Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
441
123.258.843

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Đối thoại với Cánh đồng bất tận : Nhà văn Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn VN:
Người đọc “bắt được sóng” của trái tim và tài năng... Nhà văn Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn VN, cũng chính là tổng biên tập báo Văn Nghệ - người đã quyết định đăng tải Cánh đồng bất tận (CĐBT) lần đầu tiên trên tuần báo Văn Nghệ của Hội Nhà văn VN tháng 9-2005.

Ông nói với Tuổi Trẻ về những cảm nhận của mình khi đọc và quyết định cho in tác phẩm này với tư cách người đọc, tổng biên tập, chủ tịch hội và đặc biệt với tư cách một đồng nghiệp.

 

* Ông có thể chia sẻ cảm xúc của mình khi lần đầu tiên đọc và quyết định cho đăng CĐBT?

 

- Khi lần đầu tiên nhận được bản thảo này tôi đã rất vui mừng, vui mừng vì vẫn biết Tư còn trẻ, có tài, viết hay (trước đó Tư vừa được kết nạp vào hội và là hội viên trẻ nhất). Nhưng những cái hay của Tư vẫn là những cái hay xinh xẻo, mỏng manh (tôi cũng từng trao đổi thẳng với cô những nhận xét này tại hội thảo văn học đồng bằng sông Cửu Long năm ngoái).

 

Và chúng tôi rất mừng vì đọc thấy ở CĐBT sự đột phá của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư. Đột phá về bút pháp, về dung lượng cuộc sống trong tác phẩm. Đúng là một truyện ngắn “bề thế”. Báo Văn Nghệ chưa từng có tiền lệ đăng một truyện ngắn ba kỳ báo (mỗi kỳ tới 6.000 chữ). Nhưng tôi đã quyết định đăng và kỳ 1 vừa ra, bạn đọc đã tới tấp gọi điện về chúc mừng đợi kỳ 2. Đã lâu lắm tờ báo của Hội Nhà văn mới có được một truyện ngắn dài đến thế mà xem xong người đọc vẫn thấy “thòm thèm”.

 

* Với tư cách một nhà văn, điều gì ở CĐBT thuyết phục ông đến thế?

 

- Thứ nhất, đó là không khí của tác phẩm: cuộc sống Nam bộ, hơi thở Nam bộ, nhân vật Nam bộ, ngôn ngữ Nam bộ thấm đẫm nồng nàn trong “cánh đồng...”. Đó là điều mà Nguyễn Ngọc Tư rất giỏi trong các truyện trước đây và càng khẳng định bản sắc và bản lĩnh của mình vượt trội trong tác phẩm này. Cô ấy đã tiến thêm một bước về nghề là xây dựng được những nhân vật đa diện, nhiều góc cạnh và xây dựng được bối cảnh của câu chuyện rất Nam bộ: bồ lúa, khoang thuyền, túp lều, cánh đồng...

 

Quan trọng hơn, cánh đồng của Tư chuyển tải được nhiều thông điệp nghệ thuật sâu sắc hàm chứa dưới nhiều tầng nghĩa khác nhau: người cha trong câu chuyện này bị một lần phản bội, ông ta say sưa trả thù người vợ cũ bằng cách yêu nhanh, chiếm đoạt nhanh và bội bạc càng nhanh hơn bất kỳ người phụ nữ nào ông gặp trên con đường phiêu bạt của mình mà quên mất hai đứa con, tài sản quí báu nhất, nhân loại bé nhỏ ngay trong khoang thuyền của mình.

 

Cho nên ông đã phải trả giá quá đắt. Thông điệp của Tư ở đây là con người sống phải biết khoan dung và tha thứ. Chỉ có lấy ân báo oán thì con người mới có thể nguôi ngoai được lòng thù hận và nỗi đau, nhờ đó, người sẽ người hơn, sẽ lớn lên. Ông bà mình đã dạy thế, và Tư đã chuyển tải thông điệp đó một cách tài tình, đau đớn. Đây là một truyện ngắn giàu tính nhân văn.

