Phim truyện Việt Nam phần nào gây được ấn tượng
Trong số 37 phim truyện tham dự Liên hoan phim lần này, BTC đã chọn 7 phim chiếu, bán vé. U14 đội bóng trong mơ (đạo diễn Lâm Lê Dũng) của Việt Nam lọt vào danh sách "may mắn" này. Khán giả Nhật Bản rất hào hứng với Liên hoan phim, vé khá đắt (100 yen, khoảng hơn 9 USD/vé), nhưng hầu hết các buổi chiếu đều kín 2/3 rạp.
Thưởng thức phim một cách nghiêm túc để có thể đặt ra những câu hỏi thú vị trong phần giao lưu sôi động sau khi bộ phim kết thúc, đạo diễn Lâm Lê Dũng đã bị quay bởi hàng chục câu hỏi liên quan đến bộ phim. Nhiều khán giả bày tỏ sự thích thú khi đạo diễn "bật mí" đoàn làm phim đã phải lặn lội đến các trường học, tuyển lựa trong số hơn 500 em học sinh để chọn ra những gương mặt "sáng giá" nhất tham gia bộ phim này.
Lặng lẽ cho tới phút cuối cùng nhận giải là bộ phim Người đàn bà mộng du của Việt Nam. Nằm trong số 16 giải chính thức của Liên hoan phim, giải Đặc biệt của BGK Liên hoan phim năm nay đã được trao cho Tôi đã chết trong tuổi ấu thơ (Nga) và Người đàn bà mộng du .
Nói về giải thưởng này, bà Nguyễn Thị Hồng Thái cho biết: "Ngay sau khi nhận giải, đoàn Việt Nam đã bàn luận về giải thưởng và bộ phim, bản thân tôi cũng nhận thấy Người đàn bà mộng du còn có những khiếm khuyết, có những chi tiết, tình huống có thể làm hay hơn. Năm 1992, bộ phim Trở về của đạo diễn Đặng Nhật Minh cũng nhận được giải thưởng Đặc biệt của BGK Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương tại Sidney".
Phim tài liệu: Không còn là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam
Sau bốn năm liên tục nhận giải Phim ngắn xuất sắc nhất, hy vọng về một "thương hiệu" Việt cho phim tài liệu tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương đã không thành. Ba năm gần đây, phim tài liệu Việt Nam đều trở về "tay trắng". Giải Phim ngắn xuất sắc nhất năm nay đã thuộc về phim Encounter của Hàn Quốc.
Lý giải sự "xuống tay" của điện ảnh tài liệu Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng sự giã từ phim trường của những gương mặt "gạo cội" trong làng phim tài liệu đã tạo ra một khoảng trống nghệ thuật mà thế hệ nghệ sĩ trẻ tiếp nối mặc dù đã rất cố gắng nhưng chưa đủ thời gian và độ chín nghề nghiệp để lấp vào.
Đạo diễn Lại Văn Sinh đã đoạt giải thưởng cao tại Liên hoan phim này cách đây bốn năm bằng bộ phim Chị Năm khùng, nhưng ở Liên hoan phim này Làng chài Vĩnh Mốc, tác phẩm mới nhất của anh chưa tạo ra bước bứt phá về nghề nghiệp. Phim tài liệu Việt Nam đã gây được ấn tượng tại bốn kỳ Liên hoan phim ở mảng đề tài hậu chiến, nông thôn Việt Nam với cách tiếp cận hiện thực dung dị, nhân bản và tạo ám ảnh dẫn dụ người xem chìm sâu vào những ý tưởng mang tính triết lý đằng sau mỗi khuôn hình. Nhưng chúng ta không thể chỉ khai thác mãi một vài mảng đề tài quen thuộc nếu không có sự đột phá về hình thức, phong cách...
Giải thưởng không phải là mục đích quan trọng đối với mỗi nền điện ảnh khi tham dự một Liên hoan phim, nhưng ai cũng khát khao nó, vì điều này đồng nghĩa với việc khẳng định vị thế của mỗi nền điện ảnh trong khu vực.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thái, muốn phim tài liệu Việt Nam lấy lại phong độ, các đạo diễn phải phát hiện những đề tài mới, tìm tòi những phong cách thể hiện mới và tạo ra một bước nhảy thực sự đối với bản thân mình.
Trông người mà ngẫm đến ta
Hai năm trở lại đây, điện ảnh Hàn Quốc đã xác tập được vị thế là một nền điện ảnh mạnh trong khu vực. Tại Liên hoan phim năm nay, ngoài giải thưởng Phim ngắn xuất sắc nhất dành cho bộ phim Encounter , Hàn Quốc cũng chiếm luôn giải Vàng ở thể loại phim hoạt hình (phim Oseam), đồng thời cũng "ẵm" thêm giải Đạo diễn xuất sắc nhất cho Park chan Wook và giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất cho Choi Min Sic trong phim Cậu bé già nua (giải Phim truyện xuất sắc nhất thuộc về phim Đài Loan 21 của điện ảnh Đài Loan). Đây là điều đáng suy ngẫm đối với điện ảnh Việt Nam, bởi một trong những chiến lược phát triển phim "nội" của Hàn Quốc là ra hạn ngạch đối với phim ngoại nhập, bắt buộc các rạp và các kênh truyền hình phải dành tối thiểu 30% thời lượng để chiếu phim Hàn.
