Con số lượt người xem quá lạnh lùng trong gần 2 tuần Sống trong sợ hãi sống lây lất trên màn ảnh một số rạp tại TPHCM vừa qua, đã khiến cho nhà sản xuất muốn rớt nước mắt và nhà phát hành cũng cảm thấy xót xa (không quá 20 người xem/ mỗi buổi chiếu).
Không hợp khẩu vị khán giả trẻ
Cũng như tại Trung tâm Chiếu phim Quốc gia (Hà Nội), rạp Galaxy tại TPHCM rất ưu ái đối với Sống trong sợ hãi, từ khâu quảng bá tại rạp cho đến dành phòng chiếu tốt nhất nhưng doanh thu Sống trong sợ hãi trong gần 2 tuần chiếu tại đây vẫn không hơn gì các rạp còn lại. Khán giả đến rạp, nhất là khán giả trẻ, hầu như không màng đến Sống trong sợ hãi, một câu chuyện thuộc đề tài hậu chiến, mặc dù phim được giới chuyên môn đánh giá cao cả về chất lượng nghệ thuật, giá trị nhân văn và tính nhân đạo của nó.
Hãng phim Truyện I Việt Nam đã cùng với Fafilm Cinema chấp nhận hạ giá vé xuống còn 20.000 đồng/vé để kéo khách nhưng lượng người xem tại đây vẫn không tăng lên.
Không riêng gì Sống trong sợ hãi, trước đó, phim Giọt mưa rơi bao lâu, một bộ phim đoạt nhiều giải thưởng qua các liên hoan phim quốc tế cũng không sống nổi trên màn ảnh một số rạp tại TPHCM, bởi câu chuyện phim lấy bối cảnh những năm đầu của thế kỷ trước, không hợp gu khán giả xem phim ở rạp hôm nay.
Đất sống cho phim nghệ thuật?
Trước thực trạng khán giả èo uột của Sống trong sợ hãi, những nhà phát hành phim Chuyện của Pao, phim đoạt Giải Cánh diều vàng của Hội Điện ảnh Việt Nam 2005, tỏ ra lo lắng, dù họ đã có kế hoạch tiếp thị quảng bá khá mạnh. Các chủ rạp chiếu phim tại TPHCM dự báo lượng khán giả đến với Chuyện của Pao sẽ không khả quan gì hơn so với Sống trong sợ hãi.
Việc đưa một bộ phim nghệ thuật có nội dung không hợp gu khán giả trẻ xem phim ở rạp để phát hành rộng rãi trên các rạp chiếu là cách làm được xem không hiệu quả hiện nay. Bởi không rạp chiếu phim nào chịu lỗ để kéo dài thời gian chiếu, nếu doanh thu những ngày đầu của phim không bảo đảm bù đắp cho chi phí của rạp. Phim Mùa len trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh, một bộ phim có giá trị nghệ thuật cao, đoạt nhiều giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế, nhưng không có chủ rạp chiếu phim nào trong nước nhận chiếu, vì biết chắc không có khán giả.
Để giải quyết được nghịch lý này, theo các nhà phát hành, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc bù lỗ cho một - hai rạp chiếu, xây dựng thành địa chỉ chiếu phim có giá trị nghệ thuật cao, nhằm phục vụ cho đối tượng khán giả biết thưởng thức những tác phẩm điện ảnh có giá trị, góp phần định hướng thẩm mỹ của công chúng. Mặt khác, chính những nhà sản xuất và phát hành loại phim này phải chủ động hơn trong việc đi tìm công chúng cho phim mình, những khán giả yêu thích điện ảnh nhưng không có điều kiện đến rạp.
Dù có vài cảnh nóng, Sống trong sợ hãi vẫn không thu hút được sự quan tâm của khán giả trẻ. Ảnh: C.T.V