Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
482
123.258.587

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Mẹ Thánh Gióng - người mẹ của những đứa con đi đánh giặc
Đất nước ta đã có bao nhiêu chàng trai ra trận rồi trở về trời chứ không trở về nhà với mẹ. Truyện “Gióng” của nhà văn Lê Minh Hà đã nói lên nỗi lòng của người mẹ Gióng, của những bà mẹ Việt Nam…

Mỗi người Việt Nam đều đã biết, đã thuộc lòng truyền thuyết Thánh Gióng - câu chuyện về cậu bé lên ba vẫn chưa biết nói cười, một ngày kia khi quân xâm lược tràn sang, bỗng vươn vai lớn vụt thành chàng khổng lồ để đi đánh giặc. Như nhiều chuyện cổ tích khác, truyền thuyết Thánh Gióng cũng mở đầu bằng câu “Ngày xửa, ngày xưa…”, và kể tuần tự từ khi người mẹ mang thai đến khi Gióng ra đời, đến lúc Gióng lớn nhanh như thổi, đi đánh giặc, thắng giặc và về Trời.

 

Truyện “Gióng” của nhà văn Lê Minh Hà cũng có thể coi là một câu chuyện cổ tích, nhưng không mở đầu bằng “ngày xửa ngày xưa”, mà bằng những lời ru da diết. Lời ru của Người Mẹ Thánh Gióng. Những lời ru âu yếm ngọt ngào “Gióng à Gióng ơi…”, mà trong đó là nỗi khắc khoải về một cuộc sống thanh bình, giản dị, đầy tình thương yêu của người mẹ dành cho đứa con bé bỏng mới lên ba. Lại tội nghiệp và thương con hơn nữa vì con mình đã lên ba mà vẫn chưa biết nói biết cười như trẻ khác. Thời gian mẹ con bên nhau thật là ngắn ngủi, rồi cậu bé đi đánh giặc. Thắng giặc, Gióng từ biệt mẹ, cưỡi ngựa sắt bay về trời, để lại cho người mẹ nỗi nhớ thương mãi mãi.

 

Đất nước Việt Nam có lịch sử hàng nghìn năm chống giặc ngoại xâm, kiên cường không chịu khuất phục. Từ thuở xa xưa, những người đàn bà cũng cầm gươm đi đánh giặc. Những em thơ cũng ra trận. Bởi làm sao có được cuộc sống bình yên khi đất nước bị quân thù dày xéo. Truyện dân gian “Thánh Gióng” kể bằng những lời hào hùng, ca ngợi sức mạnh, chí kiên cường và lòng tự hào dân tộc của chúng ta, mà nổi bật là hình ảnh của người anh hùng trong dân gian, bỗng chốc vụt biến thành thần thánh. Còn câu chuyện mà nhà văn Lê Minh Hà viết thì lại kể về người mẹ của Gióng. Một bà mẹ không phi thường, không chói lọi hào quang, hay uy nghi lẫm liệt. Chỉ là một bà mẹ quê bình thường, tần tảo. Mẹ nuôi con cũng bằng hạt lúa, củ khoai. Nhớ về con là những kỷ niệm giản đơn, thân thuộc: “đôi khi đái sũng sĩnh khiến cái chiếu cũ thâm sì, khai sực”, hay “con lũn chũn bước xuống bến lên đò”… Vì nước non, mẹ không ngăn cản con mình ra nơi chiến trận, mặc dù: “Em thương cháu quá!”. “Thương con phải lớn trước tuổi, thương con vốn dại, tự nhiên lớn vù vù nhưng làm sao một sớm một chiều hết dại…”. Ngay cả trong giấc mơ, mẹ cũng không một phút nào nhớ rằng con mình là Thánh.

 

Câu chuyện hình như không có thời gian xác định. Hội Gióng, lễ dâng hương với nô nức khách thập phương, làm người ta liên tưởng đến những lễ hội thời bây giờ. Và cuộc chờ đợi con cả nghìn năm của mẹ Gióng. Nghìn năm trôi qua, mẹ vẫn thấy con mình bé bỏng. “Vắng mẹ trẻ mỏ chúng nó có chòng con không Gióng?”. “Thế cu biết làm gì rồi chỉ cho mẹ xem nào?”… Trong lịch sử mấy nghìn năm giữ nước, có bao chiến binh đã ra trận. Nghìn năm trước cũng thế, nghìn năm sau cũng vậy, mỗi người mẹ Việt Nam đều như mẹ Thánh Gióng… khi tiễn đứa con ruột thịt ra nơi hòn tên mũi đạn, tự hào xen lẫn niềm đau đớn, xót xa. Và lúc nào với họ, đứa con mình sinh ra vẫn luôn là bé nhỏ, dẫu chẳng phải các chàng trai ấy mới lên 3 như Gióng, mà đã mười tám, đôi mươi, mạnh mẽ, giỏi giang. Nỗi nhớ con thời nào cũng từng giờ từng phút, cũng quặn lòng, cũng quay quắt như nỗi nhớ của người mẹ Gióng: “Mẹ nhớ, lúc cúi mặt cắm dảnh mạ xuống bùn. Mẹ nhớ, lúc sẽ sẽ lùa bàn tay xuống chân bèo đỡ một con ốc cụ. Mẹ nhớ, lúc quấn rơm đốt niêu cơm nhỏ và nhân thể vùi vào tro nóng một củ khoai như ngày còn có Gióng…”. 

