Tại cuộc hội thảo, đại biểu của hơn 20 quốc gia đã "xới tung" những vấn đề được đề cập trong Dự thảo sơ bộ Công ước về bảo vệ sự đa dạng của các nội dung văn hóa và các biểu đạt nghệ thuật.
Văn hóa: lĩnh vực "hái ra tiền"?
Lễ hội văn hóa và du lịch đã đem lại nguồn lợi khổng lồ cho nhiều quốc gia. Việt Nam cũng đã nhìn thấy khả năng khai thác lợi nhuận này. Chỉ riêng Lễ hội văn hóa - du lịch Lạng Sơn năm 2003 thu 162 tỷ đồng; năm 2004 thu 200 tỷ đồng... đủ cho thấy văn hóa cũng là lĩnh vực sinh lợi, nếu biết cách khai thác.
Về điều này, thạc sĩ Jiang Dong (Trung Quốc) cho biết: "Ở Trung Quốc hiện nay, văn hóa đã trở thành một trong những lĩnh vực sinh lợi nhuận, là nhân tố tích cực đóng góp cho nền kinh tế và công cuộc xây dựng văn hóa của đất nước. Năm 2000, con số thực sự về các sản phẩm văn hóa tiêu dùng ở Trung Quốc là 80 tỷ nhân dân tệ (NDT), năm 2005 con số dự tính có thể tăng vọt lên mức 600 tỷ NDT. Tiềm năng khổng lồ của thị trường văn hóa rộng lớn của Trung Quốc thu hút ngày càng nhiều đầu tư, lôi cuốn những nghệ sĩ quốc tế tài năng đến biểu diễn ở Trung Quốc. Giá vé một số buổi biểu diễn ở Bắc Kinh, Thượng Hải thậm chí cao hơn nhiều lần giá vé tại các thành phố lớn khác trên thế giới... Thập diện mai phục, bộ phim mới của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, đã phá vỡ kỷ lục về doanh thu trong nước. Việc chọn Kim Thành Vũ đóng một trong những vai diễn nam chính để nhằm vào thị trường Nhật Bản và các nước châu Á; hay chọn ca sĩ Mỹ Catherine Battle thể hiện bài hát chủ đề trong phim là một "chiến lược" đánh vào thị trường Bắc Mỹ và quốc tế đã chứng tỏ bản lĩnh và chiến lược phát triển đúng của hãng sản xuất phim".
Đồng quan điểm với thạc sĩ Jiang Dong, ông Fumio Nanjo, Phó giám đốc Bảo tàng Nghệ thuật Mori, Tokyo nêu thí dụ: "Bảo tàng Nghệ thuật Mori mở cửa năm 2003 được xác định như một đầu tàu cho sự thịnh vượng của một thành phố mới, tạo nên một phương thức kinh doanh văn hóa độc đáo. Ngay trong năm đầu tiên, bảo tàng đã đón 1,5 triệu lượt khách đến thăm".
Tuy nhiên nhiều đại biểu quốc tế cũng bày tỏ sự lo ngại về "tính hai mặt" của hoạt động kinh doanh văn hóa. Việc chạy theo lợi nhuận có thể làm mất cân đối giữa bảo tồn và khai thác, đe dọa đa dạng văn hóa, thậm chí dẫn tới xu hướng "đồng hóa" hoặc "nô lệ", về văn hóa trước sự cạnh tranh theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé".
Giáo sư Joost Smiers (Hà Lan) cảnh báo điều này khi cho rằng: "Các luật cạnh tranh hiện có ở nhiều quốc gia ít được sử dụng trong lĩnh vực văn hóa. Amsterdam hiện có khoảng 80% màn hình chiếu phim nằm trong tay một công ty lớn và hơn 80% phim được trình chiếu có xuất xứ từ Hollywood".
Cần hỗ trợ cho văn hóa các nước đang phát triển
Để ngăn chặn nguy cơ "đồng hóa" nêu trên, tức là duy trì sự đa dạng văn hóa với tư cách là di sản chung của nhân loại, đòi hỏi các quốc gia phải có chính sách bảo vệ và phát triển trên cơ sở thực tế.
Điều 16 của dự thảo Công ước về bảo vệ sự đa dạng của các nội dung văn hóa và các biểu đạt nghệ thuật ghi rõ những hình thức giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật cho các quốc gia thành viên như: thành lập một quỹ quốc tế về đa dạng văn hóa thông qua ủy ban liên chính phủ, hay cung ứng những khoản cho vay lãi suất thấp và viện trợ nhằm kích thích việc ủng hộ tính sáng tạo.
Các nước đang phát triển được hưởng ưu đãi quy định tại Điều 17: "Các nước phát triển cần tạo thuận lợi cho việc giao lưu văn hóa với các nước đang và kém phát triển bằng cách dành sự đối xử ưu đãi thích hợp đối với các chuyên gia, các nhà nghệ thuật, các nhà sáng tạo của các nước đang phát triển và chậm phát triển, cũng như đối với các sản phẩm và dịch vụ văn hóa các nước này".
Với nền văn hóa đa dạng, trong đó có những giá trị được UNESCO công nhận là di sản của nhân loại, Việt Nam thời gian qua đã nhận được nhiều sự hỗ trợ tài chính từ các quốc gia trên thế giới, thí dụ như từ châu Âu và Nhật Bản cho các dự án trùng tu di tích.
Riêng về lĩnh vực điện ảnh, Việt Nam cũng đã "lọt vào tầm ngắm" của Pháp với một số phim được nhận tài trợ của chương trình tài trợ cho Điện ảnh Phương Nam (Mùa ổi, Thời xa vắng, Mùa len trâu...); nhiều nước châu Âu đã tích cực giúp đỡ tài chính cho các hoạt động văn hóa ở Việt Nam thông qua một loạt tổ chức như Quỹ Thụy Điển, Viện Goethe, Hội đồng Anh...
Những cơ hội nhận hỗ trợ này chắc chắn sẽ nhiều hơn khi Việt Nam tham gia Công ước về bảo vệ sự đa dạng văn hóa .
Nhưng bên cạnh "cơ hội" về tài chính, Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với vấn đề bảo vệ đa dạng văn hóa, tránh trường hợp các đơn vị tài trợ quốc tế can thiệp quá sâu vào nội dung biểu đạt văn hóa mang bản sắc riêng Việt Nam. Đây cũng là điều mà các đại biểu Philippines, Malaysia, Trung Quốc lo ngại và đã được đặt lên bàn hội thảo.
Giáo sư Tô Ngọc Thanh cũng đề nghị, nên có một điều khoản trong Công ước quy định việc hỗ trợ tài chính để bảo vệ sự đa dạng những sáng tạo văn hóa, nghệ thuật dân gian. Tác quyền của những tác phẩm dân gian phải được hiểu là địa phương sản sinh ra nghệ thuật đó. Thí dụ, đối với nghệ thuật hát quan họ tác quyền phải thuộc về vùng Bắc Ninh và mọi sự xâm phạm tác quyền trong lĩnh vực biểu diễn và thu âm băng đĩa cũng phải bị xử lý.