* Dư luận cho rằng nhà văn Nguyễn Ngọc Tư (NNT) - tác giả truyện ngắn Cánh đồng bất tận (CĐBT) - vừa bị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau đề nghị Hội Văn học nghệ thuật tỉnh kiểm điểm “phê phán tác giả một cách nghiêm khắc”. Điều này có không, thưa ông?
- Ông Dương Việt Thắng: Đúng là chúng tôi có buổi làm việc với lãnh đạo Hội VHNT, sau khi xem xét những vấn đề dư luận phản ánh, chúng tôi đã đề nghị có ý kiến về các mặt tích cực, hạn chế và đề nghị Hội VHNT kiểm điểm tác giả.
* Nhưng từ tháng 9-2005 đã có nhiều báo, tạp chí trung ương địa phương đăng tải, bình phẩm truyện CĐBT. Vậy tại sao mãi đến 27-3-2006 Ban Tuyên giáo tỉnh mới có thông báo kiểm điểm NNT, thưa ông?
- Thì ngay lúc đầu tôi có đọc cũng chưa thấy ai nói gì. Sau đó có nhiều ý kiến khen chê trái ngược nhau gọi, gửi về Ban Tuyên giáo tỉnh ủy. Ngay lúc đó chúng tôi định làm việc nhưng các đồng chí trong Hội VHNT bận việc, đồng chí chủ tịch hội bị bệnh phải phẫu thuật, phải chờ. Nhà văn NNT nằm trong biên chế của hội nên phải gặp thủ trưởng của nhà văn mới làm việc được.
Ngày 24-3- 2006 chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo Hội VHNT gồm các đồng chí Mười Thanh (chủ tịch hội) và hai phó chủ tịch hội Lê Đình Trường, Hoàng Thêm. Đã nhận xét những ý kiến khen chê.
* Ý kiến đó thế nào, nhiều không, thưa ông?
- Sau khi CĐBT ra mắt độc giả, có rất nhiều ý kiến. Khen thì nhiều - ông Thắng cười xòa nói - nhất là khi báo Tuổi Trẻ và cả Đài truyền hình VTV giới thiệu, đăng tải. Nhưng cũng không ít ý kiến chê rất dữ.
Có độc giả Việt kiều và cả các nhà nghiên cứu phê bình văn học cho rằng đây là thứ văn chương phản động, thậm chí là chống cộng; tục tĩu dâm ô; chống lại chủ trương của Đảng và Nhà nước. Chủ yếu là chị em phụ nữ, tại vì họ giận!
* Cụ thể giận ra sao, thưa ông?
- Vùng đất tác phẩm thể hiện chủ yếu ở Cà Mau, huyện Đầm Dơi là nơi có nhiều địa danh lịch sử như Bàu Sen, đầm Bìm Bịp... Đó là ý kiến của nhiều người, trong đó có số cán bộ đã gửi về cho ngành văn hóa và cá nhân lãnh đạo tỉnh ủy, có cả dịch giả nghiên cứu văn hóa Nguyễn Kim Dân ở P.3, Q.Bình Thạnh, TP.HCM. Thể hiện ý kiến bằng các văn bản thư từ, có ý kiến còn đề nghị tổ chức hội thảo nữa.
* Ông đánh giá ra sao về nội dung ý kiến của độc giả?
- Qua buổi làm việc (với Hội VHNT tỉnh) đã có ý kiến thống nhất: nói truyện ngắn CĐBT là phản động và chống cộng là không phải. Chúng tôi không cho là như vậy, không thể qua một truyện ngắn, một tác giả mà đánh giá như vậy được.
Còn nói là dâm ô tục tĩu cũng không phải đâu bởi trong truyện chỉ có vài ý nhỏ thôi, không thể đánh giá được.
* Thế còn ý kiến cho rằng NNT ám chỉ về địa danh “bôi nhọ” địa phương?
- Về vấn đề địa danh, tôi nghĩ không chỉ có Cà Mau mà NNT đã nói chung cho cả vùng Tây Nam bộ.
* Cụ thể hơn, ông thấy thế nào?
- Về chủ đề tư tưởng, tôi đã đọc đi đọc lại nhiều lần. Tôi thấy nói cái xấu nhiều quá! Và cũng cô đọng quá! Những nhân vật ông già, con cháu, gái làm đĩ..., kể cả cán bộ xã đều là nhân vật xấu. Quan điểm chúng tôi không phải không cho nói cái xấu, nói không biện chứng.
Tốt xấu bao giờ cũng có cả hai, tỉ lệ phải như thế nào đó. Nói xấu trong tác phẩm này có nhiều tình tiết đã nói quá hiện thực. Không đúng!
* Ông có thể nêu ra vài điển hình?
- Ví dụ như miêu tả gái điếm mà NNT dùng từ “dập dìu trên bờ đê” thì làm gì có. Hay như đoạn viết có nội dung: sau đợt dập dịch cúm gia cầm xong thì một phụ nữ đã buồn tiếc của mà uống thuốc tự vận.
