Tuổi Trẻ số ra ngày thứ bảy 8-4 đã có cuộc trao đổi với trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau xoay quanh nội dung kiểm điểm nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Ngay sau khi báo phát hành, tính đến 18 giờ chiều cùng ngày, có 94 ý kiến bạn đọc đã gửi đến Tuổi Trẻ. Chúng tôi sẽ lần lượt đăng tải những phản hồi này.Bên cạnh đó, để làm rõ hơn những dư luận “chê rất dữ” mà ông Dương Việt Thắng đã đề cập, Tuổi Trẻ xin được trích đăng bài viết của ông Vưu Nghị Lực, như một cách mở đầu cho cuộc đối thoại...
Có một vũng lầy bất tận
Chẳng lẽ khi đặt tên cho tác phẩm của mình là Cánh đồng bất tận, Nguyễn Ngọc Tư lại không biết rằng đối với người Việt, cánh đồng là một biểu tượng văn hóa nhạy cảm? Chẳng phải dân tộc này, số đông đã lớn lên từ trên những cánh đồng ư?
Ngay ở đất phương Nam này, đến mãi tận cùng là đất Cà Mau, mọi người chẳng phải được sinh ra và lớn lên từ trên cánh đồng?
Chẳng phải nhờ cánh đồng mà cô, Nguyễn Ngọc Tư, đã xuất hiện trên văn đàn mấy năm qua bằng một giọng văn đặc sệt chất cánh đồng, nhờ vậy mà cô được yêu thích, được đón nhận và nổi tiếng?
Vậy hà cớ gì lần này cô phỉ nhổ vào cái cánh đồng ấy tàn tệ đến thế?
Tôi nhớ trong văn học dân gian - kho tàng trí khôn của ông bà tổ tiên bao đời, chưa thấy chuyện phỉ báng cánh đồng, mà chỉ có làm đẹp thêm thôi. Văn học nghệ thuật cận - hiện đại cũng vậy, bởi lẽ cánh đồng quê bao giờ cũng mỹ cảm lắm, tha thiết lắm, lam lũ mà anh hùng, nghèo khó mà son sắt...
Cây bút nữ xứ Cà Mau ơi, cô phải biết những cánh đồng này chứ: Cánh đồng hoang, Máu thắm đồng Nọc Nạn, Đồng Chó ngáp... Những chuyện mà cô kể không còn là chuyện của cánh đồng nữa; tôi nghĩ đó là “vũng lầy bất tận” thì đúng hơn.
Mọi thứ do nhân xưng “tôi” cố ý xuyên tạc bằng trí tưởng tượng nhồi nhét, bằng thao tác lượm lặt và một mặc cảm về tính giao bệnh hoạn. Cánh đồng của Nguyễn Ngọc Tư tất cả đều dâm ô hết.
Hình ảnh nông dân Chí Phèo - Thị Nở trở nên lưu manh hóa bởi giai đoạn xã hội thối nát. Còn những hình ảnh nông dân của Ngọc Tư trở nên dâm ô hóa, ngay hôm nay bởi cái gì, vì ai mà con người chỉ còn quan hệ tính loài?
Cô chửi vào họ một cách không thương tiếc: thất học, hung hãn; nghèo đói, dốt nát tăm tối; những đứa tên Hận, tên Thù nhàu úa, cộc cằn, chửi thề là tươi rói... Cánh đồng VN sau 30 năm giải phóng phận người mà như thế?
Ở Cánh đồng bất tận không có vấn đề tính giao của người! Tác giả chỉ bêu rếu trên năm sự vụ ăn nằm, năm sự vụ mà thật tình nếu có thì ở cái xứ quê cô người dân chỉ dám rỉ tai nhau, chứ nào dám đăng (văn) đàn ong ỏng đánh “ùm” vậy.
Rõ là nhà văn nữ này không có ý viết về tình dục mà chỉ cố chiêu dụ người nghe đi đến một kết luận rằng: tất cả chỉ như chó và tệ hơn vịt; cuối cùng là một “tôi” bị cưỡng hiếp mà không hề kháng cự với cái lý lẽ trái tự nhiên là giẫy giụa chỉ kích thích thêm mấy thằng đàn ông, có ích gì!
