Về đêm, quả cầu được thắp sáng, tượng trưng cho ánh mặt trời. Bên dưới cánh hoa là mảng phù điêu tái hiện 350 năm lịch sử hình thành Khánh Hòa. Những cách điệu các ngọn núi bao quanh vùng biển, lối vào tạo ra con sóng, mặt đế hình một con sao biển... tạo ra một kiến trúc điêu khắc mềm mại”. Đó là lời kiến trúc sư (KTS) N.N.D - tác giả Hoa Biển được dẫn lại trong một bài báo giới thiệu công trình này trước khi nó được khởi công xây dựng, tháng 1/2005.
Nghe khá hấp dẫn, nhưng thấy “gợn” vì công trình mang tính biểu tượng mà ôm đồm quá nhiều ý tưởng, không thanh thoát.
Tại cuộc họp báo do UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức tháng 1/2005, phóng viên Tiền Phong nêu câu hỏi, khi lựa chọn xây dựng Hoa Biển, lãnh đạo tỉnh có tham khảo ý kiến các chuyên gia kiến trúc, văn hóa?
Câu trả lời là “có, họ rất tán thành đồ án”. Nhưng sự thật không hẳn như vậy. Trong cuộc thi sáng tác biểu trưng của tỉnh Khánh Hòa năm 2003, 2 đồ án của KTS Ngô Toàn và KTS Đặng Cước được trao giải B (không có giải A).
Tuy nhiên, được chọn đầu tư lại là Hoa Biển, một đồ án không được giải thưởng. Ngày 19/11/2004, UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án đầu tư Hoa Biển với số vốn 10.999.520.000 đồng từ ngân sách tỉnh.
Theo Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng do Chính phủ ban hành, Hoa Biển là công trình phải đấu thầu, không được phép vừa thi công vừa thiết kế. Thế nhưng, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án các công trình xây dựng dân dụng Khánh Hòa được UBND tỉnh cho phép chỉ định thầu, vừa thiết kế vừa thi công!
* KTS Bùi Dũng - Hội KTS Khánh Hòa: Chỉ có thể thấy được Hoa Biển 5 cánh từ góc nhìn nhất định trên máy bay. Còn bình thường, nhìn Hoa Biển giống cụm ống khói nhà máy.
Ngoài ra, với hình khối và vóc dáng của công trình này lại đứng cạnh khách sạn Lodge, sẽ bị khách sạn che phủ.
* KTS Nguyễn Văn Lộc - Chủ tịch Hội KTS Khánh Hòa: Tôi cảm nhận Hoa Biển là công trình kiến trúc đặt không đúng chỗ, chắn hết tầm nhìn ra vịnh từ trục đường chính Lê Thánh Tôn, làm đứt đoạn đường cong tuyệt đẹp của bờ biển Nha Trang.
Ước mơ có phép lạ nào đó để công trình thấp xuống và bừng lên một hình tượng nghệ thuật đi vào lòng người.
* Ông Nguyễn Văn ánh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa : Tôi nghe nhiều cán bộ và người dân cho là Hoa Biển không đẹp. Đã vậy lại thêm 2 cái vòi nên nhiều người càng chê và xuyên tạc đó là 2 cái vòi hút ngân sách.
Tỉnh nên mời các chuyên gia có trình độ cao giúp xem xét, góp ý sửa chữa cho công trình đẹp hơn. Nếu không thể sửa được thì đành phá bỏ.
Lý do biện hộ cho việc sai nguyên tắc này là “để kịp hoàn thành công trình trước dịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng Khánh Hòa, 2/4/2005”.
Tuy nhiên, người có chút hiểu biết về xây dựng đều hiểu, chỉ có thần đèn của Aladin mới có thể xây dựng xong công trình 9 tầng, cao 36m với những đòi hỏi cao về chất lượng, mỹ thuật trong vòng 4 tháng!
Hệ quả tất yếu của việc vừa thiết kế vừa thi công vừa giao thầu là, cuối tháng 10/2005 chủ đầu tư đề nghị UBND tỉnh điều chỉnh tổng dự toán công trình.
Lý do: giá vật tư tăng, đặc biệt phải bổ sung một số khối lượng xây lắp trước tính thiếu, trị giá khoảng 7.340.121.000 đồng.
Để Hoa Biển có thể “nở”, ngân sách phải rót ít nhất 18,3 tỷ đồng! Dù “bạo” cỡ nào, người có thẩm quyền cũng chùn tay trước con số tăng tới 2/3 so với dự toán ban đầu. Đề nghị chưa được chấp thuận, việc thi công công trình tạm ngưng đã 4 tháng nay.
Ngày 17/1/2006, thực hiện “Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa về dự án công trình nghệ thuật Hoa Biển”, UBND tỉnh yêu cầu Sở KH&ĐT lập phương án tiếp tục thực hiện dự án theo hướng xã hội hóa, mời các doanh nghiệp tự nguyện tiếp nhận dự án để đầu tư xây dựng và quản lý khai thác.
Nhưng phương án “chữa cháy” này cũng khó thực hiện được. Lẽ nào có thể kinh doanh ì xèo trong “biểu tượng” của tỉnh, ngay cạnh quảng trường, nơi thường xuyên có “quan trên trông xuống, người ta trông vào”?
Trên cả nỗi xót xa về sự lãng phí tiền của, vấn đề Hoa Biển đã đụng tới sự tự trọng của người dân Nha Trang, Khánh Hòa.
Bởi vậy, nhiều cử tri đã đề nghị, việc tiếp tục thực hiện hay hủy bỏ dự án này phải được đưa vào chương trình nghị sự của kỳ họp HĐND tỉnh trong tháng 3 tới.
Ảnh : Tầm nhìn ra biển từ đường Lê Thánh Tôn bị Hoa Biển chắn mất