Ủng hộ VCV
Số tác phẩm
28.861 tác phẩm
2.760 tác giả
545
123.259.460

vanchuongviet.org

Tư liệu văn hóa nghệ thuật

TIN TỨC
Thi sĩ Hoàng Cầm nhớ tiếc họa sĩ Hoàng Lập Ngôn
Đây là bài điếu của thi sĩ Hoàng Cầm viết ngay sau khi được tin người bạn cao tuổi, họa sĩ Hoàng Lập Ngôn qua đời. Nhưng thời gian tang lễ eo hẹp, thi sĩ Hoàng Cầm đã không kịp đọc bài này trước linh cữu bạn. Chúng tôi xin đăng nguyên văn bài điếu để các bạn biết thêm đôi điều về cuộc đời trường thọ của một họa sĩ tài năng.

Anh Hoàng Lập Ngôn yêu quý! Hôm nay, một trong những người bạn thân thiết nhất của anh vào giờ phút thiêng ngời sáng của mùa xuân được nói chuyện lần cuối với anh, trước khi anh vĩnh biệt cõi bụi mờ bên này để phiêu du sang cõi không bụi bên kia.
Tôi nhớ anh ra đời năm Canh Tuất (1910) mang trong Mệnh của mình bốn chữ “Ngư du Xuân Thủy”. Vâng, hôm nay đang là giữa xuân. Anh là con cá vẫn lượn bơi trong nước Hồ Xuân trong xanh dịu mát.

Tôi được làm bạn với anh từ mùa xuân 1942, được biết đầu năm 1941 sau khi anh đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đã lấy vợ và đã sinh cháu gái Hoàng Hồng Mê Ly và đã nuôi ngay cái mộng sống phiêu du giang hồ. Và anh đã thực hiện ngay cái mộng mơ nghệ sĩ đó. Đầu năm 1941, anh đã thuê đóng ngay một chiếc xe bốn bánh lốp cao su mà anh gọi là “Nhà lăn Mê Ly”, sắm được con ngựa tốt, thuê được một người giám mã trung thành tận tụy. Thế là với người vợ mới 20 tuổi, đứa con gái 6 tháng tuổi với người giám mã cầm roi da ngồi nghiêm chỉnh phía trước xe, anh hăm hở lên đường ngay trước cửa đền Bà Kiệu đối diện Hồ Gươm, anh vẫy tay chào tạm biệt thủ đô. Đã quyết đi là đi, chả biết cái gia đình bé xíu ấy sẽ đi tới đâu nhưng cái mộng giang hồ phiêu lãng trong tâm trí anh chắc sẽ dài lắm. Cầm bằng là đi suốt một đời thế này thì anh càng thỏa chí tang bồng. Bạn hữu ra tiễn anh khá đông, có cả nhà thơ Vũ Đình Liên vừa nổi tiếng với bài thơ Ông Đồ. Đặc biệt có một cậu thiếu niên mới 17 tuổi, hình như giời cũng phú cho cái máu nghệ sĩ, lại cũng mê đời gió bụi, con trai duy nhất một ông quan tri phủ, vì quá mê họa sĩ đã dám trốn bố mẹ, bỏ nhà, nhất quyết nhảy lên xe rồi cùng đi với ông anh, ông thầy Hoàng Lập Ngôn đến tận Thanh Hóa. Đến khi quan phủ sai người truy tìm, hóa ra cậu công tử này mê đi chơi xa, người nhà quan phủ bắt cậu quay về bằng suốt một ngày hết thuyết phục lại dọa dẫm, mãi rồi cậu cũng đành nuốt mối tiếc hận mà quay về. Cậy thiếu niên ấy là con quan phủ Dương Cự Tẩm tên là Dương Bích Liên, về sau cũng trở thành một họa sĩ tài danh bậc nhất.

