Người bỏ cả vinh hoa, bổng lộc của triều đình, dấy binh khởi nghĩa chống ngoại xâm; người kiên quyết từ quan an nhiên tự tại cùng chiếc thuyền câu; người khước từ hết mọi cám dỗ vật chất của thực dân để về sống cùng bà con dân ấp dân lân… Nhân cách lớn ấy như một truyền thống chảy trong huyết quản của người trí thức Việt Nam từ ngàn xưa đến bây giờ. Yêu nước và trung thực là tiêu chí cao nhất trong nhân cách của mỗi kẻ sĩ nên chí ít nếu bất đắc dĩ phải theo giặc như Trương Vĩnh Ký thì trong tâm thức của ông vẫn cảm thấy mình có tội với đất nước*.
Nhưng buồn thay, hiện nay dường như tiêu chí ấy đang dần dà trở nên nguội lạnh trong một số người vẫn mang danh là kẻ sĩ. Gần đây nhất là chuyện khá ồn ào của một ông tiến sĩ, một nhà giáo, một nhà nghiên cứu văn học khi một trang web nước ngoài phỏng vấn ông với nhan đề “Cái nước mình nó thế”.
Ở bài phỏng vấn này, ông tiến sĩ đã nói năng khá là thoải mái khi đem hết tên tuổi người này đến người khác ra mắng chửi thậm tệ. Ví như khi nói về Tạp chí Văn nghệ Quân đội ông đã cho rằng: “Văn nghệ Quân đội là một thành trì. Nó biết, bây giờ nó mà lung lay thì tan đàn xẻ nghé. Đấy là một đám không có tài, vì vậy phải co cụm, bảo vệ nhau bằng được…”. Trước đó ông đã thích thú vì cái vở kịch “Mổ nhà văn” của Thích Thiện Ngân (ông khẳng định chính là Nguyễn Huy Thiệp) với chi tiết chửi Trần Đăng Khoa là “một con lợn bẩn thỉu” bị nhiễm bởi một môi trường ô nhiễm là Văn nghệ Quân đội.
Ông mắng nhiếc ông Đặng Việt Bích (từng là Hiệu trưởng Trường viết văn Nguyễn Du) và ông Lê Huy Bắc (giảng viên văn chương Mỹ, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) là những kẻ ngu dốt, lười biếng với lời lẽ khá tự mãn: … “Nếu được học với tôi… thì Lê Huy Bắc bây giờ đã là một dịch giả hoàn toàn khác”. Ông tổng kết: “Trí thức Việt Nam giác quan về sự ngớ ngẩn rất yếu, trước một câu nói ngớ ngẩn không ai có phản ứng vì không nhận ra là ngớ ngẩn”. Và đặc biệt luôn luôn sau một câu mắng chửi một nhân vật, một sự kiện trong nước, ông luôn kèm theo bằng một câu chắc nịch: “Cái nước mình nó thế” với một dấu sổ đen ngòm về cái đất nước mà ông đang sống.
Đọc cả bài phỏng vấn, cái rõ nhất là ông và người phỏng vấn, kẻ tung, người hứng nhịp nhàng quanh cái chủ đề “cái nước mình nó thế”, nghĩa là người ta xấu cả, đê tiện cả, chỉ có mình ông tốt, mình ông cao thượng. Thế nhưng một người tự xưng là trí thức, sao lại có thể tung những lời lẽ khiếm nhã như thế với những người dù sao cũng đồng nghiệp mình?
Đó là chưa kể những chi tiết khá hớ hênh như ông mắng Hội Nhà văn Việt Nam là quan liêu, viên chức và cho rằng tổ chức này không nên tồn tại, nhưng ông vẫn điềm nhiên bảo rằng ông và Nguyễn Huy Thiệp là hội viên và không xin ra hội, vì họ có cho một số quyền lợi như được đi nước ngoài và năm ngoái được nhận 7 triệu đồng!!
Và ông lên án Trần Đăng Khoa, cho Khoa là một anh nông dân, là một đứa trẻ con, khi viết bài phê phán Nguyễn Huy Thiệp, cốt là muốn “đấu tố” để hạ uy thế Thiệp. Nhưng lạ thay, mắng thì mắng vậy nhưng ông lại thú nhận là ông chưa hề đọc “Trò chuyện với hoa thủy tiên” của Thiệp và cũng chưa đọc “Ngẫu hứng qua mây gió” của Trần Đăng Khoa?!
Chỉ hai chi tiết trên đã buộc người đọc phải xem xét lại nhân cách của người đang được phỏng vấn. Rồi đến khi bài phỏng vấn đã được phát tán, thì chính người đã tỏ ra hết sức “khí khái” ấy lại lập tức viết ngay một bài thanh minh là: “Chả lẽ tôi lại dùng những lời mê sảng đến như vậy, tôi chỉ mong sao xóa được những dòng mê sảng ấy khỏi ký ức mọi người, trước hết là ký ức của tôi”. Và ông lo sợ “Chắc là sẽ có những đồng nghiệp của tôi đem bản này ra phê phán trước công luâïn”. Và đó là lý do khiến ông phải vội vàng nói lại rằng “tôi chỉ bạ đâu nói đấy, nên đó là điều không đáng chấp”.
Than ôi, buồn thay cho nhân cách của một kẻ sĩ!
—————————
* “Cuốn sổ bình sinh công với tội. Tìm nơi thẩm phán để thưa khai” (Trích thơ Trương Vĩnh Ký lúc cuối đời).