Một điều đáng để chúng ta học tập chuẩn bị cho Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 14 tổ chức tại Đác Lắc đầu tháng 11 tới chính là công tác tổ chức mà đoàn điện ảnh Việt Nam đã "mắt thấy tai nghe".
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái nói: "Địa điểm tổ chức lễ bế mạc có tới 3.000 chỗ nhưng 2.500 chỗ được dành để bán vé cho khán giả hâm mộ. Vé bán khá đắt, khán giả đến rất sớm để xếp hàng mua vé, đông đến nỗi các đại biểu phải đi cửa hậu vào khán phòng.
Tôi thực sự ấn tượng với cách tổ chức lễ bế mạc, gọn nhẹ mà trang trọng. Những người dẫn chương trình không chạy lăng xăng trên sân khấu, họ đứng ở trong cánh gà, và hình ảnh được truyền trên màn hình lớn trên sân khấu. Phần trao giải diễn ra rất nhanh, để dành thời gian chiếu một bộ phim Nhật Bản (không tham dự Liên hoan phim). Đây là cách tôn vinh điện ảnh Nhật Bản, cũng biểu thị một phong cách tổ chức rất công nghiệp, khoa học.
Trong số 37 phim truyện tham dự Liên hoan phim lần này, BTC đã chọn 7 phim chiếu, bán vé. U14 đội bóng trong mơ (đạo diễn Lâm Lê Dũng) của Việt Nam lọt vào danh sách "may mắn" này. Khán giả Nhật Bản rất hào hứng với Liên hoan phim, vé khá đắt (100 yen, khoảng hơn 9 USD/vé), nhưng hầu hết các buổi chiếu đều kín 2/3 rạp.
Thưởng thức phim một cách nghiêm túc để có thể đặt ra những câu hỏi thú vị trong phần giao lưu sôi động sau khi bộ phim kết thúc, đạo diễn Lâm Lê Dũng đã bị quay bởi hàng chục câu hỏi liên quan đến bộ phim. Nhiều khán giả bày tỏ sự thích thú khi đạo diễn "bật mí" đoàn làm phim đã phải lặn lội đến các trường học, tuyển lựa trong số hơn 500 em học sinh để chọn ra những gương mặt "sáng giá" nhất tham gia bộ phim này.
Lặng lẽ cho tới phút cuối cùng nhận giải là bộ phim Người đàn bà mộng du của Việt Nam. Nằm trong số 16 giải chính thức của Liên hoan phim, giải Đặc biệt của BGK Liên hoan phim năm nay đã được trao cho Tôi đã chết trong tuổi ấu thơ (Nga) và Người đàn bà mộng du .
Việt Nam tham dự với sáu phim: Người đàn bà mộng du, U.14 - đội bóng trong mơ (phim truyện), Làng chài Vĩnh Mốc, H' Nơn (phim tài liệu), Câu chuyện những đôi giày, Con sâu (phim hoạt hình). Người đàn bà mộng du, chuyển thể từ truyện ngắn "Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành" của cố nhà văn Nguyễn Minh Châu; thực hiện bởi ê-kíp: Nguyễn Quang Thiều (kịch bản), Nguyễn Quang Lập (biên kịch), Nguyễn Thanh vân (đạo diễn), Nguyễn Hữu Tuấn (quay phim), Nguyễn Quốc Trung (họa sĩ), Phó Đức Phương (âm nhạc) cùng với các diễn viên Hồng Ánh (giải diễn viên phụ Liên hoan Phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 45), Võ Hoài Nam, Lê Vũ Long...
Malaysia đã được chọn là nước đăng cai Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 50-2005 (50th APFF), tổ chức tại Kuala Lumpur.
Một số giải chính:
- Phim hay nhất: Taipei 21 (đạo diễn Alex Yang), Đài Loan.
- Đạo diễn xuất sắc nhất: Park Chan-wook (Old Boy), Hàn Quốc.
- Nam diễn viên chính xuất sắc nhất: Choi Min-sik (Old Boy), Hàn Quốc.
- Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất: Maya Karin. (Pontianak Harum Sundal Malam), Malaysia.
- Nam diễn viên phụ xuất sắc nhất: Teruyuki Kagawa (Kwaidan: Eternal Love), Nhật.
- Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất: Lin Mei-shiu (Come The Black Dog), Đài Loan.
- Phim ngắn hay nhất: Encounter (Hàn Quốc).
- Phim hoạt hình hay nhất: Oseam (Hàn Quốc).
- Giải đặc biệt của BGK: Died In Childhood (Nga); Người đàn bà mộng du (Việt Nam).