Than ôi, nếu có ai viết về tính giao của nhân loại, sinh hoạt đàn bà - đàn ông đã thoát kiếp thú mấy triệu năm, thì chắc phải suy xét đến lẽ thường hằng của tạo hóa, đã ban cho con người một nền nã văn hóa tính dục. Không thể làm trái qui luật để được xem là một sự táo bạo của nhà văn nữ!
Cánh đồng của Ngọc Tư là ở đâu vậy; một cánh đồng bệnh hoạn về nhân cách, tồn tại không kỷ, không cương, không pháp luật. Có một thứ cánh đồng của ngày hôm nay như thế sao?
Càng khó chấp nhận hơn khi đọc mấy lời Ngọc Tư trả lời phỏng vấn trên một tờ báo, rằng viết Cánh đồng bất tận là “thấy cần đổi mới mình đi”; “chỉ là đánh ùm một tiếng thôi mà”. Ngọc Tư nghĩ “con người nên mở lòng ra, sống nhân ái với nhau”; nhưng Ngọc Tư viết thì rất độc ác, cố ý từ chối đạo lý làm người. Đọc văn thì thấy lòng người viết văn.
Xua đuổi, bôi tro trát trấu lên phận nghèo, chửi mắng bọn ngu dốt dân mình, bắt nhân vật mình ai cũng đê hèn... không có một bóng người trong tác phẩm của mình thì sao gọi là nhân ái?
Ngày xưa chị Dậu bồng con với ổ chó đi bán, đã là hiện thực phê phán tận cùng rồi nên cách mạng phải đánh đổ nó đi, xem ra nhà văn làm được vậy mới là nhân ái.
Thông điệp của Ngọc Tư trong Cánh đồng bất tận là gì, hiện thực của hôm nay mà như thế thì cô biểu mọi người phải làm sao đây hả Ngọc Tư? Có nhà giáo dạy văn học gửi thư cho các cơ quan lãnh đạo tỉnh Cà Mau cực lực lên án Cánh đồng bất tận của Nguyễn Ngọc Tư, nói rằng cô quá phản động là rất có lý!
Tôi hiểu phản động theo nghĩa: nhà văn dù trong bất cứ trạng huống nào cũng không thể hạ thấp nhân phẩm con người, nhất là không thể đứng ở cheo leo bờ vực nào đó để chống lại con người.
Không thể coi best-seller là một cái chuẩn văn học để làm tới! Nói theo kiểu dân Nam bộ là Ngọc Tư ơi chớ làm lừng. Cánh đồng bất tận đã bộc lộ sai trái quá lớn rồi, cái sai ấy thập phần nguy hại khi đang được tung hô, cổ súy. Thuốc lắc, ma túy đều là thứ hàng best-seller cả đấy thôi! Nhưng đó thuộc loại best-seller mà pháp luật phải ngăn cấm.
Ngọc Tư và những người ủng hộ Cánh đồng bất tận hãy lưu ý đất nước mình còn 80% dân số tiếp tục gắn cuộc đời trên những cánh đồng. Đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, thẩm thấu trong đó là văn hóa cánh đồng.
Nếu các bạn vẫn bảo lưu đứa con bệnh hoạn này, còn định làm thành phim nữa chứ, thì tôi xin thay mặt 80% nông dân lam lũ mà trong đó có cha mẹ ông bà tôi, cha mẹ ông bà của các bạn hãy vị tình mà bỏ hai chữ “cánh đồng” đi. Nên thay vào đó là “Vũng lầy bất tận”, vì với các bạn thì “cánh đồng đã tận” rồi.
Đã từng có cánh đồng nào đó ở xứ Cà Mau cho Nguyễn Ngọc Tư một văn nghiệp; đó là cánh đồng đã làm nên một giọng văn Ngọc Tư không nhầm với Ngọc Năm, Ngọc Sáu của nơi khác. Chưa chi cô đã giẫm lầy cánh đồng, chẳng những giẫm mà còn phóng uế lên đó.
Tôi biết Nguyễn Ngọc Tư hiện đang ở Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Cà Mau, nhưng qua Cánh đồng bất tận cô đã bắt đầu lưu vong, lưu vong với chính văn nghiệp của mình!
