1. Tại sao truyện cổ tích với mỗi quốc gia luôn là báu vật văn hóa tinh thần? Lý do đơn giản nhất là vì cổ tích thể hiện khát vọng công lý qua những cái kết có hậu. Thiện sẽ được bù đắp. Ác sẽ phải đền tội. Chân lý đơn giản đó trong đời thực không phải lúc nào cũng được thực hiện vì cái thiện bị vùi dập và cái ác lên ngôi. Có lúc, trái tim trong trắng bị ác quỷ dục vọng lấn át. Niềm đau cứ thế mà tồn tại trong mỗi kiếp người và cả xã hội. Tự thẳm sâu trong mỗi người luôn đau đáu khát vọng công lý. Khán giả xem Bằng chứng tội phạm đau thắt lòng khi tội ác xảy ra và thanh thản khi có những người sẵn sàng đương đầu với cái xấu để đem lại công bằng, lẽ phải. Mỗi tập phim của Bằng chứng tội phạm kể một câu chuyện: có khởi đầu, cao trào thắt nút và cởi nút. Khi xem, khán giả cảm nhận khát vọng công lý của bản thân mình đang được hiện thực hóa. Dẫu họ vẫn biết, đó chỉ là sự hiện thực hóa trên phim ảnh mà thôi!
2. Nhìn ở khía cạnh ngược lại, nếu chỉ là "bằng chứng tội phạm" đơn thuần với luật pháp cứng nhắc, tiếng súng nổ và những xác người thì phim chưa đủ chiều sâu và sức hấp dẫn. Đằng sau mỗi vụ án, khán giả còn cảm nhận được tình người lấp lánh. Một ông bố vì con mà nhận tội, một tội phạm mắc chứng tâm thần, một mối thù đè nặng theo năm tháng, một mặc cảm cố hữu trong lòng, một lòng tham gây tội ác... Những khoảnh khắc sâu thẳm tinh tế trong tâm lý tội phạm mà phim khắc họa tạo điểm nhấn nhân bản. Sẽ là thứ lòng nhân ái chung chung nếu thương xót tội phạm mà không đưa họ ra ánh sáng pháp luật. May mà các nhà làm phim không nửa vời để cái ác vẫn bị trừng trị đích đáng. Nhưng cũng sẽ là duy ý chí và lý tính cực đoan nếu chỉ nhìn kẻ phạm tội như cỗ máy thực hiện tội ác mà quên rằng họ cũng là con người. Vẫn còn phần "người" le lói trong nơi nào đó tận đáy tâm hồn. Sâu sắc hơn, mỗi tập phim chuyển tải cái nhìn nhân ái về phía gia đình/người thân/bạn bè của tội phạm. Đó cũng là lời cảnh báo nghiêm khắc với gia đình và xã hội: Một thoáng bỏ qua những giá trị tinh thần, cái ác sẽ vươn vai thành gã khổng lồ và hậu quả thật thê thảm!
3. Ngoài xây dựng chân dung những kẻ thủ ác, Bằng chứng tội phạm còn làm sáng ngời hình ảnh của lực lượng phòng chống tội phạm. Đó là các bác sĩ pháp y yêu công việc đến mức lập dị và chấp nhận hậu quả khốc liệt vì bản chất công việc của họ luôn đụng chạm đến quyền lợi của nhiều băng nhóm tội phạm. Họ là những người hùng đã âm thầm lặng lẽ điều tra và tìm kiếm những chứng cứ rất mong manh, nhỏ nhặt để tìm ra chứng cứ thích hợp cho vụ án. Một mẩu nước bọt dính trên chiếc mũ, một sợi tóc, một giọt mồ hôi... cũng có thể là điểm tựa quan trọng để phá án. Những vị anh hùng này cũng có khoảnh khắc đời thường, có sự ghen tị thoáng qua, có sự bất đồng và những cái tôi cá nhân. Nhưng trên tất cả, họ hướng lòng về một mục tiêu chung: Vì sự bình yên cho cuộc sống. Các diễn viên Lorenzo Flaherty (trong vai Stefano Pesce), Nicole Grimaudo (trong vai Giampiero Jidica), Fillippo Nigro (trong vai Giulia Michelini) diễn xuất đồng đều và để lại dấu ấn đáng kể trong lòng khán giả về hình tượng của những bác sĩ pháp y thông minh, kiên trì và yêu chuộng công lý.
28 tập phim là 28 buổi chiều để sống cùng những vị anh hùng phá án thầm lặng và chiêm nghiệm những lẽ thiện -ác trong đời. Khán giả cũng tự cảnh báo mình vì có khi đâu đó, những "tội lỗi hồn nhiên" đang tồn tại trong lòng mình. Xem, để thỏa mãn khát vọng về công lý trong đời và để cái nhìn của mình về người về đời bao dung hơn và nhân hậu hơn.
Cảnh trong phim Bằng chứng tội phạm - ảnh: T.L