Từ những kiệt tác của các danh nhân văn hóa thế giới...
Giáo sư, dịch giả Nguyễn Ngọc Bích cho biết Complaints of An Odalisque ngoài dịch nguyên tác thơ Nguyễn Gia Thiều còn có phần chú giải, nghiên cứu về tính nhạc, thiền trong Phật giáo thể hiện qua tác phẩm. Giáo sư đã bỏ rất nhiều công sức để độc giả Mỹ thưởng thức một tuyệt tác thơ. Cũng vậy với tác phẩm của Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh..., tác phẩm của những danh nhân văn hóa thế giới mà UNESCO đã công nhận đang lần lượt được dịch, giới thiệu qua nhiều thứ tiếng. Đáng kể nhất là bản dịch Kiều tiếng Pháp của nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện, bản dịch thơ Hồ Chí Minh tiếng Hàn của Kim Sang Il và công trình dịch thơ Nguyễn Trãi sang tiếng Anh của hai tác giả Paul Hoover và Nguyễn Đỗ.
Bản Kiều được nhiều bạn đọc Pháp thích thú. Một độc giả Việt kiều ở Pháp là dịch giả Trần Thiện Đạo đánh giá: "Đây là bản dịch tài hoa giúp nhiều người Pháp hiểu được phần nào một tác phẩm thơ lớn nhất của Việt Nam, một kiệt tác của Nguyễn Du". Thành công của bản dịch này, theo ông Đạo, là khả năng "chuyển ngữ tiếng Pháp khá đạt, những âm vang sức gợi của thơ đều phần nào khắc họa được...". Với thơ Nguyễn Trãi và Ngục trung nhật ký thì đã có sự tham gia của hai dịch giả nước ngoài. Ông Kim Sang Il, giáo sư thỉnh giảng Đại học Kwang Un, cho biết: "Ngục trung nhật ký là tác phẩm dịch tâm đắc nhất của tôi. Vì cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự nghiệp văn học của Người là tấm gương sáng cho các bạn trẻ". Ông còn cho biết, Nhà xuất bản Saramsaenggak đang chuẩn bị tái bản tập thơ vào sinh nhật của Người 19/5 năm nay. Với thơ Nguyễn Trãi, dịch giả Paul Hoover, giáo sư khoa Sáng tác văn học Trường đại học California (Mỹ), bày tỏ: "Tập thơ tuyển chọn 150 bài, viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Đặc biệt là Cáo Bình Ngô, một tuyệt tác thơ phương Đông, tiêu biểu nhất cho tài năng của Nguyễn Trãi...". Vị giáo sư Mỹ này đã cảm nhận về thơ của Ức Trai: "Trí tuệ là trí tuệ, bất kể thời gian nào. Nguyễn Trãi viết về bản chất của đời sống bằng một ngôn ngữ của sự trải nghiệm cực kỳ sâu sắc và phổ quát như ý nghĩa của ánh sáng và bóng tối. Tin tưởng là các bạn sinh viên Mỹ sẽ thích"...
...Đến kho tàng ca dao, tục ngữ và bà chúa thơ Nôm
Hai dịch giả Đinh Linh (Mỹ) và giáo sư tiến sĩ Bae Yang Soo (Đại học Pusan Hàn Quốc) cùng lúc tiến hành dịch thơ Hồ Xuân Hương từ hai hướng tiếp cận riêng ra tiếng Anh và tiếng Hàn. "Tôi thấy thơ Hồ Xuân Hương rất độc đáo. Dịch thơ bà, tôi muốn cho độc giả khối ASEAN thấy rằng ngoài những dị biệt đã có tương đồng về văn hóa và văn bản của văn học cổ châu Á. Bởi lẽ văn học Hàn Quốc cũng có một nàng Xuân Hương rất độc đáo". Đinh Linh thì cho rằng thơ Hồ Xuân Hương lôi cuốn anh ở vấn đề nữ quyền khi xã hội Việt Nam còn trong thời kỳ phong kiến cũng như sức nặng về nghệ thuật ngôn từ trong phong cách bà chúa thơ Nôm. Dịch giả rất tâm đắc với nhiều hình tượng trong thơ nữ sĩ họ Hồ mà anh cho rằng các nhà thơ hiện đại khó có thể viết nổi. Hiện nay, cả hai tập thơ dịch Hồ Xuân Hương đều đã được xuất bản ở Mỹ và Hàn Quốc.
Đinh Linh còn có tập thơ dịch ca dao Con mèo mà trèo cây cau đã xuất bản cộng với hơn 30 bản dịch tục ngữ, thành ngữ, điển tích văn hóa VN trên các tạp chí nổi tiếng của Mỹ như American Poetry Review, Kenyon Review, Manoa, Fascicle, Việt Nam Review... Gần đây, anh tiếp tục chuyển ngữ qua tiếng Ý. "Quan trọng nhất là khâu chọn lọc, tra cứu nhiều nguồn, tinh tuyển trước khi giới thiệu. Công việc không dễ. Khó như đãi ngọc cổ giữa thời kim"...
Giới thiệu tập thơ Cung oán ngâm khúc (Complaints of An Odalisque) bản tiếng Anh tại Mỹ (ảnh: VietnamNet)