 

Một thông điệp nữa của Tư là lời cảnh báo về vấn đề gia đình, vấn đề trẻ em trong toàn xã hội: muốn xây dựng một môi trường đạo đức xã hội lành mạnh thì trước hết phải xây dựng môi trường đạo đức ngay trong gia đình mình. Gia đình trong “cánh đồng...” là một gia đình tan vỡ vì cả cha lẫn mẹ đã quay lưng lại với con cái. Theo tôi, Tư đã nêu lên một vấn đề bức xúc và cấp bách nhất hiện nay. Thật ra, nếu đọc thật kỹ CĐBT sẽ thấy điều đó cấp bách không kém đại dịch cúm gia cầm đâu.

 

Và đáng yêu nhất là tất cả những thông điệp ấy được Tư viết thật giản dị, tự nhiên mà vẫn nồng nhiệt, day dứt. Phải yêu mảnh đất, thiên nhiên, con người ở vùng đất ấy mãnh liệt đến như thế nào mới có thể viết được như Nguyễn Ngọc Tư.

 

* Và bây giờ, với tất cả những “tai nạn” mà Tư đang gặp phải, ông muốn nói gì, thưa ông?

 

- Bằng những gì tôi biết, câu chuyện xung quanh CĐBT chưa đến mức vấn nạn. Nhưng tôi muốn nói về cách ứng xử của xã hội, thứ nhất là với tác phẩm văn học nghệ thuật, thứ hai là với tài năng.

Đây là một truyện ngắn, không phải bài báo hay bút ký, không có luật nào buộc nó phải đúng sự thật 100%. ở đây tác giả có quyền hư cấu, có quyền sáng tạo nên một không gian nghệ thuật riêng của mình. Trong văn học, quyền sáng tạo, trí tưởng tượng của nhà văn phải được tôn trọng một cách tối đa.

Và Tư đã làm điều đó rất tuyệt vời. Không thể đem tác phẩm mà đối chiếu với hiện thực được. Chúng ta thậm chí đã làm quen với văn học viễn tưởng, giả tưởng từ lâu rồi cơ mà. Vấn đề là tác phẩm ấy đem đến cho bạn đọc cái gì?

Cũng không thể từ cảm nhận của ai đó mà nói Tư không tôn trọng phụ nữ hay xúc phạm đời sống Nam bộ. Hãy nhớ xem, tác giả đã xót xa những nhân vật nữ của mình như thế nào, từ người mẹ, những người tình của cha đến bản thân cô con gái. Và có ai đọc xong mà lại có thể không nhận thấy tình yêu của cô với mảnh đất quê hương. Không yêu mà viết như vậy được sao?

 

Cũng nên chú ý đến một điều nữa là cái lý của người đọc. Nếu trong kinh tế điều quan trọng nhất là “khách hàng luôn luôn đúng”, thì trong nghệ thuật cái lý của người đọc, người nghe , người xem có lẽ cũng phải cần được tôn trọng đúng mức hơn. Hàng chục vạn người đã mua sách, đã đọc (nhất là sau khi CĐBT được đăng tải dài kỳ trên Tuổi Trẻ) và cùng rưng rưng với “cánh đồng...”.

 

Họ là ai? Là anh kỹ sư, chị bác sĩ, cụ hưu trí, chàng sinh viên, là các nhà văn, nhà báo, viên chức, các nghệ sĩ, nhà hoạt động xã hội, họ đâu có “kém văn hóa” hơn ai? Và tất cả họ cùng “bắt được sóng” từ trái tim và tài năng của Nguyễn Ngọc Tư. Chúng ta có quyền tin vào “cái lý” của họ chứ. Nói vậy không có nghĩa CĐBT không có tì vết gì. Có thể có đấy. Với những chỗ tay nghề chưa cao, xử lý chưa nhuyễn các chi tiết nghệ thuật thì qua thảo luận, góp ý một cách chân tình ấm áp, tôi chắc Tư sẽ nhận ra và sẽ tiếp tục lớn lên.

