Triệu Xuân & Trương Thụy Sinh tuyển chọn
Chịu trách nhiệm xuất bản: Nguyễn Cừ
Biên tập: Triệu Xuân
Trình bày và chế bản: Thế Hiệp
Bìa: Họa sỹ Đỗ Duy Ngọc
Sửa bản in: Chi nhánh NXB Văn học
Sau đây, VNSCL trân trọng giới thiệu bài giới thiệu của Nhà văn Triệu Xuân mở đầu cho tác phẩm nói trên:
Những truyện trong tập Truyện ngắn trên trang web Văn nghệ Sông Cửu Long tuyển chọn từ Cổng thông tin Văn nghệ sông Cửu Long: www.vannghesongcuulong.org. Qua đây, người đọc có thể cảm nhận sự phong phú, đa dạng của đời sống văn chương, diện mạo văn học, cụ thể là truyện ngắn Việt Nam! Chọn truyện ngắn trên trang web để in thành sách, như là một cố gắng nhằm tôn vinh văn học trực tuyến, tạo ra một sân chơi cho các tác giả. Với ý tưởng đó, chúng tôi sẽ lần lượt tuyển chọn để xuất bản từ năm đến bảy tập, mỗi tập từ 300 đến 500 trang in.
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Công Hoan bảo rằng ông muốn viết ra một truyện ngắn mà trong đó chỉ có hai người đối thoại qua… telephone! Thời ấy, nghệ thuật truyện ngắn chưa có nhiều cách thể hiện như bây giờ. Bây giờ viết một truyện ngắn chỉ duy có một người độc thoại là thường, thậm chí chả có người nào cũng xong ! Nhưng quái lạ! Sao thời ấy, khi mà nhà văn chủ yếu viết bằng bút mực, phương tiện thu thập thông tin, xử lý thông tin rất thô sơ, phương tiện ấn loát thì lạc hậu, thế mà có nhiều truyện ngắn - cũng như tiểu thuyết - hay đến lạnh xương sống, hay đến tê cả thịt da người ta? Đề tài thì thời nào cũng vậy. Châu Á, châu Âu, châu Mỹ hay châu Phi, tôn giáo hay sắc tộc, chiến tranh hay hòa bình, tình yêu hay hận thù, kẻ lương thiện hay quân trộm cướp, nhân nghĩa lễ trí tín, nhân nào quả ấy, ác giả ác báo, tham thì thâm, chân thiện mỹ… đề tài thời nào cũng vậy, cả năm châu đều giống y chang. Vậy sao thời trước nhiều truyện hay vậy cà? Rõ ràng đây là chuyện tài năng của người viết! Thời nay, có nhiều thủ pháp để viết truyện ngắn. Nhân tài quá nhiều! Nhưng lạ thay, những truyện đọc lần đầu ngỡ là hay, song chẳng đọng lại trong tâm trí người đọc được bao lâu?
Sao ta không có được những truyện ngắn hay đến nhức xương như truyện truyền khẩu dân gian thời xa xưa? Hãy đọc lại truyện ngắn Trương Chi, chỉ dài hơn một trang 13 x 19 cm, thế mà thông điệp nghệ thuật, triết lý nhân văn của nó mang sức nặng vô cùng, đọc tới thuộc lòng mà lâu lâu vẫn muốn đọc lại hoài! Xin đọc lại cái truyện cười tếu táo mà vô cùng sâu sắc, giễu những kẻ dốt nát, hợm hĩnh, chỉ thấy hiện tượng mà không hề biết bản chất. Đó là chuyện Giời sinh ra thế. Chàng ít chữ gay gắt đốp lại chàng rể khoe khoang hay chữ nhưng kỳ thực đầu óc rỗng tuếch: Con ngỗng kêu, anh nói tràng cổ tắc đại thanh (cổ dài ắt tiếng lớn). Thế con dế có cổ không mà tiếng nó vang râm ran? Con vịt nổi, anh bảo thiểu nhục đa mao tắc phù (thịt ít lông nhiều tất nổi). Thế cái thuyền có sợi lông nào không mà nó nổi? Hòn đá nứt anh bảo phi thiên đả tắc nhân đả (không phải trời đánh tất người đánh). Câu cuối cùng của chàng rể ít chữ mới chua ngoa, độc địa làm sao; đây là đòn chí mạng của dân gian đánh thẳng vào mặt những kẻ hợm hĩnh hay khoe kiến thức mà thực tế thì rất hời hợt, dốt nát: Thế cái… của mẹ anh, ai đả mà nó cũng nứt?!
