Hơn 60 năm trước, tài năng của Bích Khê đã được khẳng định qua nhận xét của Hoài Thanh trong Thi nhân Việt Nam: "Tôi đã gặp trong "Tinh Huyết" những câu hay vào bậc nhất trong thơ Việt Nam", còn Hàn Mặc Tử thì xem Bích Khê là "thi sĩ thần linh", là "một bông hoa lạ thơm đủ mùi phước lộc"; riêng Chế Lan Viên - người rất kiệm lời trong việc khen thơ người khác - viết hẳn một cái tựa đến... 24 trang với những đánh giá cực kỳ sắc sảo về thơ Bích Khê.
Thế nhưng, suốt mấy chục năm qua, thơ Bích Khê cũng như cuộc đời ông luôn luôn chìm nổi do những cái nhìn thiên lệch hoặc thiếu thông tin về nhân thân ông. Tất cả các bản tham luận trong cuộc hội thảo lần này đều tập trung phân tích những đóng góp độc đáo của Bích Khê trong phong trào Thơ Mới. Nói như nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN trong lời đề dẫn khai mạc hội thảo: "Thơ Bích Khê như những viên ngọc bị phủ bụi. Nó là một thứ tài nguyên chìm trong lòng đất, không thể nhìn một cách đơn giản là có thể thấy được". Lúc thơ Mới còn ở đỉnh cao (1936), Bích Khê đã cách tân cho thơ ngay trong giai đoạn rực rỡ nhất của nó. Đó là một thi sĩ đầy ý thức trong việc canh tân văn học. Chịu ảnh hưởng lớn của những thi sĩ Pháp về chủ nghĩa tượng trưng, siêu thực song Bích Khê đã cất cánh trên đường băng của riêng mình, tạo nên một sắc diện mới cho thơ VN lúc bấy giờ. Những ước mong, những hoài bão trong việc cách tân cho thơ của Bích Khê không được ông theo đuổi trọn đời do mất quá sớm, song Bích Khê vẫn là "một đỉnh núi lạ" (Chế Lan Viên) trên thi đàn. Hai tập thơ mỏng manh của ông được các nhà thơ cùng thời xem như những hạt giống quý hiếm gieo trên cánh đồng thơ Việt.
Kết luận hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh nêu kiến nghị với tỉnh Quảng Ngãi: Thứ nhất là sớm trả lại tên đường cho nhà thơ này; lấy một trường trung học nào đó ở Quảng Ngãi đặt tên Bích Khê; bổ sung những hiện vật liên quan đến đời thơ Bích Khê tại nhà thờ họ Lê ở Thu Xà và Hội Nhà văn VN xem đây như một phần của bảo tàng văn học của hội.
Ông Nguyễn Hoàng Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã nói rằng những kết luận từ hội thảo lần này sẽ là cơ sở để chính quyền địa phương điều chỉnh những sai sót về Bích Khê trong thời gian qua.
Lãnh đạo Hội Nhà văn VN viếng mộ Bích Khê tại Thu Xà (Quảng Ngãi) ngày 19.2.2006.