Cà Mau, ngày 14-12-2005
Thạc sĩ VƯU NGHỊ LỰC
(Hội viên Hội nsskvn, hội viên Hội vndg vn, phó giám đốc Sở vh-tt Cà Mau)
Đẹp, xấu trong Cánh đồng bất tận, tiếng nói của độc giả...
Nhân đọc bài Cánh đồng bất tận không phản động nhưng...
Đã bao lâu rồi chúng ta mãi bó buộc trong "cái đẹp-cái tốt"? Đã bao lâu rồi văn học Việt Nam có được luồng gió mới? Văn học không có đúng sai, chỉ có cảm nhận.
Ai dám nói sex là sai trái? Viết truyện có dính dáng về sex là dâm ô, tục tĩu? Miền Đông Nam Bộ, vùng đất Cà Mau cây trái quanh năm, con người hiền hoà. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều mặt trái, nhiều hủ tục. Chẳng lẽ viết về chuyện tế nhị đó là sẽ bị kiểm điểm?
Than ôi, chắc sẽ không còn ai dám viết vào sự thật, tạo nên những tác phẩm sống đời, hay để lại ấn tượng trong lòng người đọc. Cái gì cũng phải đẹp, cũng phải tốt. Hoá ra chúng ta đang sống trong một xã hội hoàn hảo, không có bất công, bi kịch, và cái xấu ư? Thôi thì các nhà văn, để không bị kiểm điểm thì nên viết văn chương "đẹp, tốt", đừng nên đụng vào những vấn đề "khó khăn" làm gì. Thà viết loãng, nhão, đẹp đẹp một chút mà coi ra an toàn.
Tôi thật không hiểu: nếu Cánh đồng bất tận không phản động, không vi phạm thuần phong mỹ tục, thì tại sao phải kiểm điểm? Hay vì nó có chữ "sex" trong đó? Chẳng phải chúng ta đang than là văn học nước nhà không phát triển nhiều trong những năm gần đây, phải chăng chúng ta đang mong chờ một tác phẩm đi khác lối mòn xưa, một tác phẩm mang phong vị mới mẻ? Vậy mà hỡi ôi, không khuyến khích thì thôi, lại kiểm điểm. Tôi thật sự cảm thấy buồn.
HONG DUNG
Tôi bằng tuổi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cũng ở miền quê, nhưng tuổi thơ của tôi quá êm đềm nên tôi không đồng cảm với điều nhà văn mô tả. Tôi không thích vợ tôi đọc truyện này vì không biết có khi nào cô ta nghĩ rằng những người chú, những người cậu của cô ta cũng có phần tính cách giống người cha trong truyện (?). Vì thực tế họ đang làm những việc như làm ruộng, cấy lúa mướn, nuôi vịt, chăn bò để mưu sinh. Ở phần cuối tác phẩm, tôi không thích nhìn cảnh người con gái bị đám thanh niên kia vùi dập bên cạnh sự bất lực của người cha dù ông ta đã cố gắng hết sức mình. Tôi không tin rằng đám thanh niên kia lại có thể làm như vậy một cách độc ác và đầy thú tính.
Ở nhà, vợ tôi đang đọc truyện ấy và tôi dặn nhà tôi cứ đọc đi, khi đến phần cuối thì đừng đọc nữa và nếu có đọc thì không được phản ứng hoặc bình luận ngay. Tôi nhớ có lần đọc một bài bình luận văn học về tác phẩm “Chí Phèo” của nhà văn Nam Cao (rất xin lỗi vì tôi được học ở cấp III nhưng tôi lại quên mất). Nhà phê bình nói rằng tác giả Nam Cao đã không định hướng tích cực cho nhân vật mà để cho nhân vật quay trở lại đúng ngay lối mòn của thế hệ trước và lún mãi vào trong lối mòn không lối thoát.
Tôi thấy “Cánh đồng bất tận” ra đời trong thế kỷ 21 mà cũng vấp phải tính tiêu cực như thế. Khác nhau chỉ là thế hệ tiếp theo nữa khi những đưa con tên Thương, tên Nhớ ra đời, nhưng có chắc chúng sẽ ra đời và có được nuôi nấng, dạy dỗ đúng mực trên cánh đồng bất tận ấy không? Mỗi lần gặp tác phẩm mà tôi thích, tôi đọc đi đọc lại ba đến năm lần trong một ngày, nhưng với “Cánh đồng bất tận” thì tôi không dám đọc lại phần cuối của tác phẩm.