Nghệ thuật truyện ngắn thế giới đã kinh qua rất nhiều thời kỳ phát triển. Ở ta cũng vậy. Dù cách tân, hiện đại hay trở lại với nghệ thuật truyện dân gian, hoặc theo lối truyện Tàu… thì mục tiêu lớn nhất vẫn chỉ có một chữ: Hay. Truyện ngắn mà không hay thì dù thật ngắn hay quá dài đều… bỏ đi Tám! Muốn cho truyện ngắn hay, vấn đề tài năng là số Một. Ở Trung Quốc hiện nay, có nhiều văn sĩ tài ba, trong đó có nữ văn sĩ Trì Tử Kiến sinh năm Nhâm Thìn (1952) viết truyện ngắn sâu sắc, hấp dẫn. Một trong những truyện được dịch sang tiếng Việt từ năm 1997 là Mù sương chuồng bò, nó hay đến mức tôi phải photo ra thật nhiều bản để cho bạn bè cùng đọc. Ai cũng tấm tắc khen và thán phục. Trì Tử Kiến hiện đang là một trong những nhà văn được nhiều người đọc nhất tại Trung Quốc. Những người tài ở Trung Quốc, ở các nước khác không sớm bị thui chột như ở ta. Vì sao thế! Có nhiều nguyên nhân, nhưng quan trọng nhất bởi họ thực tài, chứ không ăn may, không nhờ lăng xê quá trớn, không phải kiểu người tràng cổ tắc đại thanh, thiểu nhục đa mao tắc phù!
Hiện nay, công chúng văn học, nhất là giới trẻ nước ta rất hy vọng vào những người viết tuổi đời còn trẻ. Có nhiều tác giả trẻ tuổi viết những truyện ngắn làm xôn xao dư luận.
www.vannghesongcuulong.org là tờ báo điện tử đầu tiên của Hội Nhà văn Việt Nam khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Thế nhưng, vượt ra ngoài cái gọi là ranh giới, phạm vi khu vực, trang web Văn nghệ sông Cửu Long đã trở thành tờ báo văn hóa văn nghệ, - trọng tâm là văn học - của giới văn chương trong nước và người Việt sống ở nước ngoài. Khi mà cả Hội Nhà văn Việt Nam chưa có nổi một tờ báo mạng, thì với sự đam mê văn chương, ông Nguyễn Hòa, giám đốc Công ty ITI đã ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng, đứng ra cùng với Ban liên lạc Hội Nhà văn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long làm tờ báo trực tuyến này. Thử nghiệm từ 30-4-2004, chính thức hoạt động từ 22-2-2005, giấy phép số 19 GP-BC của Bộ Văn hóa Thông tin cấp ngày 11-3-2005, tức là còn mới rượi! Vậy mà cho đến nay, www.vannghesongcuulong.org đã đưa (post) lên mạng, hàng ngàn tác phẩm văn học (tiểu thuyết, truyện ngắn, ký, thơ, trường ca, tản văn, lý luận phê bình…) của các nhà văn, nhà thơ sống trên mọi vùng đất nước, kể cả người Việt ở nước ngoài. Đó là chưa kể những bài giới thiệu, bình luận văn, thơ, điện ảnh, sân khấu, ca nhạc, hội họa và tin, ảnh cập nhật tình hình thời sự văn hóa văn nghệ trong nước và thế giới.
Những ai mà biết được có mấy người thực sự làm www.vannghesongcuulong.org sẽ rất trân trọng vì ít người mà lại làm được công việc lớn lao, tầm cỡ như thế!
Đọc www.vannghesongcuulong.org chúng ta thật vui mừng vì số người truy cập ngày càng nhiều, có những tác phẩm mới đưa lên mạng chưa đầy hai tháng đã có gần vạn người đọc. Có hàng trăm nhà văn nhà thơ gửi bài cho www.vannghesongcuulong.org. Chỉ riêng thể loại truyện ngắn, hiện có tới gần một ngàn truyện ngắn được tải trên mạng. Điều thú vị nhất là chúng ta được thưởng lãm văn tài của khá nhiều tác giả, có thể sao chép rất nhiều truyện ngắn, tiểu thuyết mình thích. Người đọc có quyền lựa chọn tác phẩm và tác giả. Người nghiên cứu văn học, thông qua trang tác giả có thể tìm thấy những tư liệu cần thiết cho mình, đỡ phải mất thời gian công sức sưu tập.
Được sự đồng ý của Ban biên tập trang web www.vannghesongcuulong.org, chúng tôi làm tập sách này, với lòng mong muốn đưa đến cho người đọc và cả người viết niềm say mê truyện ngắn, say mê đọc, nhất là say mê đọc văn học trên các báo điện tử.