Rộn ràng niềm vui
Buổi sáng mùa thu, dòng Hậu Giang nước đỏ phù sa. Hai bên bờ sông Hậu, đoạn chảy qua TP Cần Thơ, không khí hết sức nhộn nhịp. Tại khu vực lễ khởi công cầu Cần Thơ, hầu như mọi sự chuẩn bị cho ngày vui lớn đã sẵn sàng. Các đơn vị thi công đã mở một con lộ cát chạy thẳng từ đường Quang Trung vào nơi làm lễ. Quanh nơi này giờ chỉ còn là đất trống chờ ngày những trụ cầu mọc lên. Cách đó không xa, khu tái định cư cho những hộ bị giải tỏa trong phạm vi dự án đã mọc lên tươm tất. Bà con sống quanh nơi này không giấu được vẻ vui mừng: " Tụi tui chờ đợi ngày này lâu lắm rồi. Trước đây, nghe nói thi công vào năm 2001… nhưng chờ hoài không thấy. Bây giờ chắc là Nhà nước mần thiệt rồi. Chỉ mong sao tới ngày cầu hợp long, lúc đó chắc còn rộn ràng dữ". Hội đồng đền bù giải tỏa cầu Cần Thơ cho biết đã hoàn thành việc lập hồ sơ đền bù trình bộ Giao thông vận tải chấp thuận với 827 hộ và một trạm xăng dầu Hưng Phú với tổng kinh phí đền bù gần 51 tỉ đồng. Trong đó có 729 hộ thuộc đường dẫn và khu công trường, 24 hộ ở hai khu tái định cư và 74 hộ ở các khu chuyên gia. Công tác tái định cư cũng được tỉnh tiến hành song song và đã bố trí cho trên 307 hộ nằm trong khu vực dự án đi qua. Có thể nói, tất cả đã sẵn sàng.
Không riêng gì người dân, háo hức hơn cả là các doanh nghiệp và cả chính quyền địa phương. Để "đón gió" cầu Cần Thơ, TP Cần Thơ và Vĩnh Long đang "rục rịch" chuyển động nhiều dự án nhằm thu hút đầu tư. Có thể thấy, khu đô thị mới Nam sông Cần Thơ với diện tích 2.000ha đã gần như bị lấp đầy bởi 26 dự án lớn. Quả thậr, Cầu Cần Thơ hoàn thành sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương, nhiều nhà đầu tư sẽ đến hợp tác, làm ăn. Hiện nay, TP Cần Thơ có 5- 6 đồ án đang triển khai xây dựng và sắp tới nhịp độ xây dựng sẽ mạnh mẽ hơn vì cầu Cần Thơ đi xuyên qua giữa khu đô thị mới".
Ngoài các khu đô thị mới, các dự án địa ốc -dân cư đang triển khai rầm rộ, cảng biển Cái Cui (cách cầu Cần Thơ không xa) cũng nằm trong sự chuẩn bị để hợp thành với cầu, tạo bước phát triển mới. Hiện nay, cảng này đã hoàn thành 80% khối lượng xây lắp và có thể dùng làm nơi tập kết vật liệu cho xây cầu Cần Thơ. Khi cầu Cần Thơ hoàn thành thì cũng là lúc cảng Cái Cui sẽ phát huy hiệu quả. Không chỉ thế, địa phương còn muốn "kéo" các nhà đầu tư lại với mình khi ban hành hàng loạt chính sách đãi ngộ nhân tài, khuyến khích bằng nhiều biện pháp như cải cách thủ tục hành chính, giảm giá thuê đất, mức thuế ưu đãi…. Ông Võ Thanh Tòng, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ ví von: "Những chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư đã, đang và sẽ thực hiện là bước nhằm kéo phanh những "chiếc xe đầu tư" đổ lại nơi chân cầu, chứ không thả dốc chạy dài sang những nơi khác".