 

Điều cuối cùng tôi muốn nói là cách chúng ta ứng xử với tài năng. Nguyễn Ngọc Tư là một tài năng. Cô ấy không còn là người của một vùng đất Cà Mau cụ thể nữa. Cô ấy là tài sản quốc gia, là của VN. Mà tài năng thì ở đâu cũng vậy, chỉ có thể phát triển nếu được sự phát hiện, nâng niu, bồi dưỡng, vun đắp của toàn xã hội.

 

Cảm ơn vùng đất Cà Mau đã sản sinh ra cô gái bé nhỏ, hiền lành, đôn hậu Nguyễn Ngọc Tư với những trang viết làm lay động trái tim hàng triệu con người. Và bây giờ là lúc xã hội cần tỏ rõ sự tôn trọng tài năng của mình.

 

* Xin chân thành cảm ơn ông.

 

Phải có đủ dũng khí và lòng bao dung

Ông Lê Chí

 

Tác phẩm văn học cũng như con người, đòi hỏi “lấy được” vẻ đẹp hoàn mỹ của nó theo ý muốn của mỗi người (hoặc của một nhóm người nào đó) là điều phi lý.

 

Cũng vì thế, khi một ít ý kiến có vẻ “hình sự hóa” đối với CĐBT là thái độ thật xa lạ. Càng xa lạ hơn khi nó lại xảy ra trong không khí dân chủ đất nước đang có nhiều cởi mở, trước sát thềm Đại hội Đảng lần X. Dân chủ, nói nôm na chính là tính công khai, minh bạch.

 

Điều đó, với CĐBT của Nguyễn Ngọc Tư ít nhất đã được chứng minh khá sôi động trong dư luận bạn đọc trên dưới năm nay. Mỗi người cảm nhận sự hay, dở ở truyện có thể khác nhau, nhưng có một điều rất đáng được nhìn nhận, đó là thái độ tin cậy của đông đảo bạn đọc cả nước đối với CĐBT và tài năng của một tác giả nữ rất trẻ ở vùng đất cuối cùng của đất nước.

 

Trước hết, sức hút của CĐBT, theo tôi, chính là tính hiện thực của đời sống nông thôn nói chung. Không thể có một thứ khuôn thước hiện thực máy móc, cực đoan (như mong muốn chủ quan của không ít nhà quản lý), nhưng ở nơi này nơi khác cái chất hiện thực trong truyện ấy không thể nói là giả dối.

 

Không riêng gì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mà trong nhiều chục năm qua, tệ “nhất trí” một chiều chung chung (hay còn gọi là bệnh thành tích, nói dối - bởi đâu dễ nói thật) đã trở thành bi kịch lớn, cản trở không ít sự phát triển của đất nước, nếu không nói còn là nơi dung trú cho biết bao tiêu cực trong guồng máy của nhà nước và xã hội.

 

Với vụ bể bạc tệ hại ở Bộ GTVT đang diễn ra, cho phép chúng ta nghĩ tới hiện thực ở CĐBT trên khắp đất nước này thật đáng lo biết chừng nào. Nhìn thẳng vào sự thật và chỉ khi nào chúng ta thật bình tĩnh, đủ dũng khí và lòng bao dung để lắng nghe, chấp nhận những điều cay đắng nhất thì cơ may mới tìm ra được những giải pháp hợp với nhân tình thế thái, đưa đất nước phát triển như triệu triệu tấm lòng mong đợi.

 

Với CĐBT của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, cách tốt nhất là hãy để nó sống tốt cùng với bạn đọc yêu mến của mình. Cần thiết, Hội Nhà văn VN là nơi có đầy đủ tư cách để đứng ra tổ chức một cuộc hội thảo nghiêm túc, trao đổi học thuật, rút kinh nghiệm trên cái nền của dư luận xã hội đồng thuận hiếm có đối với tác phẩm và cả tác giả của nó.

 

LÊ CHÍ

Ủy viên Hội đồng thơ, trưởng ban công tác Hội Nhà văn VN tại ĐBSCL,Chủ Trương Website Vannghesongcuulong.org

 

Thu Hà thực hiện - TTO
Tin tức khác