Đây còn là bài mẫu cho thí sinh dự thi giọng ca cải lương “Tiếng hát truyền hình Long An” mấy mùa qua và phong trào đờn ca tài tử trong tỉnh nhà.
Xã Long Trạch, huyện Cần Đước (Long An) là quê nhà của soạn giả Kha Tuấn. Ở đây có một địa phương nổi tiếng là ngã tư Xoài Đôi với những chiến tích lừng lẫy thời chống Mỹ. Anh nói rằng: Cứ mỗi lần đi qua ngã tư Xoài Đôi thì bao nhiêu tình cảm thân thương dậy lên trong lòng. Con đường làng gồ ghề đã được trải đá bằng phẳng xuyên qua những vườn cây ăn trái, ruộng lúa, rẫy màu tươi mượt. Trong niềm vui quê hương đổi mới, nhưng hình ảnh người mẹ ở Xoài Đôi vẫn tần tảo như thuở nào gợi cho anh nỗi xao xuyến. Cảm xúc ấy cứ thôi thúc trong anh, rồi bài vọng cổ “Xoài Đôi” ra đời năm 2000. Nội dung bài ca nhắc nhở những ai xa quê, dù ở hoàn cảnh nào, cũng đừng bao giờ quên nguồn cội. Những chi tiết rất đời thường giàu hình ảnh như: cây điệp già, gánh rau chiều, nón nửa vành... mang ẩn dụ: cây điệp già vẫn nguyên dáng nghiêng nghiêng trầm mặc, ly rượu mừng mà tràn nước mắt, trước sân nhà màu nắng cũng rưng rưng, vẫn đằm thắm trong tôi thi vị mối tình đầu, dẫu tình yêu ấy chỉ còn là nỗi nhớ!...
Nhiều thí sinh chọn bài hát “Xoài đôi” để dự thi. Giọng ca trẻ Quốc Kiệt – diễn viên Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang ca bài này trên sóng của Đài Tiếng nói Nhân dân TPHCM và tạo được tình cảm đậm đà của thính giả.
Soạn giả Kha Tuấn tên thật là Nguyễn Văn Giới, sinh năm 1953 tại xã Long Trạch, Cần Đước (Long An). Sau giải phóng anh mới sáng tác vọng cổ, cải lương cho phong trào văn nghệ địa phương. Sau đó, anh được địa phương cử đi dự trại sáng tác kịch bản do tỉnh Long An tổ chức, với các thầy ở Tp.HCM giảng dạy, như: Bùi Kim Lăng, Bích Lâm, Ngọc Bạch, Ngọc Linh, Lê Duy Hạnh, Đức Kôn...
Anh bắt đầu sáng tác chuyên nghiệp từ năm 1985, kịch bản đầu tay là “Chỗ đứng”. Đến nay anh đã sáng tác và tham gia hơn 20 kịch bản. Tác phẩm đầu tiên được dựng trên sân khấu Long An là “Hãy yêu nhau thật lòng”, được soạn giả Hữu Lộc chỉnh lý và nhuận sắc. Mười năm liên danh với Hữu Lộc “Kha Tuấn – Hữu Lộc” có khoảng 10 kịch bản, trong đó nhiều tác phẩm đã đoạt giải thưởng cao, ngoài dàn dựng trên sân khấu cải lương ở Long An và một số nơi, còn được sử dụng trên sóng đài phát thanh truyền hình, xí nghiệp băng từ trong khu vực, như: “Giọt đắng”, “Ánh sáng phù du”, “Kẻ bạc tình”, “Sau cơn mê”, “Những bước chân hoang”, “Chỉ còn là kỷ niệm”, “Lửa thần”...
Hiện nay Kha Tuấn đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Long An, là Hội viên Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam. Ngoài các giải thưởng sáng tác, bằng và giấy khen các cấp, anh còn được tặng: Huy chương Vì Sự nghiệp sân khấu Việt Nam, Huy chương Vì Sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam, Huy chương Vì Sự nghiệp văn hóa quần chúng. Kha Tuấn tiết lộ trong năm nay, anh sẽ hoàn tất cảnh cuối của kịch bản cải lương “Qua mùa mưa bão”, phản ánh sự kiện nóng bỏng không chỉ của tỉnh nhà mà của ĐBSCL: sự chuyển mình của nông thôn trong tiến trình phát triển của đất nước.