Bên kia sông Hậu, chính quyền huyện Bình Minh (Vĩnh Long) cho biết hiện nay có nhiều nhà đầu tư đang xin giấy phép vào xây dựng, tìm cơ hội làm ăn mai này khi cầu hoàn thành. Đến thời diểm này cảng Bình Minh đã đưa vào hoạt động, và mới đây khu công nghiệp của nhà đầu tư Hoàng Quân - Mê kông cũng đã động thổ san lắp mặt bằng xây dựng. Các dự án du lịch của công ty Thương mại Minh Linh, doanh nghiệp Hải Diệp cũng đã được cấp phép đầu tư. Ông Lưu Quang Sang, phó chủ tịch huyện Bình Minh cho biết: "Hiện nay kinh tế của huyện đang chuyển biến mạnh, khi cầu Cần Thơ hoàn thành thì khu vực này sẽ phát triển hơn nữa, đời sống người dân sẽ khá bởi một bộ phận sẽ chuyển sang kinh doanh, làm dịch vụ… Các suất đầu tư vào địa phương cũng sẽ ngày một nhiều". 103ha đất của 674 hộ dân bên bờ Vĩnh Long đã bàn giao xong từ giữa năm 2003. Hiện tại các hộ này đang sinh sống ổn định tại các khu tái định cư.
Ngay sau khi cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền đưa vào thông xe thì mọi tâm điểm bắt đầu dồn về dự án cầu Cần Thơ. Nếu như cầu Mỹ Thuận được thiết kế theo kiểu dây văng hiện đại, lớn nhất khu vực thời điểm bấy giờ và bắc qua một trong hai con sông chính của khu vực thì cầu Cần Thơ lại có một vị thế khác: cầu lớn và dài nhất vùng, giá trị nhất, hiện đại nhất. Khi xây dựng cầu Mỹ Thuận, dư luận lại tập trung vào hai luồng: ủng hộ và không. Bên ủng hộ cho rằng, có được cầu thì nền kinh tế của đồng bằng sẽ được cải thiện, hàng hóa nông thủy hải sản… nhanh chóng được xuất ngoại; vốn thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào ngày càng nhiều hơn. Đó là sự thuận lợi. Bên không đồng tình thì cũng có cái lẽ riêng. Họ cho rằng thời điểm hiện tại nông dân còn nghèo, cầu khỉ nông thôn còn chưa xóa được thì việc đầu tư hàng trăm triệu đô la Úc vào một công trình như thế là chưa cần thiết. Với số tiền ấy, dùng vào việc đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn và đầu tư trực tiếp cho nông dân thì tốt hơn. Nhưng cuối cùng, bằng nhiều nỗ lực, cầu Mỹ Thuận cũng đã hoàn thành. Mới đây, báo cáo của ông Paul Kelly, Bí thư thứ nhất Hợp tác phát triển Úc (AusAID) cho thấy mức độ sử dụng cầu cao hơn dự kiến trong năm 2002, mỗi ngày có trên 20.000 phương tiện qua lại, tiết kiệm được gần 15 triệu giờ đi lại cho các phương tiện và làm lợi 10 triệu đô la Úc nhờ chi phí vận hành phương tiện và hư hỏng hàng hóa giảm.
Mạnh mẽ sức bật
Dự án cầu Cầu Cần Thơ được hình thành và chuẩn bị khởi công ngay sau khi thông xe cầu Mỹ Thuận (trước cả dự án cầu rạch Miễu), nhưng do thay đổi thiết kế, nguồn vốn… ngày khởi công cứ lùi dần đến thời điểm đầu tháng 9-2004, gói thầu số 2 - gói thầu chính - mới được ký kết và Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải quyết định chọn ngày 25 - 9 -2004. Đây sẽ là chiếc cầu dây văng dài nhất Đông Nam Á, nối " ốc đảo" ĐBSCL với cả nước trên tuyến quốc lộ huyết mạch 1 A.
