Nhưng đến khi được cuốn Đêm nghi ngại, đọc suốt 19 “truyện” của Cổ Ngư, lại nhận rõ thêm: không gian ấy rộng và thân quen hơn nữa, đồng thời cũng cô đơn đến độ nào cho những người sống ngoài quê hương, nhạy cảm.
Để chữ “truyện” trong ngoặc kép vì trong Đêm nghi ngại một số sáng tác khá gần với tùy bút hay ký, hai thể loại dễ khiến cảm xúc của nhân vật thấm sâu vào người đọc.
Truyện Cổ Ngư dù có dẫn ta lạc vào khu phố hỗn độn phía sau ngôi thành cổ một xứ Bắc Phi lạ hoắc, quẩn quanh thế nào cuối cùng cũng đẩy ta trở về với ước mơ một chuyến bay đáp xuống Sài Gòn quen thuộc, một Sài Gòn bốc mùi bùn sình đọng trong con lạch giữa TP (Tản mạn một chuyến đi).
Truyện có mở ra trong một quán đêm rượu tràn nghiêng ngửa với “những cao bồi già vừa ngã ngựa và những đóa phù dung về chiều chờ rã cánh” thì sau đó lại trải dài trên con đường thời thơ thiếu của một quê nhà xa biệt, có lá me rơi trên áo dài và lót thảm chân guốc mộc (Truyện của hắn).
Nhưng tưởng nhớ ấy không chỉ là một cái hoài mông lung bồi hồi lãng mạn, trong văn Cổ Ngư nó nghẹn thở, nín hơi, đâm nhói vào màng óc: “Tôi một mình vùng vẫy, chống chọi. Không có ai để chia để sẻ nỗi nhớ giùm tôi, không có ai để tôi xả đi, để tôi vứt bớt cho nhẹ gánh quá khứ. Michel ngồi kế bên, tỉnh queo. Làm sao nó hiểu nổi vẻ mặt đờ đẫn đần độn của tôi lúc này. Nó vẫn giữ nguyên cái háo hức của kẻ phiêu lưu tìm vùng đất lạ. Như tôi đã từng có, những giờ phút đầu, khi chưa bị nỗi nhớ hành hạ đến phát điên, phát sốt lên”.
Những cảm nhận về đời sống, về con người dồn nén rồi vỡ ra trên từng trang viết mà hầu hết xuyên qua những câu chuyện tình. Vâng, tình yêu tràn ngập trong Đêm nghi ngại. Mong manh hồn nhiên, thể xác dục tình, đằm thắm đam mê, lững lờ nghi kỵ... đầy đủ tất cả bản chất mạnh mẽ nhất trong tặng vật lạ lùng và quí giá này của tạo hóa dành cho con người.
Cổ Ngư đã tận dụng con chữ, văn phong uyển chuyển, linh động. Không phải do viết về cô đơn hay hoài niệm mà văn ấy lúc nào cũng buồn hay man mác. Có vòng métro - boulot - dodo rất sôi nổi tếu vui ý nhị. Có cuộc hội ngộ trong quán cà phê khu phố Latin của đôi tình nhân cũ, dí dỏm lẫy hờn như vẫn thuở hai mươi. Có những câu chuyện thực như đời sống đang xảy ra trước mắt, nhưng có cả cái viết huyền ảo trong truyện cuối cùng mà tác giả đã dùng làm tựa sách.
Truyện ngắn Đêm nghi ngại, một truyện viết chặt chẽ, mang khí hậu lạ, một cô gái Tây Ban Nha đứng đường chờ khách, một chàng thanh niên gốc Bắc Phi, cộng thêm đôi linh hồn vật vưỡng của thời thế chiến. Trong đêm đông Paris trăng chết, những con người này đã “gặp nhau” hay không gặp nhau (biết đâu là như thế)?.
Và có nên chăng đặt thêm câu hỏi: ta đang ở đâu, thời điểm nào, đấy có phải là thời của chúng ta? Hay chỉ cần biết ta đang rơi giữa đêm, cùng bóng tối phủ đầy nghi ngại.