 

Rồi Gióng thắng giặc Ân, cưỡi ngựa sắt bay về trời mà không về nhà với mẹ. Truyền thuyết không có lời giải thích, hoặc người ta phải tự luận ra rằng, Gióng là người Trời thì rồi lại quay về Trời. Còn nhà văn Lê Minh Hà lý giải: Mẹ bảo Gióng đi. “Ở lại quê nhà, chẳng ra lớn chẳng ra bé, chẳng ra dại chẳng ra khôn…”. “Sống với người trần thì vóc dạc con kỳ vĩ thế thành quá khổ…”. Mẹ lúc nào cũng nghĩ cho con mình. Ấy là câu chuyện của ngày xưa với cái nhìn cuộc sống của ngày hôm nay.

 

Đất nước ta đã có bao nhiêu chàng trai ra trận rồi thắng giặc và trở về trời chứ không 

trở về nhà với mẹ. Để những người mẹ cứ mãi ngóng trông, cứ sống trong hoài niệm với niềm hy vọng phấp phỏng. Bà mẹ nào rồi cũng như mẹ Gióng, không bao giờ tin rằng con mình có thể chết: “Dâng hương cho cháu? Không! Làm vậy em ngỡ như là cháu chết mất rồi…”. Thời gian cứ trôi đi, đến khi mẹ tóc bạc, lưng còng và thậm chí cả nghìn năm đã qua, thì những bà mẹ vẫn không thôi chờ đợi. Họ mong con lại về, dù chỉ một lần thôi, lại trở nên bé bỏng để mẹ nâng niu, bế ẵm, mắng mỏ, dỗ dành… “Bao giờ Gióng lớn Gióng khôn-Gióng về với mẹ-Một lần Gióng nhé-Gióng à Gióng ơi”.

 

Câu chuyện cổ tích của Lê Minh Hà khiến người đa cảm phải rơi nước mắt. Đồng cảm với người mẹ trong nỗi thương nhớ con mãi còn bé dại, không biết giờ đây phiêu bạt ngọn gió nào. Xen vào đó cũng là một chút xót xa: Những người đi dâng hương trong Hội Gióng, những người đang sống cuộc sống thanh bình hôm nay, có phải ai cũng nghĩ về sự hy sinh, về nỗi lòng của người mẹ chiến binh. “Ai nuôi Gióng lớn từng ngày- Ai chăm mẹ tháng năm này héo hon…”. “Mẹ nay mắt đã bạc rồi-Tóc trắng thì gửi lưng trời-Bóng đi gửi đất-Gióng ơi Gióng à…”.

 

Lời văn đẹp với những câu hát ru như ca dao, những câu hát buồn, mang đậm chất thơ. Lê Minh Hà từng kể: “Bà nội tôi không biết chữ, nhưng nói mười câu là phải ba bốn câu ca dao tục ngữ. Ông ngoại tôi chịu ảnh hưởng sâu sắc thơ tiền chiến, và cũng làm thơ rất nhiều, thuộc thế hệ "thanh thản một gia tài vơi nửa mộng" thời kháng chiến”. Và không chỉ ảnh hưởng bởi ông, bà của mình, chị còn nhắc đến những bà lão nhà quê gặp khi đi sơ tán, những hàng xóm: “Họ là một kho từ ngữ đầy biến ảo”. Lối hành văn trong truyện ngắn “Gióng” vẫn theo phong cách của chị, một lối hành văn không mới, không mang hơi hướng hiện đại, mà viết “trong tinh thần lụy tiếng Việt” (như lời bộc bạch của chị). Hình như chị không trau chuốt từng câu từng chữ mà chân thành để chúng tuôn trào dưới ngòi bút. Tràn đầy cảm xúc, trong sáng lạ lùng. Chính điều đó tạo nên sự quyến rũ của văn Lê Minh Hà với người đọc.

 

Nhà văn Lê Minh Hà vốn là giáo viên dạy văn, rồi sang định cư ở Đức. Các truyện chị viết từ trước đến nay thường về những mảnh đời tại quê nhà và những mảnh đời tha hương, những câu chuyện đời thường. Còn với truyện ngắn “Gióng” chị lại viết về đề tài cổ tích, lịch sử. Lê Minh Hà giải thích: “Mục đích ban đầu của tôi là viết lại vài ba truyện cổ tích để tặng con, cũng là một cách thưa thốt với học trò cũ…” (trả lời báo Thể thao văn hóa - số 6/5/2005). Chỉ đơn giản như vậy. Và mặc dù trong truyện ngắn 

này Lê Minh Hà không định nói về nỗi nhớ quê hương, nhưng những hình ảnh thân thuộc về quê nhà được mô tả vẫn vô tình nói lên nỗi lòng của chị. Đám mây soi bóng nước. Tia nắng xế chiều. Muôi tương bé bé. Chim mổ chuối chín cây. Kiến tập trèo măng nhỏ. Một củ khoai vùi. Một dảnh mạ. Tất cả là quê hương… Với những chàng Gióng còn sống mãi, những người Mẹ Gióng sống mãi, chở che cho đất nước.

 

“Tác phẩm phải làm thức dậy được một trạng thái cảm xúc nhất định từ người đọc, bất luận là gì, ngay cả khi trạng thái cảm xúc ấy thoát ly khỏi tác phẩm…” - đó là quan niệm của Lê Minh Hà về nghề viết. Trong truyện ngắn này, ít nhất chị đã thành công trong phương diện “đánh thức cảm xúc” của người đọc./.

 

Nguyễn Thuý Hoa - VOV.ORG.VN
Tin tức khác