Phóng viên: Trong cuộc gặp mặt các nhà văn trẻ toàn quốc lần này, có điều gì khiến anh/chị phải băn khoăn?
- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Tôi đã 3 lần tham dự Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc. Năm nay lần đầu tiên tổ chức tại Hội An (mấy lần trước đều diễn ra ở Hà Nội), cảm giác mới mẻ đấy nhưng nhìn đi nhìn lại vẫn thấy phần lớn là những gương mặt cũ.
- Nhà thơ Phan Trung Thành: Nhìn vào danh sách đợt này, về số lượng thì thấy “quá hẻo” so với những kỳ trước. Cả TP với lực lượng khá hùng hậu những cây bút trẻ vẫn sáng tác đều đặn, đợt này chỉ có khoảng hơn 10 đại biểu được mời dự. Nhiều cây bút năng nổ vừa viết báo vừa sáng tác văn chương “lấy ngắn nuôi dài” họ vẫn hy vọng vào một dịp gặp gỡ để trao đổi kinh nghiệm, lắng nghe ý kiến của đồng nghiệp và nhất là “nghe ngóng” một vài thông tin về tình hình văn chương có phần “nổi về tiếng” như thời gian vừa qua. Tuy nhiên, khi danh sách các đại biểu được thông báo “hành lang” thì không ít những cây bút trẻ “không thấy tên mình”.
. Anh/chị muốn nói lên điều gì tại dịp gặp gỡ đặc biệt này?
- Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh: Tôi nghĩ là tôi sẽ im lặng và lắng nghe các bạn. Đối với tôi, mỗi ý kiến của những người viết trẻ đều cần thiết được mọi người, kể cả những người lãnh đạo lắng nghe. Tôi thực sự mong và tin rằng mình sẽ học hỏi được rất nhiều điều từ các bạn ấy.
- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: Tôi sẽ đề cập đến vấn đề cách nhìn nhận mới hơn về những người làm thơ trẻ trong tham luận của mình. Tôi nghĩ, cứ để thơ trẻ tự phát triển. Thơ trẻ cũng như một đứa trẻ, nuông chiều quá thể nào cũng hư.
- Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Hình như ai cũng nói suốt ngày rồi, nói qua tác phẩm, nói trên mặt báo, nói ở quán cà phê... thành thử với tôi, không nhất thiết gặp nhau lần này lại... nói nữa! Chỉ mong bắt tay với những bạn bè bấy nay mới gặp nhau qua con chữ. Thế là đủ ý nghĩa cho một lần gặp mặt như vậy rồi!
- Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Tôi hy vọng lần này là một cuộc gặp gỡ với các đồng nghiệp mà tôi biết qua tác phẩm chứ chưa được gặp mặt. Tôi luôn vui thích khi được nghe các nhà văn, nhà thơ trò chuyện. Tôi sẽ lắng nghe nhiều hơn.
. Với tư cách là một nhà văn trẻ, anh/chị đánh giá như thế nào về tình hình văn nghệ trẻ giữa hai lần Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc?
- Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn: “Ưu điểm” lớn nhất giữa hai lần gặp mặt nhà văn trẻ toàn quốc là... có một gương mặt được vào Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam: chị Phan Thị Vàng Anh. Bên cạnh đó, đã xuất hiện một số trào lưu dù hơi nông nổi như nhóm Ngựa trời hay nhóm Mở miệng, nhưng ít nhiều cũng khẳng định được những người đang cầm bút không còn muốn đi trên lối mòn. Còn trong tương lai, dòng văn chương trên mạng sẽ là dòng văn học không bị bó buộc vào thủ tục xuất bản và không phải điên đầu vì chuyện phát hành. Đấy là chuyển biến tích cực nhất.
- Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Những tác phẩm gây dư luận của tác giả trẻ luôn làm cho tôi hứng thú tìm đọc. Đó là những tín hiệu rất tốt, chứng tỏ văn học trẻ đang hít thở và hoạt động, chứ không phải là những cơ thể cớm nắng ngồi im trong bóng râm. Khó lòng đòi hỏi một tác phẩm gây dư luận phải là tác phẩm đáp ứng hết những yêu cầu về thẩm mỹ, văn chương như những gì người ta đã quen thuộc. Bởi một khi đã là tác phẩm gây tranh luận, cái yếu tố mới –lạ – khác thường hiển hiện rất rõ ràng. Còn những điều ấy có giá trị hay không, hãy để thời gian thẩm định. Tôi nghĩ, người viết có tác phẩm gây dư luận là người viết hạnh phúc.
- Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Lần gặp mặt này, tôi thấy các cây bút hầu hết đều đã có tác phẩm in riêng. Đặc biệt là những người đã tham dự vài kỳ gặp mặt thì có thể khẳng định, họ đã chọn viết lách làm con đường máu thịt của mình. Bên cạnh đó, có nhiều cây bút khá nổi tiếng ở những kỳ gặp mặt trước, ở lần gặp mặt này đã không còn thấy xuất hiện, dù chưa quá tuổi.
Cá nhân tôi, thuộc lớp những cây bút “trẻ con” bắt đầu xuất hiện sau ngày đổi mới, cách đây 15- 17 năm, cùng với sự ra đời của các tuyển tập sáng tác dành cho học sinh - sinh viên. Ngoảnh lại, thoắt cái đã ở ngưỡng 34- 35. Và đây có lẽ là lần gặp mặt cuối cùng trước khi... hết trẻ! Ở lớp sau tôi khoảng 10 năm, các bạn có một khởi đầu tốt hơn rất nhiều so với chúng tôi thuở ấy.
. Theo anh/chị, khoảng cách giữa hai lần Hội nghị Nhà văn trẻ toàn quốc như thế là hợp lý chưa? Nếu có đề xuất, anh/chị sẽ đề xuất điều gì?
- Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Tất nhiên 5 năm mới gặp nhau một lần thì hơi ít... được đi chơi! Nếu hội nhà văn... vui tính thì cứ mỗi năm anh em gặp nhau một lần chắc sướng hơn! Một đề xuất? Tôi nghĩ ngay tới một giải thưởng hằng năm cho riêng những nhà văn trẻ. Tại sao tờ Báo Văn Nghệ phân thành hai mảng “văn nghệ trẻ” và “văn nghệ... già”, họp mặt cũng là “Đại hội Hội Nhà văn” và “Gặp mặt những người viết văn trẻ”... Vậy tại saokhông có riêng một giải thưởng thật oách cho những người viết trẻ, như giải Goncourt trẻ của Pháp? Thú thật, có nhiều tác phẩm đoạt giải Goncourt trẻ, tôi đọc thấy còn thú hơn, cũng tác giả ấy, sau này đoạt Goncourt... già!
- Nhà văn Phan Hồn Nhiên: Năm năm là khoảng thời gian khá hợp lý. Nó đủ để hình thành một lớp nhà văn mới. Năm năm cũng là khoảng thời gian cần thiết để những nhà văn trẻ đã có tác phẩm nhìn lại con đường vừa đi qua và “quy hoạch” tiếp những gì phải làm phía trước.
- Nhà văn Trần Thị Hồng Hạnh: Năm năm mới gặp nhau một lần thì dài và lâu quá. Có khi, chỉ gặp nhau 3 lần thì hết trẻ mà chỉ còn già thôi...
Ảnh : Phan Trung Thành