Ngược dòng quá khứ
BKKIFF 2006 là một cuộc hành hương về quá khứ khá thú vị. Sát bên trung tâm báo chí là khu triển lãm những poster phim xưa và nay thu hút rất đông dân ghiền điện ảnh. Các poster phim về chiến tranh VN The deer hunter (1984) hay Good morning Vietnam (1987) cũng xuất hiện tại đây. Dòng chảy điện ảnh trở nên liền mạch khi bạn ngắm nhìn những poster phim gốc ra đời từ thập niên 1950 quí hiếm với ảnh tài tử Anthony Perkins hay Marlon Brando kế cạnh poster phim Bí mật ngôi mộ cổ của cô đào quyến rũ đương thời Angelina Jolie.
Dòng chảy điện ảnh về quá khứ còn thể hiện rõ ở việc xuất hiện của các ngôi sao kỳ cựu lừng lẫy một thời. Catherine Deneuve được trao giải Kinnaree vàng thành tựu trọn đời tại BKKIFF 2006 và được tiếp đón như thượng khách, với những tràng vỗ tay vang dội khi bà tiếp xúc với báo giới và công chúng. Rồi các vị khách quí khác như nam diễn viên Anh kỳ cựu Christopher Lee được mời đến giao lưu nhân dịp chiếu lại tác phẩm kinh điển có ông thủ diễn The man with the golden gun (1974). Nữ diễn viên đoạt giải Oscar Rita Moreno cũng xuất hiện trên thảm đỏ ngày khai mạc và giao lưu với công chúng xem lại bộ phim nhạc kịch lừng danh West side story (1961)...
Sức sống một liên hoan phim
Chẳng phải dễ mà chỉ mới tổ chức đến lần bốn BKKIFF đã tự hào là “LHP phát triển nhanh nhất thế giới”. Khó ai có mặt tại Bangkok nhân mùa BKKIFF lại bỏ qua dịp may thưởng thức những tác phẩm điện ảnh đa dạng và giàu sức sống từ khắp nơi trên thế giới. 3 dots của nhà làm phim trẻ nhất Afghanistan Roya Sadat (sinh 1981) gây xúc cảm mạnh về cảnh ngộ khó khăn của người phụ nữ mất chồng lẫn gia đình sau chiến tranh. Sophie Scholl đề cập đến cuộc chiến chống ma túy tại Đức.
The consequences (đoạt năm giải thưởng điện ảnh Ý) là cái nhìn sâu sắc về những ý niệm cuộc đời chuyển tải qua hình ảnh một người đàn ông ẩn dật với những bí mật buồn thảm. Invisible waves của đạo diễn Thái Pen-ek Ratanaruang là hành trình đi tìm ý nghĩa cuộc đời thông qua chuyến hải hành trốn chạy từ Hong Kong đến đảo Phuket (Thái Lan) của một kẻ giết người...
Người xem chỉ tiếc là thời gian và sức lực không thể nào xem được hết hơn 150 bộ phim được trình chiếu dày đặc (mỗi ngày gần 40 phim tại 8-9 rạp). Nhiều bộ phim còn có sự xuất hiện giao lưu của diễn viên, đạo diễn khiến rạp 1.000 ghế hầu như kín chỗ.
Một số bộ phim đề cử Oscar như Walk the line, Brokeback mountain, Munich, Good night, and good luck... trình chiếu vào thời điểm diễn ra BKKIFF càng làm cho cụm rạp Paragon hút khách. Ngoài khán giả nước chủ nhà, có không ít khán giả là du khách nước ngoài. Nhật Linh, chủ trì trang web điện ảnh yxine.com, bỏ tiền túi sang Thái để ngồi theo dõi buổi giao lưu với đạo diễn làm nhiều phim về chiến tranh VN Oliver Stone. Đã xem nhiều lần Hạt mưa rơi bao lâu (tranh giải phim khối ASEAN) nhưng anh vẫn tiếp tục đến suất chiếu của phim này tại BKKIFF chỉ để tận mắt đo lường sức hút của phim VN tại một LHP quốc tế như thế nào.
BKKIFF liên tục diễn ra những buổi hội thảo, trao đổi về điện ảnh, chuyện làm phim, chuyện nghề, chuyện đời của diễn viên đến đạo diễn và nhà sản xuất... Tất cả cho thấy điện ảnh là một ngôn ngữ rất dễ bắt mạch niềm đam mê của mọi người.
“Giờ vàng” cho điện ảnh chủ nhà
Bộ môn nghệ thuật thứ bảy khai sinh vào năm 1896 thì chỉ một năm sau, ngày 10-6-1897, những thước phim ngoại đã được chiếu ở Bangkok. Ngày nay, ngành công nghiệp điện ảnh Thái phát triển vào hàng đầu khu vực ASEAN. Họ đã có phim đoạt giải thưởng tại LHP Cannes, nhiều đạo diễn trẻ đoạt giải phim ngắn ở các LHP châu Á.
Invisible waves (Những con sóng vô hình), phim được chọn chiếu khai mạc BKKIFF 2006, cũng chính là bộ phim Thái đầu tiên được lọt vào vòng tranh giải Gấu vàng tại LHP Berlin 2006, qui tụ dàn diễn viên Nhật, Hàn Quốc, Trung Hoa lẫn Thái Lan và được quay bởi nhà quay phim tài ba Christopher Doyle.
Nếu như Indonesia có LHP quốc tế Bali và Jakarta, Philippines có LHP quốc tế Makati Cinemanila, Singapore có LHP quốc tế Singapore... thì BKKIFF non trẻ của Thái Lan lại tỏ ra thành công bậc nhất với các ngôi sao thế giới đến dự (Michael Douglas, Colin Farrell, Thành Long...), sự tín nhiệm của các đạo diễn và nhà sản xuất lỗi lạc (Oliver Stone, Roger Corman, Terry Gilliam, Vương Gia Vệ...) và hiệu quả của chợ phim Bangkok (200 hãng và cá nhân tham dự, giao dịch mua bán phim trị giá hàng trăm triệu USD).
Bà Juthamas Siriwan, chủ tịch BKKIFF 2006, tự hào: “LHP này đã trở thành một trong những sự kiện điện ảnh quan trọng và tầm cỡ nhất ở châu Á. Chúng tôi tổ chức thật tốt nó để mang đến những tác phẩm điện ảnh đặc sắc nhất toàn cầu trình chiếu tại Bangkok - một giao lộ của châu Á”. Tổng cục Du lịch Thái Lan đứng ra tổ chức BKKIFF với ba đích nhắm: Thái Lan vươn vai trở thành trung tâm của ngành điện ảnh ở châu Á, thúc đẩy nhiều bộ phim mới ra lò và thu hút khách du lịch.
Ngoài BKKIFF thì điện ảnh Thái Lan năm 2006 còn có hai sự kiện: một là bộ phim lịch sử đồ sộ Vua Naresuan hoàn thành với chi phí làm phim lên đến 500 triệu baht, sẽ công chiếu vào cuối năm; hai là bộ phim hoạt hình 3-D đầu tiên của Thái Lan Khan Kluay được xuất xưởng vào mùa hè.
Cả hai đều mang đậm nét truyền thuyết lịch sử, văn hóa vương quốc Siam (Thái Lan ngày nay). Người Thái xác định rất rõ phim ảnh không chỉ có giá trị thương mại và để giải trí đơn thuần, mà còn có sứ mệnh gìn giữ và phổ biến với hậu thế nguồn cội tổ tiên và văn hóa dân tộc.
Toàn cảnh ngày khai mạc BKKIFF 2006