Vậy thì Nhà lăn Mê Ly đã thành một tổ ấm, xe càng lăn bánh, vợ chồng trẻ càng thương yêu săn sóc nhau và càng chăm chút mụn con gái sớm đã xông pha gió bụi. Nhà lăn lại như một phòng vẽ xinh xắn vì đến nơi nào dừng bánh một ngày là anh lại vẽ cảnh vẽ người, anh thích nhất là phác họa chân dung đôi ba bác nông dân tò mò ngó vào phòng vẽ không đầy sáu thước vuông. Tối đến một thị trấn thị xã nào, anh lại thuê một căn phòng nào đấy hoặc một sân khấu nào đấy đem triển lãm năm mười bức tranh, rồi nói chuyện với học sinh, sinh viên hoặc nhà giáo, viên chức địa phương về hội họa. Nhiều tối, hai vợ chồng lại diễn vài ba cảnh kịch cương, hóm hỉnh thú vị. Cũng bán vé vào cửa năm xu một người, ai không mua vé thì xem không, càng đông càng thích. Cứ thế mà anh chị đã vượt hơn tám trăm cây số trong hơn hai tháng đến bờ sông Hương, đến kinh đô triều Nguyễn. Vào thời điểm ấy, các thành phố miền Trung thường có quân Nhật chiếm đóng, hằng ngày những trận đánh khắp trời Âu, biển Á diễn ra ác liệt. Thấy thời sự không còn thuận lợi cho Nhà lăn đi xa hơn nữa, anh đành phải quay trở về Hà Nội sau khi đã rất tiếc phải bán con ngựa thân yêu và cả cái Nhà lăn, cái tổ ấm của mình, và thật xúc động khi phải chia tay với người giám mã thân thiết suốt ba tháng dọc đường nắng mưa sương gió.Cũng vào lúc ấy, tôi mới biết anh. Biết và rất quý mến anh vì được xem hàng chục bức tranh chân dung văn nghệ sĩ thời bấy giờ mà anh gọi là “Tướng tinh họa”. Mới thoạt nhìn, ai đã từng gặp, dù chỉ một lần những nhà văn, những nghệ sĩ tên tuổi, đều nhận ra ngay và không khỏi bật cười về những hình hài ngộ nghĩnh, có khi còn tưởng là “cổ quái” và thêm yêu mến những nhân vật đã trở thành niềm tự hào của đất nước. Đây là Nguyễn Tuân, kia là Nguyễn Xuân Khoát, rồi Thế Lữ, Nguyên Hồng, Kim Lân, Ngọc Giao... rồi các họa sĩ Bùi Xuân Phái, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Sỹ Ngọc, Hoàng Tích Chù, Nguyễn Thị Kim đến các kịch sĩ Đoàn Phú Tứ, Song Kim, Trần Hoạt, lại đến các nhà thơ Tú Mỡ, Vũ Hoàng Chương, Vũ Đình Liên và còn nữa... tôi không nhớ hết. Chỉ nhớ bức chân dung nào cũng ngộ nghĩnh, có bức trông như hiện thân của sự ngang tàng, khí phách, có bức trầm tư, mặc tưởng; mỗi tranh một vẻ rất đúng người đến nỗi nhà văn Ngọc Giao sau khi xem chân dung mình trên giấy đã bắt chặt tay anh nói giọng thân mật đầy xúc động: “Mày hiểu tao hơn bố tao!”. Và tôi lúc bấy giờ mới “tập sự” làm nhà văn, mới chân ướt chân ráo bước vào làng văn, khi xem hầu hết những bức chân dung ấy đã phải kêu to lên: Trời ơi! Sao ông tài thế! Vẽ giống quá, giống hơn người thực!

Và bao trùm lên tất cả các bức chân dung ấy là bức tranh Hồ Chủ tịch mà anh vẽ ngay sau khi đi dự cuộc mít tinh Tuyên ngôn độc lập ngày mùng 2 tháng 9 năm 1945. Đến các em học sinh cấp một hiện nay, những cháu bé chưa được tận mắt nhìn vị lãnh tụ tối cao vô cùng kính yêu của dân tộc, khi anh không nói trước đưa cho các cháu xem tranh ấy, và hỏi các cháu xem ai đây nào, chỉ trong chốc lát là các cháu đều reo to lên: “A! Bác Hồ! Đúng là Bác Hồ rồi!”. Chỉ đôi ba nét đơn sơ thôi, tuyệt đối không tô điểm, không vờn tỉa mà cái hồn người được vẽ đã lung linh, sống động ngay trước mắt chúng ta.

Mãi đến năm tuổi đã 62, 63 gì đó, vì là bạn thân, anh cho tôi biết anh đang “mê” một người bạn gái tuổi ngoài 40, anh có ngỏ ý với tôi: “Này! Cầm ạ! Dạo này tự nhiên tôi đâm ra thích làm thơ. Cầm giúp mình nhá!”.
Tôi nói:

           Chả cần tôi giúp Ngôn đã đọc kỹ truyện Kiều chưa?

Anh rất thật thà thú nhận:

           Mình chỉ biết có truyện Kiều chứ không đọc một lần nào.

           Thế thì từ hôm nay Ngôn đọc đi. Chắc ở nhà các cháu có sách đấy. Phải đọc kỹ vài ba lượt truyện Kiều này, rồi Chinh phụ ngâm, rồi Cung oán ngâm khúc, rồi đọc thêm những bài thơ của Nguyễn Khuyến, Cao Bá Quát, Tản Đà, sau này, có thì giờ thì phải đọc những truyện thơ dân gian như Tống Trân Cúc Hoa, Thạch Sanh... Đọc kỹ, tìm hiểu kỹ từng câu, sau rồi anh thấy có gì rung động trong lòng mình thì cứ viết.  Thế là sẽ làm được thơ.

