Bắt đầu từ tháng 5-2005 đến cuối tháng 2-2006, công trình nghiên cứu khoa học trọng điểm của Đại học Quốc gia TP.HCM có tên “Khảo sát, đánh giá, bảo tồn văn học quốc ngữ Nam bộ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20” đã tập hợp được 65 tác giả có tác phẩm. Tuy nhiên, có hơn 40 tác giả trong số đó hiện không tìm được tư liệu về tiểu sử. “Đây là những người hiện chỉ biết tên, bút danh, một số tác phẩm đã tập hợp được, còn lại những thông tin về tiểu sử thì hầu như “trắng”, tức là không biết cả năm sinh, năm mất” - tiến sĩ Đoàn Lê Giang, chủ nhiệm đề tài, thông báo.
Văn học quốc ngữ của VN xuất hiện sớm nhất ở Nam kỳ, với các tác phẩm của Trương Vĩnh Ký (Chuyến đi Bắc kỳ năm Ất Hợi - xuất bản 1876) và Nguyễn Trọng Quản (Truyện thầy Lazaro Phiền - xuất bản 1887) được nhiều nhà nghiên cứu ghi nhận là những áng văn xuôi quốc ngữ đầu tiên.
“Dù vậy, cho đến thập kỷ 1980, nhiều người nghiên cứu khi nhắc đến văn xuôi quốc ngữ đầu thế kỷ 20 vẫn cứ nghĩ chỉ có một vài tác giả như Trương Vĩnh Ký, Hồ Biểu Chánh, và từ điển văn học của Viện Văn học còn nhầm lẫn giữa tác giả Nguyễn Văn Vĩnh và tác giả Nguyễn Văn Vinh (một người ở Bắc, một người ở Nam - PV), chứng tỏ tiểu sử của những tác giả Nam bộ trước nay chưa được chú ý” - nhà nghiên cứu Cao Tự Thanh, một trong các tác giả thực hiện công trình, cho biết.
Nhưng chiến tranh kéo dài và sự xáo trộn trong cư dân đã xóa mất phần lớn tư liệu tiểu sử tác giả, thậm chí, chỉ trong khoảng 50 năm trở lại đây, những hậu duệ một số nhà văn cũng không tìm thấy.
Nhiều tác giả quan trọng hiện vẫn “trống trơn” về tiểu sử. Biến Ngũ Nhi được coi là nhà văn viết tiểu thuyết trinh thám đầu tiên của Nam bộ, tác phẩm lừng danh một thời như Ba lâu ròng nghề đạo tặc (Kim thời dị sử), Mật thám truyện..., nhưng ngoài năm sinh năm mất, hiện vẫn thiếu tư liệu về đời sống sinh hoạt sáng tác, mộ phần, hậu duệ...
Bên cạnh xóa "vùng trắng", ông Thanh còn đặt vấn đề chuẩn hóa lại một số tiểu sử lâu nay bị sai lạc: “Như lâu nay mọi người cho rằng lãnh binh Trương Chánh Thi là cha của Trương Vĩnh Ký, nhưng nay tôi xét trong Đại Nam thực lục có thể xác quyết rằng không có vị lãnh binh nào là Trương Chánh Thi cả, như vậy không thể cho rằng cha của Trương Vĩnh Ký là một lãnh binh”.
Tiểu sử các nhà văn trong giai đoạn này lại có giá trị là liên quan đến lịch sử xã hội của vùng đất Nam bộ. Như nhà văn Trương Quang Tiền - từng làm chủ bút An Hà báo ở Cần Thơ từ 1917 - 1934, tác giả của tám tiểu thuyết xuất bản từ 1920 - 1927, nhưng tiểu sử tìm được chỉ có một dòng: “Du học ở Hong Kong vào đầu thập niên 1920”... Nếu lập được tiểu sử của nhà văn này, có thể mở ra một hướng mới cho việc nghiên cứu lịch sử hình thành các tờ báo tại Cần Thơ từ đầu thế kỷ 20, mà hẳn là bấy lâu nay những người làm công tác nghiên cứu lịch sử báo chí nơi này đều chịu thua vì thiếu tư liệu.
Nếu không tìm được tư liệu và “vùng trắng” về tiểu sử vẫn tồn tại như vậy, e rằng công trình nghiên cứu khoa học có tính trọng điểm này khó hoàn thành đúng tiến độ (tháng 5-2007)
Bạn đọc trong và ngoài nước có tư liệu liên quan đến các tác giả sau đây: Michel Tinh, Trương Quang Tiền, Phạm Minh Kiên, Nguyễn Thành Long, Lê Mai, Dương Minh Đạt, Nam Đình Nguyễn Thế Phương, Nguyễn Ý Bửu, Phụng Các Dương Quang Nhiều, Trần Quang Nghiệp, Việt Đông, Ellen Anh Hoa, Hoàng Minh Tự, Nguyễn Bửu Mộc, Cẩm Tâm, Đào Thanh Phước, Gabriel Võ Lộ, Huỳnh Quang Huê, Ngọc Sơn, Nguyễn Bá Thời, Đặng Thúc Liêng, Trần Phong Sắc, Nguyễn Thành Phương (các tác giả này sống và sáng tác trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ 19 đến 1945) xin cung cấp cho: Đoàn Lê Giang - khoa ngữ văn và báo chí - Đại học KHXH&NV TP.HCM - 12 Đinh Tiên Hoàng, Q1. Hoặc email: doanlegiang@yahoo.com