Ba vấn đề “nóng”
Tại hội nghị, bên cạnh việc đánh giá những thành tựu mà báo cáo hoạt động xuất bản (XB) 2005 đã nêu, các ý kiến thảo luận đã tập trung vào nộp lưu chiểu, về việc XB lịch và sẽ thực hiện Luật Chống độc quyền ra sao?
Ông Trần Đình Việt (NXB Tổng hợp TPHCM) cho rằng số lượng sách XB năm 2005 không hơn gì 2004. Việc quản lý nội dung sách được XB không đến nơi đến chốn, nên có rất nhiều lỗi trầm trọng. Ngay cả văn kiện Đại hội Đảng cũng có những câu chữ dài và khó hiểu.
Ông Ngô Trần Ái (NXB Giáo dục) tán thành việc chống độc quyền, nhưng đề nghị Nhà nước có biện pháp chống ăn cắp bản quyền và không thả nổi giá cả sách giáo khoa. Ví dụ giá SGK ghi bìa 4.000 đồng, bị sửa 40.000 đồng… không thể kiểm soát được trên thị trường trôi nổi. Có rất nhiều nạn đạo văn, đạo sách nhưng hình thức xử phạt hành chính quá nhẹ. Vì vậy vẫn còn các vi phạm trắng trợn.
Sách độc quyền và lịch bloc được thảo luận sôi nổi với nhiều ý kiến đa chiều. Đương nhiên, mỗi người đã góp một cách nhìn thẳng vào sự thật rằng: Ngành xuất bản chưa tới được cơ chế thị trường trong công cuộc đổi mới. Cụ thể là vụ XB lịch bloc năm qua thất thu 4,2 tỉ đồng. Vì phương thức XB, cách kinh doanh vẫn theo lối mòn thời kinh tế bao cấp.
Ông Nguyễn Đình Thiêm (NXB Lao động - Xã hội) đánh giá ngành XB của ta còn yếu kém nhiều. Do trình độ có hạn, xã hội vẫn còn nhiều người chưa hiểu rõ các bộ luật. Trong khi Quốc hội liên tục ra luật, XB thiếu hẳn mảng sách pháp luật phục vụ cộng đồng. Theo thống kê, trong 52 NXB thì sách giáo dục 80%, sách Kim Đồng 15%, số sách thực sự phục vụ đời sống nhân dân chỉ có 6%.
Ông Thiêm nêu rõ hạn chế của việc XB lịch gây ra thất thu của ngành XB là do chính các NXB chưa xác định đúng chủng loại đặc thù này? Chưa hiểu hết cơ chế thị trường trong XB cũng không khác gì cơ chế thị trường tự do khác. Vì vậy kiến nghị Nhà nước thành lập Tập đoàn XB để cạnh tranh lành mạnh.
Tăng quyền cho các nhà xuất bản
Bộ trưởng Bộ VHTT Phạm Quang Nghị đã tỏ ra khá kiên quyết với tình trạng XB độc quyền. Theo ông, các NXB và nhiều cơ quan quản lý còn lúng túng khi thực hiện Luật mới, chưa theo kịp cơ chế thị trường.
Về sách đặc thù, Bộ trưởng cũng chỉ rõ những hạn chế trong quản lý và XB dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả. Về XB lịch bloc, các NXB phải hiểu kinh doanh lịch chỉ là thời vụ – đầu vụ và cuối vụ bán giá khác nhau. “Hoặc xem xét thị trường thế nào để in cho phù hợp nhu cầu của dân, không nhất thiết kế hoạch bao nhiêu in đủ bấy nhiêu. Văn bản Nhà nước quy định rõ rồi, ai không làm được thì rút lui. Bộ không ăn chia và không cấm kinh doanh XB phẩm”.
Về thực hiện Luật Chống độc quyền Bộ trưởng Phạm Quang Nghị nêu rõ quan điểm bình đẳng trong XB với luật mới. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Nhà nước chỉ ra chính sách, các cơ sở phải hoạt động cạnh tranh lành mạnh trong cơ chế thị trường. Bộ VHTT không kiềm chế NXB nào cả, hãy tự biết năng lực XB và biết tiến hay lùi để tránh thiệt hại kinh tế”. Đồng thời Bộ trưởng cũng đề nghị các NXB chấp hành nghiêm Luật XB và thực hiện đúng việc nộp lưu chiểu là giữ đúng định hướng chính trị. Làm tốt là góp phần nâng cao trình đôï dân trí và phát triển kinh tế văn hóa.
Ảnh : Công tác xuất bản vẫn còn nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.(SGGP) Minh họa.