Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
547
123.259.594

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Nhân 100 năm sinh thi sĩ Đông Hồ (1906 - 2006) : Một nhà thơ lớn của miền Tây
Cách đây 37 năm, tôi được một người bạn tặng tập thơ Bội lan hành của nhà thơ Đông Hồ. Lúc đó tôi đã làm thơ đăng báo được mấy năm, theo phong trào thơ mới, nhưng tập Bội lan hành đã làm tôi suy nghĩ nhiều về thơ cũ và sự cách tân thơ. Thời điểm ấy ở miền Nam phong trào thơ tự do, siêu thực rộ lên do Thanh Tâm Tuyền khởi xướng và không ít người làm thơ trẻ nôn nả đi theo.

Bội lan hành đã gợi cho tôi một hồn thơ. Những câu thơ sâu lắng, hàm xúc, làm cho người đọc rung động nhẹ nhàng nhưng khó phai. Từ đó hồn thơ hòa nhập với hồn người và đọng lại, làm cho người ta dễ cảm dễ thuộc dù không ai bắt buộc phải học.

 

Nhà thơ Đông Hồ vẫn giữ truyền thống đó trong suốt cuộc đời làm thơ của ông, kể cả khi làm thơ Đường luật, thất ngôn cũng như những bài theo loại thơ mới trong tập Cô gái xuân in năm 1935, hay những bài thơ tản văn trong cuốn Thơ Đông Hồ in sau này. Nhà thơ Đông Hồ làm thơ mới rất sớm, từ những năm đầu thập kỷ 30 của thế kỷ 20. Nhưng có lẽ nhà thơ không đặt nặng thơ cũ hay thơ mới, mà quan trọng đối với ông là xúc cảnh thành thi. Trong bài nói chuyện về thơ của ông tại Trường Đại học Văn khoa Sài Gòn ngày 19-1-1967, ông từng đã đề cập vấn đề này. Ông nói: “Chúng ta đã nghe rồi, ai đó đã nói: thất bộ thành thi. Chúng ta đã nghe rồi, ai đó đã nói: xuất khẩu thành thi. Nhưng mà xúc cảnh thành thi là nói lại cả hai thành ngữ “xúc cảnh sinh tình” và “xúc cảnh ngâm đề”. Sinh tình và ngâm đề là thi thành rồi đó”.

 

Có cảnh có tình là có thơ, thơ làm người đọc rung động là thơ hay. Thơ làm người ta rung động phải dễ cảm dễ hiểu. Dù thể loại thơ nào, thơ của thời nào cũng không thể thoát ra khỏi những yếu tố đó. Cho nên, theo tôi chỉ có thơ hay hay không chớ không phải là thơ cũ, thơ mới. Rất may là trong thời đó cũng như bây giờ, đa số nhà thơ đều theo khuynh hướng này.

 

Sinh ra và lớn lên trên miền đất Tây Nam tổ quốc là Hà Tiên một vùng đất xa xôi, cách trở nhưng có nhiều thắng cảnh, núi rừng biển cả đẹp như thơ. Dường như miền đất ấy đã hun đúc tâm hồn ông, truyền lại hào khí của những người đi mở đất đã gieo vào lòng ông những nỗi niềm ngưỡng vọng và vươn lên trong cuộc sống. Tiền nhân nơi đây đã là những tao nhân mặc khách, thì bấy giờ Hà Tiên xuất hiện một nhà thơ tiên phong của thời cận đại như Đông Hồ là lẽ bình thường. Điều đáng nói là ông đã sống và viết với một tài hoa, một nhân cách của một nhà nho, một nghệ sĩ tiến bộ, một trí thức mới. Trong buổi giao thời giữa thơ cũ và thơ mới, ông đã dung hoà và tạo cho mình một thế đứng. Và ông đã trở thành một nhà thơ lớn.

 

Không riêng người Hà Tiên, Kiên Giang mà người Nam bộ đều tự hào về nhà thơ Đông Hồ, người đã góp phần khai mở vùng đất văn học Đồng bằng sông Cửu Long và đến nay vẫn là một cây cổ thụ sừng sững của nền văn học miền Tây và cả nước.

 

Thi sĩ, nhà giáo Đông Hồ (1906 – 1969). Ảnh

Trịnh Bửu Hòai Chủ tịch HLHVH&NT An Giang - www.baocantho.com.vn
Tin tức khác