Dù đi bất cứ nơi đâu, GS-TS Võ -Tòng Xuân cũng liên tưởng, so sánh, suy ngẫm và tính toán cho người nông dân Việt Nam. Từ những chuyện nhỏ như chênh lệch giá trái cây ở Việt Nam với Thái Lan: “Hầu hết các loại nông sản Thái Lan đều rẻ hơn Việt Nam, từ gạo ngon cho đến các loại trái cây. Thậm chí trái thanh long, vốn xuất phát từ Bình Thuận, nhưng khi trồng ở Thái Lan giá cũng rẻ hơn Việt Nam” (trang 34)... đến những chuyện đầu tư quy mô cho nông nghiệp tại Úc: “Ông Albrecht trồng sáu giống xoài do ngành rau quả của Bộ Nông nghiệp tiểu bang phổ biến, tưới nước bằng hệ thống tưới phun từng gốc và theo một quy trình chăm sóc hiện đại nhất. Ông tự đầu tư một nhà máy hiện đại để chọn lọc, đóng hộp và bảo quản xoài cho trang trại...” (trang 19). Đi thăm Đan Mạch, GS-TS Võ -Tòng Xuân suy nghĩ về chuyện học của nông dân: “Theo thống kê năm 1995, ở Đan Mạch mỗi năm có khoảng 1.600 thanh niên nam nữ ghi tên vào học các bậc học khác nhau tại trường nông nghiệp, vì ở đây, con một nông dân muốn đăng ký kế nghiệp cha ông trên đất của gia đình mình thì bắt buộc phải có bằng cấp nông nghiệp” (trang 29).
Thấy các nước đầu tư lớn cho nghiên cứu giống, kỹ thuật canh tác, bảo quản sau thu hoạch, giúp người nông dân nước bạn tự tin xuất khẩu nông sản đi khắp thế giới, GS-TS Võ -Tòng Xuân không chỉ thán phục, mà còn đem về những bài học phát triển nông nghiệp có tầm vĩ mô, qua lời của T.S Naranjan ở Úc: “Thực ra đây cũng như chuyện con gà và cái trứng, cái nào có trước thì tùy suy nghĩ. Mọi chương trình nghiên cứu và phát triển phục vụ cho nông dân đều cần có tiền đầu tư. Nhờ nhân dân, nhất là nông dân đóng thuế đầy đủ nên nhà nước mới có thể đầu tư đến nơi đến chốn cho nghiên cứu (...) Trong giai đoạn đầu, nông dân chưa giàu dĩ nhiên ngân sách nhà nước rất khó khăn nhưng nhà nước vẫn mạnh dạn đầu tư đúng hướng và đầy đủ cho nông nghiệp, để tạo điều kiện cho nông dân khá hơn, từ đó họ đóng góp ngày càng nhiều như ngày nay” (trang 20).
Qua những bài viết tập hợp lại trong “Để nông dân giàu lên” ta thấy tấm lòng của một người trí thức ước mơ hướng đến mục tiêu không chỉ của người nông dân mà còn của tất cả người Việt Nam: nông dân không còn là người phải gánh chịu những rủi ro thị trường, sẽ có kỹ thuật, công nghệ và đủ tự tin để tự mình tạo ra thương hiệu nông sản riêng. Thế nhưng, trăn trở của ông là người nông dân Việt Nam hiện tại còn cách mơ ước đó quá xa: “Với gần 80% dân số sống dựa vào nông nghiệp, khi hội nhập với thế giới, Việt Nam không thể không tính đến nông dân. Thế nhưng, nông dân nước ta luôn bị thua thiệt so với nông dân các nước” (trang 135). Cho nên, GS-TS Võ - Tòng Xuân phân tích và đề xuất những giải pháp cho tương lai của nông nghiệp Việt Nam qua các bài viết: “Đổi mới hệ thống xuất khẩu gạo Việt Nam”, “Khơi thông thị trường cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam”, “Nhà nước + Nông dân + doanh nghiệp”, “Từ làm ăn sang làm giàu”... Có những bài viết ông đã thực hiện từ tận những năm 1990, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc chiến chống nghèo khó ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long như: “Phải học thôi”, “Những chướng ngại trên đường phát triển”, “Cần sự phát triển toàn vùng”...
Là một nhà khoa học đi nhiều và hiểu nhiều, bằng văn phong giản dị, khúc chiết trong các bài viết, dù rất tản mạn theo thời gian và nơi đến nhưng lại rất nhất quán, GS.TS Võ -Tòng Xuân đã đưa ra cái nhìn khá toàn diện về nông nghiệp, nông dân, nông thôn của Việt Nam trong tương quan với sự phát triển chung của đất nước và thế giới. Đây là tài liệu quý và có giá trị lâu dài.
http://www.baocantho.com.vn/vietnam/vanhoa/36977/
SCL sẽ giới thiệu một số bài trong tập sách này,sẽ thiếu thốn biết bao khi không nhắc đến anh : Đó là lời một người bạn nói với người biên tập SCL dù anh biết nơi đây chỉ đăng tải văn nghệ.Trong một chừng mực tôi xin gọi anh là nhà văn.NH