NGUYỄN HỒNG KỲ
Những tác phẩm văn học gây xôn xao dư luận và được công chúng nhiệt tình đón nhận luôn nhận được những phê phán khen chê là điều tất yếu. Thế nhưng những tác giả này thường bị xem là “có vấn đề”, bị nhắc nhở như trường hợp “Mảnh đất lắm người nhiều ma” , “Thân phận tình yêu”, các truyện của Nguyễn Huy Thiệp… và bây giờ đến “Cánh đồng bất tận” của Nguyễn Ngọc Tư, đang được yêu cầu nghiêm khắc kiểm điểm .
Trong phần trả lời phỏng vấn của ông Dương Việt Thắng và báo cáo của Ban Tuyên Giáo tỉnh ủy Cà Mau, tôi không đồng tình các điểm sau:
- “Tác phẩm văn học phải nói cả cái tốt lẫn cái xấu theo một tỉ lệ như thế nào đó“, luận điểm này thật mơ hồ, chỉ cần tác phẩm có giá trị nhân bản dù tỉ lệ cái xấu nhiều hơn cái tốt trong tác phẩm.
- “Hư cấu không được xa rời thực tế, không có ai tự tử vì dịch cúm thì tác phẩm văn học không được viết như thế“. Điều này hết sức phi lý. Nhà văn không được sáng tạo gì thêm ngoài sự thật trần trụi, vậy thì còn gì là văn học? Có lẽ chúng ta không ngạc nhiên khi nhà trường dạy văn luôn có bài mẫu và đáp án (!)
- “Cái đêm hôm ấy đêm gì…” cũng bị phản ứng vì tác phẩm không tròn trịa”: Có lẽ ông Thắng không biết chỉ có các quan chức tỉnh Thanh Hoá ngày ấy phản ứng với “Cái đêm hôm ấy…” của Phùng Gia Lộc trong khi cả nước chuyển mình đổi mới cũng nhờ vào những bài viết như thế.
- “Nguyễn Ngọc Tư mới học xong lớp 11 nên nhận thức tư tưởng, nghiệp vụ chuyên môn chưa cao, thiếu thực tiễn cuộc sống“. Đọc toàn bộ các tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tư, quả tình không ai có thể đánh giá thấp về “nghiệp vụ chuyên môn”, tính nhân văn, bản lĩnh, thực tế của cô. Lâu lắm rồi chúng ta mới có một nhà văn trẻ, lại là nhà văn nữ tiêu biểu như vậy của miền Tây Nam Bộ.
Sau khi bị kiểm điểm nghiêm khắc, liệu Nguyễn Ngọc Tư sẽ tiến bộ hơn hay trở thành những cây bút nhàn nhạt vô thưởng vô phạt của một thời kỳ văn học chỉ sản sinh ra những tác phẩm có đủ tỷ lệ tốt xấu nhưng chẳng ai thèm đọc.
TÔN THẠNH HIỆP
Theo như ông Thắng, truyện ngắn đã đụng chạm đến các khía cạnh về đạo đức, xã hội và nhiều mặt khác nữa. Với tư cách là một độc giả bất bình, tôi xin có những ý kiến như sau:
Theo ông, văn chương có chức năng giáo dục và định hướng, điều này đúng nhưng chưa đủ. Nếu ông chịu khó nhớ lại thì văn chương là cuộc sống, là thế giới quan của con người. Văn chương ngoài "bổn phận" phải đề cao cái tốt, bài trừ cái xấu như ông nói, nó còn viết về hiện thực cuộc sống. Không phải tất cả các tác phẩm văn học đều viết về một "vườn hoa với lá cỏ xanh ngọc" hay "những khoảng trời màu hồng". Tôi hoàn toàn không đồng tình với nhận xét hư cấu thế nào là tốt, là xấu của ông.
"Cánh đồng bất tận" chỉ viết về một góc nhỏ trong chiếc bánh lớn đau khổ của những kiếp người bất hạnh. Các ông bảo rằng xã hội đâu xấu xa đến nhường vậy, đó là bởi vì các ông không lắng nghe và quan sát. Cuộc đời tôi trải qua phần lớn ở miền sông nước, và những số phận lênh đênh đau đớn hơn thế tôi cũng đã từng gặp. Ta không thể viện cớ vì tác phẩm đề cập đến cái xấu nhiều quá mà trù dập nó. Lí do đơn giản chỉ vì nó quá phũ phàng hay sao?