Theo ông Yosi Yenomoto, trưởng nhóm nghiên cứu về cầu Cần Thơ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA): Cầu Mỹ Thuận cùng với cầu Cần Thơ rất cần thiết để hoàn chỉnh mạng lưới đường bộ ở đây- tuyến huyết mạch của giao thông vùng châu thổ với tam giác trọng điểm kinh tế TPHCM - Biên Hoà - Vũng Tàu. Khi hoàn thành, cầu Cần Thơ sẽ góp phần vào việc hình thành và phát triển các khu công nghiệp và khu chế xuất xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Dược, giám đốc Sở kế hoạch & đầu tư TP Cần Thơ thì tin rằng sau khi cầu hoàn thành vốn đầu tư vào thành phố và 6 tỉnh phía Tây Nam sông Hậu (An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng Bạc Liêu, Cà Mau) sẽ tăng nhanh hơn hiện nay. Ngành du lịch các tỉnh ĐBSCL nói chung và Cần Thơ nói riêng đều hy vọng tăng lượng du khách và doanh số nhờ công trình này (gắn với các tour, loại hình du lịch khác). Anh Lâm Ngọc Hiền, tài xế lái xe cấp cứu thuộc Trung tâm y tế huyện Long Hồ (Vĩnh Long) nói: "Khi cầu Cần Thơ hoàn thành, thời gian chuyển viện từ Long Hồ sang Cần Thơ sẽ ngắn hơn, sự đau đớn, nguy hiểm đối với bệnh nhân sẽ giảm bớt. Nghĩa là hy vọng sống sót, an toàn của bệnh nhân sẽ tăng lên". Anh Năm Kha, tài xế xe tải nặng ở Cà Mau cũng phấn khởi mong ngày cầu hoàn thành vì những lúc kẹt phà, xe anh phải chờ từ 1-3 tiếng đồng hồ mới qua sông Hậu được. Ông Ba Trà , chủ hộ chuyên bán tạp hoá, sách báo tại bến thượng lưu phà Hậu Giang (phía Vĩnh Long) và nhiều hộ khác tại đây thì cho biết : Ông và đa số hộ tại đây đã chuẩn bị chuyển nghề hoặc chuyển chỗ buôn bán từ năm 2000, khi có tin Nhà nước sẽ xây cầu Cần Thơ. Huyện Bình Minh sắp được nâng lên thành thị xã, thương nghiệp sẽ phát triển mạnh hơn nên không lo mấy về nghề nghiệp mưu sinh. Nhiều nhân viên cụm phà Hậu Giang cũng bình tâm về việc làm (thời điểm cầu Cần Thơ được đưa vào sử dụng, phà Hậu Giang sẽ chấm dứt "nhiệm vụ lịch sử" của mình) vì anh chị em đã được thông báo Nhà nước sẽ bảo đảm cho anh chị em có việc làm mới. Nhiều cán bộ hưu trí phường An Hội, quận Ninh Kiều hay tin khởi công cầu, vừa vui mừng vừa lo xa, nhắc một số đồng chí lãnh đạo thành phố: "Ngày khánh thành mấy chú phải chú ý khâu trật tự giao thông, đừng để tắc nghẽn cả buổi trời như hồi khánh thành cầu Mỹ Thuận thì mất vui ..."
Theo ước tính của các chuyên gia, một chuyến vượt sông Hậu qua cầu Cần Thơ sẽ tiết kiệm chi phí vận hành 20.400 đồng mỗi xe ô tô , giảm mất mát giá trị hàng hoá mỗi xe ô tô 12.394 đồng, rút ngắn thời gian so với đi phà là 32 phút. Hiện nay, mỗi ngày bình quân có 3.500 lượt ô tô, 7.000 mô tô, hơn 20.000 hành khách qua phà. Nếu tính lượng khách và phương tiện qua phà tăng trung bình 15%/ năm thì đến năm 2008 (thời điểm cầu hoàn thành), mỗi ngày tiết kiệm hàng trăm triệu đồng. Việc vượt sông nhanh hơn còn giúp cho hàng hoá, chủ yếu là nông sản, thực phẩm của vùng ĐBSCL không giảm sút chất lượng nhiều, sẽ tiêu thụ được với giá trị cao hơn, đầu ra dễ dàng hơn.
