Tổng hợp bao giờ cũng rộng đường “dụng võ” hơn chuyên ngành. “Thực đơn” NXB Trẻ thì vô cùng phong phú - từ triết học, xã hội học, văn học, đến truyện dịch, tiểu thuyết, thơ, khảo cứu lịch sử, từ VN đến khắp năm châu bốn biển, từ cổ hỉ cổ lai đến vũ trụ hiện nay.
Còn mặt khó khăn:
Thứ nhất, là NXB chính trị, lấy yêu cầu phục vụ chính trị, giáo dục chính trị phản ánh hai chiều quan điểm chính trị của lãnh đạo và ý kiến cùng nguyện vọng của người đọc làm chuẩn, phải đảm bảo trách nhiệm theo nghị quyết công tác tư tưởng và văn hóa của Đảng nói chung và Đảng bộ TP.HCM nói riêng, làm trật chuyện sống còn này thì bản thân sự tồn tại NXB Trẻ, nếu còn, cũng chỉ là NXB chuyên đề và chuyên đề hẹp trong một đối tượng nhất định.
Thứ hai, là một NXB địa phương, có mặt mạnh bám sát được thực tiễn tại nơi tại chỗ, nhưng cũng có một ràng buộc là không thể đáp ứng những vấn đề hoặc do lãnh đạo địa phương đề ra, hoặc phát sinh từ thực tế tình hình, đặc biệt tình hình ở một thành phố thuộc loại lớn nhất nước.
Thứ ba, NXB là cơ quan của một tổ chức chính trị lớn - Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. NXB mà quên một phút thôi mình là cơ quan của Đoàn TNCS thì cái trật một li ấy sẽ đi lạc không biết bao nhiêu dặm. Nhưng, là NXB, tức một cơ quan thuyết phục, một cơ quan đấu tranh bằng lý lẽ, chứ không phải cơ quan in các tập nghị quyết của Đoàn.
Thứ tư, trong thế giới mà tri thức lần lần chủ đạo qui trình phát triển tất cả các mặt của xã hội, kể cả chính trị, NXB phải giữ cho được mối cân đối giữa nội dung chính trị cùng nội dung nâng cao kiến thức khoa học đủ loại.
Thứ năm, một NXB tuy cơ bản là NXB chính trị xét về mặt chung nhất, căn cơ nhất, nhưng văn học lại là phương tiện chuyên chở chính trị có chiều sâu so với tất cả các thể loại khác. Hiện tượng Nhật ký Đặng Thùy Trâm, hay gần đây hiện tượng - có thể còn chờ thời gian xác định giá trị và độ bền - những bài viết của Nguyễn Ngọc Tư đã cho thấy tính luận văn chính trị đạt tầm cao đến như thế nào, tác động tâm lý xã hội lớn đến chừng nào.Tôi không đề cao quá lố những phát hiện mới trong văn học do NXB Trẻ giới thiệu, bởi gạo nào cũng sót gạo xấu, gạo tốt, cả hạt sạn, có những hạt sạn nhai ê cả răng!
Thứ sáu, tuy không phải thuộc chức năng chủ yếu, NXB Trẻ vẫn phải đảm đương tư cách của một NXB lịch sử Nam bộ, là miền đất mà NXB Trẻ đã lớn lên và đang phục vụ, cha đẻ tinh thần của NXB. Thiếu chất Nam bộ, thiếu chất địa phương thì NXB Trẻ không thể đề là của TP.HCM, thậm chí nếu tỉ lệ địa phương khác lớn hơn tỉ lệ bản địa, nếu sách dịch đánh bạt sáng tác tại chỗ thì NXB Trẻ, từ thành tích, có thể bị xem như lầm lỗi.
Bởi vậy, tôi trân trọng những tập sách địa chí Nam bộ, những tập sách lịch sử tuy viết về cả nước VN, những truyện tranh về lịch sử dân tộc, nhưng xuất phát từ suy nghĩ của người phương Nam, những tập hợp công trình của nhà văn Sơn Nam, những biên khảo của Bằng Giang, của Vũ Hạnh, những bài thơ của Bùi Chí Vinh, những khảo luận của Vũ Đức Sao Biển, của Trần Bồng Sơn, những tập hợp bài viết của An Chi, của Lê Minh Quốc, của Nguyễn Nhật Ánh... đã giới thiệu NXB Trẻ với nét riêng rất độc đáo và tuy đây là điểm thứ sáu nhưng tôi cho là điểm hết sức trọng yếu.
Thứ bảy, đã là NXB Trẻ thì nội dung, văn phong, cách trình bày, hình ảnh phải trẻ - trẻ không lố lăng, không sao chép theo thiên hạ, song dứt khoát không lụ khụ, không khô khan, không đơn thuần lý sự, tư biện trừu tượng, bởi một lẽ rất giản đơn: nếu thế sẽ tạo phản cảm trong người đọc trẻ.
Thứ tám, rất khách quan, văn học đọc đang “đụng độ” một loạt đối thủ “khó chơi” - nghe, nhìn, mà truyền hình, băng đĩa giữ ưu thế lớn. Dù văn học đọc chủ soái chiều sâu trong đời sống văn học con người, nó vẫn phải bươn chải, xoay trở, tự “tân trang” để không lùi bước. Đọc sách là nhu cầu như cơm ăn, hơi thở, đọc để còn nhớ, còn ghi, không thể như “cơn gió thoảng”, tất nhiên sách hay mới làm được điều đó, bằng không giấy in sách sẽ “đảm đang” chuyện khác - chẳng vô ích, song chẳng còn là sách!
Hình ảnh : Bạn đọc đến xem và mua sách của NXB Trẻ tại hội sách 2006 - Ảnh: T.T.D