Người ta cho rằng tác phẩm hoàn toàn không có ý nghĩa giáo dục, vậy tôi sẽ phải hiểu như thế nào về việc hai đứa trẻ trong truyện, cho dù có một người mẹ nhẫn tâm nhưng có khi nào chúng thôi không nhớ đến bà? Người ta đưa ra "tấm gương" người cựu chiến binh nào đó ra làm tấm gương vì đã tát con gái mình khi cô khen "Cánh đồng bất tận" mà không nghĩ đến những kiệt tác văn chương đều có ít nhiều những ý kiến phản đối, huống chi Nguyễn Ngọc Tư…
Người ta mỉa mai rằng Nguyễn Ngọc Tư chỉ mới học xong lớp 11 thì không đủ tư cách và khả năng viết truyện mà quên mất nhà văn Kim Lân, tác giả của truyện ngắn "Vợ nhặt" cũng chỉ mới học xong bậc tiểu học. Những ý kiến của tôi có lẽ gay gắt, nhưng tôi không thể ngồi yên nhìn người ta trút hết bực dọc vào một tác phẩm mà mình yêu thích.
hanh.lebich@
Tội nghiệp cho các nhà văn mà sau khi đọc tác phẩm của họ người ta chẳng có gì để mà nói, mà yêu, mà ghét cả. Tôi hết sức ngạc nhiên khi biết được Tiến sĩ Thái Văn Long - giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Cà Mau lại có suy nghĩ như thế. Tôi hoàn toàn đồng cảm với nhận xét của riêng ông về một tác phẩm văn học nào đó dù có thể chưa đồng ý. Tôi cho rằng hiện nay giáo viên đóng vai trò hướng dẫn học sinh tiếp nhận và xử lý thông tin chứ không còn đút mớm thông tin cho học sinh như trước nữa. Tôi không nghĩ tiến sĩ lại có nhầm lẫn cơ bản như thế. Liệu ta có thể cấm học sinh đọc một tác phẩm văn học được lưu hành hợp pháp trên thị trường không?
THANH HOA
Tôi là một đọc giả và cảm thấy thật bất bình trước đề nghị của Hội Văn học tỉnh Cà Mau. Tôi không hiểu cụm từ định hướng sáng tác mà những người đứng đầu đưa ra nghĩa là như thế nào, nhưng cho tôi đặt câu hỏi: Vậy theo những định hướng đã nêu thì lâu nay có tác phẩm văn học nào được người đọc quan tâm và biết đến nhiều như tác phẩm "Cánh đồng bất tận" hay chưa?
Tác phẩm tuy thể hiện toàn là bi kịch và những sự đầy phũ phàng, không ai muốn những sự việc đó luôn hiện diện trong cuộc sống, nhưng tôi lại thấy trong tác phẩm đầy tính nhân văn vốn có mà bao người đọc đã từng mong đợi. Đó là tình yêu và sự yêu thương vẫn nảy sinh khi con người sống trong cảnh không còn yêu thương. Tôi không hiểu sao người ta lại lên án tác phẩm này chỉ vì lý do nó nói về cái không tốt.
Tôi cũng cảm thấy thật hạnh phúc khi Việt Nam có một cây bút khỏe như Nguyễn Ngọc Tư. Tôi mong được nhìn thấy cô tiếp tục thể hiện tài năng của mình để viết về các vấn đề của cuộc sống đương đại. Hãy đừng đi theo bất cứ con đường nào đã có (vì như thế độc giả sẽ không nhận ra cô nữa), mà hãy mở con đường mới cho riêng mình. Đừng bận tâm nếu có một số người không đồng tình với bạn, miễn là bạn vẫn thể hiện tình yêu cuộc sống còn tràn đầy trong tác phẩm của bạn.
