con dao quắm; với việc dùng củ nâu, than củi và nước mía tạo ra phẩm màu đen để tô vẽ...

 

heo TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học, giá trị nổi bật trong kiến trúc dân gian này chính là nghệ thuật điêu khắc thể hiện qua những hoạ tiết trang trí, sử dụng các màu đen, đỏ, trắng, vàng, theo truyền thống Cơ-tu. Nổi bật là những hình đầu trâu, con rồng, kỳ đà, chim tring, chim groóc, biểu tượng ngọn rau dớn, chiêng cồng; bên cạnh đó còn có mô-típ lá cây móc, hình người ngồi than khóc, người gõ chiêng, có cả hình trâu húc nhau, hình con lợn rừng, rắn, cá, cua, nhện, răng nhện đất v.v..

 

Nhà mồ là một phần đặc sắc trong di sản văn hoá Cơ-tu. Nó không chỉ phản ánh những khía cạnh về xã hội và phản ánh quan niệm cổ truyền Cơ-tu về thế giới bên kia của ma người chết, mà còn đặc biệt thể hiện đậm nét những đặc điểm tạo hình trang trí và nghệ thuật trang trí dân gian trên gỗ của người Cơ-tu. Thêm nữa, nó gắn liền với nghi lễ lớn nhất trong tập tục tang ma Cơ-tu. Nó chứa đựng đồng thời cả những giá trị văn hoá vật thể, cả những giá trị văn hoá phi vật thể của một tộc người.

 

Ông Alăng Phương, Chủ tịch UBND xã Ating, huyện Đông Giang, Quảng Nam cho biết, kiểu nhà mồ này hiện nay rất hiếm thấy trong các buôn làng của người Cơ-tu. Hiện cũng còn rất ít người còn biết chạm khắc trang trí nhà mồ. Làm nhà mồ kiểu cổ truyền tốn nhiều công sức, thời gian và cả của cải, trong khi trào lưu tiếp thu văn hoá mới diễn ra mạnh mẽ, nên hình thức nhà mồ lợp tôn hoặc xây gạch, thậm chí ốp lát gạch men, đã trở nên phổ biến và được lớp trẻ ưa thích. Vì vậy, việc lưu giữ lại kiến trúc ngôi nhà này như một di sản văn hóa cần được bảo tồn là hết sức cần thiết.

 

Công trình nhà mồ người Cơ-tu được Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam Việt Nam tổ chức tạo dựng và trưng bày với sự trợ giúp về kinh phí của Quỹ Thuỵ Điển - Việt Nam phát triển văn hóa.

 

Ảnh : Nhà mồ của người Cơ-tu vừa được hoàn thành.

PV - NDO