Cầu Cần Thơ hoàn thành, không chỉ hai địa phương có cầu đi qua hưởng lợi mà các tỉnh Nam sông Hậu cũng sẽ bắt được nhịp phát triển chung. Khi đó, tuyến quốc lộ dọc theo sông Hậu chạy về Sóc Trăng, tuyến từ Cần Thơ theo kinh xáng Xà No đi hậu Giang và đoạn từ Cà Mau mở thẳng ra Đất Mũi… sẽ mở đường cho hàng nông, thủy, hải sản đồng bằng đi xa. Rồi đường bay quốc tế từ sân bay Trà Nóc được khai thông, cửa luồng Định An được nạo vét sâu… cũng là những tín hiệu song song đáng mừng. Dự kiến, đến năm 2008, khi cầu Cần Thơ hoàn thành, thì hệ thống cầu đường trên quốc lộ IA nước ta đã hoàn tất. Bảy tỉnh thành phía Tây Nam sông Hậu (Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau) sẽ không còn bị "ngăn sông, cách chợ". Sự kiện này còn tạo thêm điều kiện để vùng ĐBSCL (chiếm hơn 90% lượng gạo và hơn 60% giá trị thủy sản xuất khẩu của cả nước) hội nhập với khu vực và thế giới.
Và một ngày không xa, câu hát "Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm qua bến bắc Cần Thơ" trong bài hát "Chiếc áo bà ba" sẽ trở thành ký ức.
----------------------------
BOX:
- Dự án cầu Cần Thơ có chiều dài toàn tuyến 15,85km. Cầu dài 2.720m, đường dẫn dài 12,63km. Trong đó cầu chính dài 1.090m, cầu dẫn 1.630m. Đường dẫn phía Vĩnh long 4.940m, phía Cần Thơ 7.690m.
- Đây là cây cầy dây văng lớn nhất Việt Nam, rộng 23,1 mét gồm 4 làn xe ô tô, hai lề bộ hành (mỗi lề rộng 2,75m), còn lại là các dải ngăn cách và kiến trúc an toàn. Độ tình không thông thuyền bằng với cầu Mỹ Thuận (39m). Nhịp giữa hai trụ tháp chính rộng 550 m, bảo đảm cho tàu có trọng tải lớn ra qua lại thuận tiện
- Vị trí: Bắc qua sông Hậu, nối liền tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, cách bến phà Cần Thơ hiện tại 3,2km về phía hạ lưu. Điểm đầu tại km 2061, trên QL1A, thuộc huyện Bình Minh, Vĩnh Long; điểm cuối tại km 2077, thuộc huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang.
- Tổng vốn đầu tư khoảng được duyệt ban đầu là 295 triệu USD, sau được điều chỉnh nâng lên 342,6 triệu USD, tương đương 37,006 tỉ yen Nhật (4.832 tỉ đồng), bao gồm cả phần viện trợ JICA. Nguồn vốn vay từ ngân hàng hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước Việt Nam. Tập đoàn Nippon Koei Co., LTD tư vấn.
- Tốc độ thiết kế: 80km/h (qua các khu dân cư 60km/h).
- Kỹ thuật: Cầu được thiết kế vĩnh cửu theo dạng dây văng, mặt cầu hỗn hợp dầm thép và bê tông cốt théo dự ứng lực. Khổ cầu rộng 23,1m, trong đó có 4 làn xe, mỗi làn 3,50m và 2 lề bộ hành, mỗi lề 2,75m.
- Qui trình và tiêu chuẩn thiết kế: áp dụng theo qui trình, qui phạm Việt Nam và AASHTO (Hoa Kỳ), có tham khảo nhiều nước tiên tiến khác.
- Mục đích: Thúc đẩy nền kinh tế ĐBSCL phát triển, thu hút vốn đầu tư trong ngoài nước. Đảm bảo giao thông, vận chuyển hàng hóa, tiêu thụ nông sản tại ĐBSCL thuận lợi…