NGUYỄN THÁI MINH
Khi đọc "Cánh đồng bất tận", chính tôi cũng không thấy hay lắm, nhưng sáng nay đọc báo tôi rất ngạc nhiên trước thông tin tác giả sẽ bị "phê phán nghiêm khắc, rút kinh nghiệm khi viết, cần phải lấy cái đẹp cái tốt của xã hội đang xây dựng mà phát triển..." tôi vô cùng ngạc nhiên. Những chi tiết được nêu ra trong bài được xem là xấu như buồn vì gà cúm chết nên tự tử, ông già chơi đĩ xong trả tiền trước mặt con...mà ông Dương Việt Thắng nêu ra và kết luận là không có. Vậy đối với ông những chuyện có thật mới được đưa vào tác phẩm văn học ư?
Vậy thì văn học mất đi tính dự báo rồi còn đâu? Nếu tất cả tác phẩm văn học trên đất nước ta đều phản ánh cái tốt, mặt phải của vấn đề, nói quá về cái tốt thì không bao lâu sao chúng ta sẽ sống trong ảo tưởng là xã hội chúng ta đã quá tốt đẹp, không còn phải phát triển, sửa đổi hay vươn lên chi nữa, lúc đó chúng ta sẽ ra sao? Đọc cái xấu, biết cái xấu để mà tránh đó chính là cách giáo dục con người, dĩ nhiên là với một độ tuổi nhất định, đã đủ kiến thức để nhận định đúng sai.
Trong bài trả lời phỏng vấn ông có nhắc đế tác phẩm "Cái đêm hôm ấy đêm gì" cũng bị phản ứng. Đúng vậy, tác phẩm đã bị phản ứng, và đến tận hôm nay chúng ta được biết tác giả đã phản ánh đúng, đã mơ đến một xã hội tươi đẹp như chúng ta hôm nay, có điều đáng tiếc là do hoàn cảnh lúc ấy nên không được ai quan tâm, và chúng ta có lỗi về điều đó. Tôi không so sánh "Cánh đồng bất tận" với "Cái đêm hôm ấy đêm gì" vì quá chênh lệch nhau, nhưng hai tác phẩm đều có điểm tương đồng ở chỗ là bị phê phán khi nêu lên cái xấu và chính tác phẩm "Cái đêm hôm ấy đêm gì" phải đến hôm nay mới được những người trẻ tuổi như tôi đọc đến.
Cuối cùng tôi muốn nói đến vấn đề ông nêu ra là Nguyễn Ngọc Tư học đến 11, ở đây tôi có cảm nghĩ rằng ông cho là không học cao thì không được viết văn hay sao ấy, tôi lại thấy như vậy là rất có tài, như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn tự học nhạc nhưng đã trở thành nhạc sĩ tài năng đó sao? Vài dòng bức xúc, và xin nhắc lại trong tập truyện "Cánh đồng bất tận", tôi chỉ không thích truyện ngắn "Cánh đồng bất tận".
VÕ NHƯ NHIÊN
Tôi ủng hộ quan điểm và cách giải quyết của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau. Tôi là một độc giả trẻ. Tôi cần biết mặt trái của xã hội, nhưng tôi cũng cần được định hướng để làm chủ bản thân trước cái xấu và chính điều đó làm cho xã hội của chúng ta tốt đẹp hơn. Tác giả có tiềm năng, vì vậy tôi tin rằng bạn ấy cũng rất muốn hoàn thiện chính bản thân mình.
NGUYỄN THANH HOÀNG
Hãy đọc lại tâm sự của Nguyễn Ngọc Tư khi CĐBT lên báo: “Tôi cũng bàng hoàng, khi viết. Tôi thường tự hào về trí tưởng tượng của mình nhưng thấy chóng mặt, ngộp thở với chi tiết có thật mà tôi nghe được, giữa đời. Tôi thú nhận là đã sao chép cuộc sống, bởi tưởng tượng chỉ là trò bỏ đi. Nhưng xin các bạn đừng ngạc nhiên, tôi chưa từng tưởng tượng chuyện con người lại tra tấn bằng cách bắt lươn sống chui vào cửa mình người phụ nữ, đá thốc vào bụng người đang mang thai... nhưng những ai đi qua chiến tranh không hề thấy lạ. Tôi cảm giác khi cái ác lên ngôi trong phần con, phần người chết ngắc...” (TT 21-11-2005).