Thực tế trong cả nước đến nay vẫn chưa có người tự vận như vậy mà chỉ có thể buồn chán thôi. Người nuôi có gia cầm bị tiêu hủy đều được bồi thường tiền. Hoặc như chi tiết: ông già chơi đĩ xong đã trả tiền cho đĩ ngay trước mặt con là không có.
Từ những chi tiết như thế, chúng tôi cho rằng tác phẩm này không có tác dụng giáo dục xã hội, giáo dục con người. Tôi không viết văn nhưng tôi biết chức năng của văn học là chức năng giáo dục và định hướng.
Mặc dù mặt trái của kinh tế thị trường có cái xấu, cái xuống cấp nhưng đa số vẫn tốt. Nói vậy để con người còn niềm tin, lạc quan hơn với cuộc sống.
* Ông đánh giá mức độ phản ứng giữa CĐBT lần này so với Cù lao Tràm của những năm đầu đổi mới thế nào, thưa ông?
- Cù lao Tràm cũng có nói tốt dù thời kỳ mới đổi mới nói về mặt trái hơi nhiều! Sau này lại có Cái đêm hôm ấy đêm gì của một tác giả ở Thanh Hóa cũng bị phản ứng! Ý tôi muốn nói trong một tác phẩm có tốt có xấu cho tròn trịa vậy thôi, không thì thiếu tính giáo dục.
Người đọc sẽ thấy bi quan. Tiến sĩ Thái Văn Long - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau - có nói không nên cho học sinh coi CĐBT vì đọc xong học sinh sẽ hiểu “xã hội dập dìu đĩ”. Có cựu chiến binh tên Nguyễn Hiền Thân ở Bà Rịa - Vũng Tàu sau khi đọc xong CĐBT đã tát cô con gái của mình chỉ vì con của ông khen CĐBT hay!
* Ông nhận định sao về hai luồng ý kiến khen chê?
- Phải chờ ý kiến của các nhà phê bình văn học. Vụ trưởng Vụ VH Đỗ Kim Cuông có gặp tôi nói riêng: nhận thức tư tưởng của NNT còn non kém chứ không có chống cộng gì đâu! Chúng tôi đề nghị hội tạo điều kiện cho nhà văn nâng cao nhận thức nghiệp vụ chuyên môn. Chứ như hiện nay NNT mới học xong lớp 11 mà thôi!
* Thực tế NNT đã bị kiểm điểm chưa và kiểm điểm đến mức nào, thưa ông?
- Mục đích chính của lần mổ xẻ này là để nhà văn có dịp nhìn lại và sáng tác tốt hơn. Cũng nhẹ nhàng thôi, không có gì cay cú hay gay gắt cho dù có ý kiến còn đòi bài trừ, trục xuất nhà văn ra khỏi địa bàn.
* Trở lại với CĐBT, thưa ông Thắng, ông có nghĩ CĐBT nói cái xấu là có hại không? Văn học nghệ thuật được quyền hư cấu không, thưa ông?
- Nói cái xấu để thức tỉnh là điều tốt. Nhưng nói gì thì nói cũng phải có tính định hướng. Anh hình dung xem, trẻ mới lớn lên mà đọc CĐBT sẽ thấy cái này sao mà quá trời vậy! Trẻ sẽ hoài nghi quá đi chứ.
Đúng là sáng tác văn học nghệ thuật được quyền hư cấu nhưng phải trên cơ sở sự thật. Nói quá thành bác Ba Phi rồi! Nói quá mà nói về cái tốt, nhân cách hóa sẽ có tính xây dựng. Theo tôi, hư cấu như thế tốt.
* Vậy ông có thể cho biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong CĐBT? Ông đánh giá sao về nhà văn này!
- Tôi đánh giá cao phong cách ngôn ngữ thể hiện - đặc điểm đặc sản miền Nam - của NNT. Tôi không thể cân đo giá trị một tác phẩm văn học như làm kinh tế được.
* Xin cảm ơn ông!
Đề nghị:
- Hội Văn học nghệ thuật kiểm điểm phê phán tác giả một cách nghiêm khắc, rút kinh nghiệm khi viết, cần phải có thực tiễn cuộc sống, cái đẹp, cái tốt mà xã hội đang xây dựng và phát triển. Tất nhiên, cần phê phán cái chưa tốt, nhưng phải đúng hiện thực và có định hướng cho con người đến cái chân - thiện - mỹ.
- Hội Văn học nghệ thuật nên thường xuyên có định hướng cho người viết, sáng tác nên những tác phẩm hay, có phê phán nhưng phải thận trọng tránh gây nên một phản ứng xã hội gay gắt đối với tác phẩm.
- Thường xuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tất cả hội viên ở các lĩnh vực (có Nguyễn Ngọc Tư) được tham gia học tập lý luận chính trị, trau dồi đạo đức phẩm chất, nâng cao ý thức trách nhiệm của người cầm bút, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.
Riêng nội dung trả lời phỏng vấn với một số báo thiếu trách nhiệm, đề nghị Đảng, Đoàn nơi Nguyễn Ngọc Tư sinh hoạt giáo dục và kiểm điểm.
(Trích báo cáo ngày 27-3-2006 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau ).