Nếu không có các tham luận của Phan Hồn Nhiên (văn phía Nam), Lê Hoài Nam (phê bình), Nguyễn Vĩnh Tiến (thơ phía Bắc), Vũ Hồng (văn miền Tây) và một vài cú "chiếm micro" của Lê Thiếu Nhơn, Nguyễn Văn Ninh thì cử tọa chẳng thu hoạch được bao nhiêu qua hội nghị.
Văn tôi & phê bình tôi nói gì? là chủ đề cuộc tọa đàm thứ nhất diễn ra vào ngày 12.5 trong một khán phòng bố trí như lớp học. Cầm chịch bên trên là nhà văn Hồ Anh Thái, ủy viên BCH Hội nhà văn VN. Nhưng Văn tôi & phê bình tôi là gì? Hồ Anh Thái: "Đó là văn của tôi, tôi là văn, nói gì về văn học". Được 15 phút, Nguyễn Văn Ninh (Hà Nội) "phản pháo": "Phải đổi chủ đề đó. Đúng ra là phải phê bình nói gì về văn tôi. Cái này mới chỉ rõ ra cái riêng của văn tôi là gì?". Không thấy chủ tọa trả lời. Lát sau, Lê Thiếu Nhơn (TP.HCM) lại "tấn công" bằng giọng Phú Yên đậm đặc: "Không khí thật là chán. Chủ đề lại chẳng rõ ràng. Nếu bố trí một khán phòng khác, tương thích hình thức tọa đàm, chắc chắn ban chủ tọa đã điều hành thành công hơn". Anh tế nhị đổ lỗi cho... bàn ghế. Một nhà văn từ Bình Thuận bỏ ra ngoài hút thuốc, vứt tàn xuống sàn khách sạn bóng loáng như để hả cơn... buồn. Bên trong, là các tour đối đáp của những cây bút trẻ như Thúy Hằng, Nguyễn Danh Lam, Phan Huyền Thư, Đỗ Bích Thúy, Đỗ Hoàng Diệu khi nói về bình đẳng giới trong văn học, về tính vùng miền...
"Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome?". Người xưa đã nhầm, chí ít tại cuộc tọa đàm này! Hầu như mọi trao đổi càng lúc càng xa chủ đề. Nhiều vấn đáp không dẫn tới cõi văn chương dù có sự tham gia khúc giữa của nhà thơ - dịch giả Dương Tường và của nhà văn thiếu tướng Nguyễn Chí Trung vào giờ chót. Ông biểu dương sự dũng cảm của các cây bút trẻ như Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư dù chưa thể nói gì nhiều về họ. Rất tiếc ngay khi nhà văn tóc bạc chưa dứt lời, một “tóc nhuộm” chạy lên: "Chiều rồi! Trời nóng quá! Giờ muốn đi tắm thôi!". Tiếng cười ồ lẫn nhiều cái lắc đầu ngao ngán.
Tối cùng ngày, tọa đàm "Thơ tôi nói gì?" với cuộc chơi "2 phút cho 1 ý tưởng sáng tạo" diễn ra quanh hồ bơi khách sạn Hoài Thành. Cứ ngỡ các nhà thơ sẽ đọc thơ nhưng không, lại là những câu vấn đáp, than vãn, đại loại: "Em nghèo lắm! Để in tập thơ đầu, phải bán chiếc Honda". "Tôi viết vì tôi, cho tôi nên chỉ cần giữ cho mình đọc, không đăng". "Các bác, các anh nên ưu ái cho thơ trẻ. Còn các nhà báo sao lại ác cảm với thơ @?". Tranh biện nổ ra! Micro này chưa kịp off đã thấy chiếc khác "online". Một giọng nữ đầy bức xúc, âm lượng át cả tiếng xe ngoài phố Lý Thường Kiệt: "Phát biểu phải có lương tâm! Phải có lương tâm!". Không rõ chuyện gì căng thẳng thế, một nhóm du khách Thái Lan đòi nhà văn Thái Bá Lợi giải thích. Khi biết đấy là cuộc tọa đàm về thơ, họ mới tạm yên tâm. Thế rồi, cuộc "ngồi nói bên hồ" biến thành cuộc "mổ xẻ" tờ Văn nghệ trẻ, căn cứ trên đề án cải tổ của nhà thơ Lê Thiếu Nhơn. Thấy gì, nghĩ gì qua hội nghị? Nhà thơ Phùng Tấn Đông, thành viên địa phương trong Ban tổ chức, nói: "Chỉ thấy anh em được gặp nhau, còn sau hội nghị các nhà văn trẻ làm gì, viết gì chỉ có họ biết thôi!". Từ TP.HCM, tác giả trẻ Phương Trinh e.mail: "Mong rằng những người viết trẻ sẽ ở không ở lại mãi... với hội nghị, mà mãi với những trang viết trong không gian sáng tác của mình. Bởi chính những trang viết mới thật sự làm nên văn học".
|