Ông Thắng có nói rằng “tốt xấu bao giờ cũng có cả hai, tỉ lệ phải như thế nào đó”. Xin hỏi “như thế nào đó” là… như thế nào? Phải chăng các vị có một barem cho cung cách viết văn? Phải chăng các vị đã có một “công nghệ sáng tác”?. Còn nếu nói rằng: “văn học phải tròn trịa tốt xấu” thì hãy thôi đừng dạy về văn học hiện thực phê phán trước đây nữa.
Cho nên, tôi nghĩ rằng: đừng vì một ông GĐ Sở GD-ĐT, đừng vì một cựu chiến binh đã tát con gái mình vì khen "Cánh đồng bất tận", đừng vì “một vài chị em phụ nữ giận” hay vì một động cơ nào đó… mà chặn con đường sáng tác của Nguyễn Ngọc Tư.
CHÂN LUẬN
Tôi nghĩ rằng chúng ta đã quen với việc đọc truyện kết thúc có hậu (qui luật nhân quả). Bản thân tôi khi đọc "Cánh đồng bất tận" xong cũng cảm thấy hụt hẫng vì các số phận kết thúc không có hậu. Nhưng rồi tôi lại nghĩ đó là một thực tế mà bấy lâu chúng ta thường vờ như không biết, không thấy... Tôi rất ủng hộ Nguyễn Ngọc Tư vì đã dám miêu tả lên bức tranh của cuộc sống, trong xã hội mọi việc có thể xảy ra (ai nghĩ ông Bùi Tiến Dũng... vậy mà...) thì tại sao những tình tiết trong truyện là không thể xảy ra, không có thật? Tôi rất mong Nguyễn Ngọc Tư sẽ sớm có nhiều tác phẩm mới.
HUỲNH CÔNG MINH
"Cánh đồng bất tận" là một tác phẩm văn học hay, mới. Tác giả có lối diễn đạt cô đọng, súc tích. Đánh giá phản động là chụp mũ. Tôi thấy không có chi tiết nào có thể coi là phản động. Là tác phẩm văn học, tác giả có quyền hư cấu. Xin đừng quy chụp cho một nhân tài mới nổi. Đánh giá không đúng sẽ giết chết tài năng. Cần phải tổ chức một cuộc trao đổi thẳng thắn công khai trên báo. Như vậy độc giả có điều kiện bày tỏ quan điểm của mình. Ý kiến của độc giả là phản ảnh trung thực nhất.
NGUYỄN VĂN KHÁNH
Đằng sau những hiện thực trần trụi mà Nguyễn Ngọc Tư đưa ra, chẳng phải là tình yêu quê hương vẫn đầy ắp trong những người chăn vịt lang thang đó sao? Chẳng phải là con người vẫn yêu thương, đùm bọc nhau, như những đứa trẻ với cô gái điếm đấy sao? Và trên hết, nhân vật trong tác phẩm vẫn thật nhân hậu, biết yêu thương, biết tha thứ và khao khát một cuộc sống không thù hận. Nguyễn Ngọc Tư đã chuyển tải rất tốt những ý tứ, những mong mỏi đó đến với người đọc qua "Cánh đồng bất tận". Như thế mà còn gọi là "không hướng đến chân thiện mỹ"?
Còn nếu nói đến chữ "dục" trong tác phẩm Nguyễn Ngọc Tư thì theo tôi, cách viết của nhà văn này chẳng có gì đáng phê phán. Nó sạch sẽ vô cùng so với cách viết của một tác giả nữ ở miền Bắc. Đã lâu lắm văn học Việt Nam mới có được một tác phẩm viết tốt đến thế, vậy mà tác giả lại bị "kiểm điểm" .
Nhân đây, tôi mong tòa soạn, nếu có thể, xin cho tôi địa chỉ e-mail của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Là một người cùng tuổi với nhà văn, tôi đã mong được làm bạn với nhà văn lâu nay, nhưng ngại viết thư tay (tôi có địa chỉ). Nay, tôi rất muốn được viết tthư an ủi nhà văn Nguyễn Ngọc Tư trong lúc này. Mong rằng chị ấy không chao đảo và luôn vững bước trên con đường văn học của mình. Hy vọng chúng tôi, những người đọc, sẽ còn được thưởng thức nhiều tác phẩm tuyệt vời của chị!
T.PHƯƠNG