Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
553
123.259.565

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Sẽ có không gian trình diễn thơ
Mới đây, nữ nhà văn người Anh Geraldine Collinge vừa có cuộc gặp gỡ “bỏ túi” với một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam để tìm hiểu thị hiếu công chúng với loại hình trình diễn thơ. Thông qua Hội đồng Anh, một chương trình giới thiệu thơ văn của các tác giả Anh đương đại sẽ được tổ chức vào cuối năm nay.

Cuộc gặp gỡ ở hai miền nam bắc đã đem lại sự hy vọng cho nữ văn sĩ Geraldine, vì những nhà văn, nhà thơ khi tiếp xúc đều cho rằng loại hình trình diễn thơ trước công chúng ở Việt Nam lâu nay vẫn thiếu. Và mọi người cũng bày tỏ rằng nếu có những buổi trình diễn thơ (theo ý của Graldine là có cả truyện ngắn), chắc chắn sẽ có công chúng tham dự(?).

Tuy nhiên, điều này cần sự “bắt tay vào việc” của những nhà thơ yêu thích hình thức trình diễn. “Nếu có những nhóm thơ trẻ, mới, và họ nhiệt tình trong việc đưa thơ đến với công chúng bằng hình thức trình diễn, sẽ tạo được một không khí mới trong làng thơ”, nhiều người trong cuộc gặp gỡ với Graldine có suy nghĩ như vậy. Thậm chí, nhiều người nghĩ rằng có thể bắt đầu hoạt động này tại không gian là các quán cà phê sách hiện có tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.

Trao đổi về vấn đề này, nhà thơ Ly Hoàng Ly - người có kinh nghiệm trong những cuộc trình diễn thơ kết hợp với nghệ thuật sắp đặt - cho rằng hình thức trình diễn thơ trước công chúng là một thể hiện khả năng sáng tạo của các nhà thơ.

Với nhận định của Hoàng Ly, những cuộc tán gẫu bên bàn rượu hoặc các hội thơ lẻ tẻ ngồi lại với nhau trong không gian hẹp, số người không đông, để đọc các sáng tác mới cho nhau nghe cũng là một hình thức đưa thơ đến người thưởng thức. Điều đó tuy không phải là trình diễn thơ, nhưng nhu cầu tiếp nhận thơ mới trong công chúng là có thực.

“Ngay cả việc đặt vấn đề trình diễn thơ, cũng không thể nghĩ rằng thơ có thể đến với công chúng một cách ầm ào như ca nhạc hay các loại hình nghệ thuật khác. Thơ vốn dĩ thâm trầm, là một mạch ngầm trong đời sống văn hoá của mỗi dân tộc. Việc đưa thơ ra trình diễn trước công chúng phụ thuộc vào sự tự ý thức của mỗi nhà thơ, những ai thích và cảm thấy thơ của mình hợp với hình thức trình diễn thì làm. Tuy nhiên, nếu có ít người làm, sẽ không thành phong trào được”.

Nhà văn Nguyễn Thị Châu Giang cũng tin tưởng vào “máu” nghe thơ của công chúng Việt Nam, đặc biệt là tầng lớp trí thức tại các đô thị. “Tuy nhiên, với những hình thức trình diễn thơ kết hợp với Perfomance Art, Video Art… như Graldine dự định thì hơi khó đối với các nhà thơ Việt Nam. Nhưng nếu không có một hình thức nào mới lạ cho việc trình diễn thơ, thì công chúng dễ bị nhàm”.

Và Châu Giang dẫn chứng một số trường hợp các nhà thơ ở Mỹ, cũng gặp khó khăn khi xuất bản thơ (khó bán được), và họ đã cùng nhau lập những nhóm thơ với 20-30 thành viên, hẹn nhau đến một nơi nào đó, có không gian thích hợp, cùng nhau trình diễn các sáng tác mới. “Và vì thế, cách sinh hoạt này tạo không khí thơ vừa vui vừa mang nét văn hoá đặc trưng của những đô thị có các nhóm thơ như vậy”, Châu Giang nhận định.

Trong khi đó, nhà thơ Cao Xuân Sơn cho rằng các nhà thơ Việt Nam lâu nay cũng có người trình diễn thơ bằng nhiều hình thức. “Việc nhà thơ Nguyễn Duy chơi thơ trên thúng mủng giần sàng, bao tải, giậu cót… cũng là một cách trình diễn thơ”, anh Sơn nhận định. Tuy nhiên, một không gian để trình diễn thơ trước công chúng có kết hợp các loại hình nghệ thuật mới như sắp đặt… vẫn còn đang thiếu. "Đã là thơ, với mọi cách đưa đến cho công chúng, miễn đừng gây đổ máu, đều rất đáng được hoan nghênh”, Cao Xuân Sơn nói vui.

Và nhắc đến các nhà thơ VN tự trình diễn, người ta lại nhớ nhà thơ Vi Thuỳ Linh với “sô” tự trình diễn thơ mình tại Văn Miếu hôm rằm tháng giêng - ngày thơ Việt Nam vừa qua. Hoạt động đó cũng bộc lộ một nhiệt tình muốn công chúng đến với thơ mình bằng những hình thức sáng tạo cụ thể, dù là “nhân có Ngày thơ”.

Rõ ràng không phải đến khi Hội đồng Anh cùng nhà văn Graldine Collinge tìm hiểu về việc trình diễn thơ, chúng ta mới thấy hoạt động này là một không khí lành mạnh cần có trong văn đàn. Tất nhiên người tiếp nhận hình thức này ắt hẳn không thể như các fan club của những ca sĩ đương thời, nhưng thêm một món ăn tinh thần như vậy, các đô thị càng có nét văn minh hơn.

Thông tin mới nhất về việc này là đầu tháng 5, Hội nhà văn TP.HCM sẽ tổ chức một bàn tròn trao đổi về thơ trẻ hiện nay. “Ở đó, sẽ có tham luận về việc đưa thơ đến công chúng, mà trình diễn thơ sẽ là một nội dung đang được những cây bút thơ trẻ quan tâm”, nhà thơ Trương Nam Hương cho biết như vậy.

Nhà văn Graldine Collinge (giữa) và nhà thơ Ly Hoàng Ly (phải) trong một cuộc trao đổi về trình diễn thơ. Ảnh: LĐ

LAM ĐIỀN - TTO