Tôi nói qua quýt thế thôi, rồi bỗng nhiên một hôm, từ sáng sớm, anh đã đến nhờ tôi, đưa cho tôi xem một bài mà anh đề là “Nhớ em”, thể thơ lục bát. Tôi đọc mà phải nhịn cười vì những câu ngô nghê. Nhưng cảm thông cái vô tư và lòng say mê của anh, tôi cũng gợi ý để anh chữa lại nhiều chỗ quá vụng về. Anh rất hồn nhiên ra về và đến chiều anh đã chép lại và đưa tôi xem bài thơ đã chấn chỉnh. Cứ thế, suốt từ ngày ấy đến khi chỉ còn vài tháng sống trên cõi đời này, anh đã làm đến gần 2.000 bài, mỗi bài trung bình từ 8 đến 10 dòng và rõ ràng càng về sau, anh viết có vẻ thành thục hơn và đôi khi cũng được những câu thơ thật xúc động.
Anh thường đem khoe với những bạn thơ quen thân với anh từ lâu. Quang Dũng thì bảo:

           Chưa phải thơ đâu, nhưng cứ làm thế này là tốt rồi.

Nhà văn Kim Lân thì có vẻ nghiêm chỉnh:

           Đây không phải là thơ, đây là một thứ nhật ký bằng văn vần.

Anh Lê Đạt bất đắc dĩ cầm tờ giấy chép lên, liếc qua rồi trả lại mà nói:

- Ừ, được đấy!

Rồi nói lảng ngay sang chuyện khác. Mặc, bất kể bạn nào nói gì, anh vui vẻ chấp nhận rồi về nhà, lại cặm cụi sáng tác. Nào anh có muốn trở thành “nhà thơ” gì đâu. Anh vẫn cứ vô tư, thích là làm. Ai khen, anh rất thích; ai chê, tất nhiên anh không thích nhưng vẫn chấp nhận lời chê, có khi là lời nói mỉa hoặc đùa cợt. Riêng tôi, vì một lẽ riêng vẫn siêng năng sửa chữa cho anh từng bài trong gần 30 năm và cách đây không lâu, anh đã có ý định đưa mấy trăm bài “chọn lọc” đến một nhà xuất bản để in độ vài ba trăm bản để tặng bạn bè và người quen. Tôi nghĩ anh cũng nghèo, việc gì phải bỏ tiền ra làm một việc lãng phí như vậy nên đã khéo léo can ngăn. Cũng may là anh đã nghĩ lại nên bản thảo những bài thơ của anh hiện nay chỉ là “di cảo” nằm yên trong tủ sách gia đình anh mà thôi. Dẫu sao, tôi thấy đó là một niềm say mê lớn của một họa sĩ đã nói được những gì anh cảm nghĩ mà không thể vẽ được, nên anh mới bỏ cả vẽ để viết trong ba chục năm. Với gia đình anh, đấy cũng là những kỷ niệm đáng quý của một người cụ, người ông, người cha hiền từ suốt đời vô tư lự và cũng đúng là một họa sĩ như anh đã có một cách “lập ngôn” riêng qua gần 2.000 bài viết rất thật thà trên mảnh đất của tình yêu nam nữ và những mảnh tình thoảng qua trên đường đời.

Tôi thấy ít người sống vô tư và nhiều đam mê như anh. Có lẽ đó là một tính cách thiên bẩm để anh thành một họa sĩ chuyên về chân dung rất độc đáo chăng?

Tuy anh vẽ không nhiều, nhưng chỉ cần mấy chục bức tranh chân dung, một số văn nghệ sĩ của anh cũng tạm đủ góp một phần không nhỏ vào tài sản của Hội Mỹ thuật và dĩ nhiên, của cả dân tộc Việt Nam.
Hôm nay, với 96 tuổi đời, anh nằm đây, vẫn thản nhiên vô tư như thường ngày, tôi không nghĩ là anh đã qua đời, mà chỉ là một cuộc rong chơi xa.
Tôi thay mặt rất nhiều người bạn cao tuổi và bạn vong niên của anh, thắp nén tâm hương cầu chúc anh siêu sinh tĩnh độ và thảnh thơi lãng du trong bầu trời nghệ thuật Việt Nam từ hôm nay và mãi mãi. Mời anh lên đường cho thật đẹp đấy, thưa anh Hoàng Lập Ngôn kính yêu!

Nhân kỷ niệm 49 ngày mất họa sĩ Hoàng Lập Ngôn

ảnh : Thi sĩ Hoàng Cầm

Hoàng Cầm - TNOL
Tin tức khác