Một cuộc triển lãm tranh độc đáo được lựa chọn từ các tác phẩm này sẽ diễn ra tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vào đầu tháng 6 - 2006. Sau đó, các tác phẩm sẽ được bán đấu giá. Tiền thu được sẽ đưa vào Quỹ Tài trợ sáng tác mỹ thuật- văn học của Báo Thể thao Văn hóa và nếu có thể, giúp huyện Lý Nhân mua lại căn nhà cổ có tuổi thọ 100 năm của Bá Kiến.
Chí Phèo, Thị Nở - đề tài được yêu thích nhất
Ý tưởng đưa các nhân vật văn học Việt Nam vào tranh xuất hiện từ cuộc thi vẽ Đôn Kihôtê do Báo Thể thao Văn hóa, Hội Hữu nghị Việt Nam - Tây Ban Nha, Đại sứ quán Tây Ban Nha tổ chức năm 2005 và Hội Nhà văn Việt Nam cần một số tác phẩm cho phòng Nam Cao ở Bảo tàng Văn học. Việc thay đổi bản chất từ cuộc thi sang cuộc vận động sáng tác (theo gợi ý của họa sĩ Thành Chương) đã cho thấy hiệu quả rõ rệt về số lượng cũng như chất lượng các tác phẩm tham gia, nhờ có sự góp mặt của các họa sĩ hàng đầu. Các họa sĩ đều thừa nhận đây là một ý tưởng rất hay và lẽ ra phải có sớm hơn.
Hiếm có nhà văn nào mà tác phẩm có sức ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng như Nam Cao. Các nhân vật của ông như Chí Phèo, Thị Nở, Bá Kiến, Lão Hạc... từ hơn nửa thế kỷ qua vẫn còn nguyên giá trị và trở thành nguồn cảm hứng sáng tạo cho các họa sĩ. Song mối tình ngắn ngủi nhưng chứa đựng tất cả sự đắm say, thơ mộng của Chí Phèo và Thị Nở được nhiều họa sĩ tập trung khai thác nhất. Điều này thật dễ giải thích. Trong số hơn 100 tác phẩm thì có tới trên 40 bức khắc họa đôi tình nhân ở những góc độ khác nhau. Đặc biệt, nhà văn Hoàng Minh Tường là người gửi nhiều tác phẩm nhất: 8 bức đều vẽ Chí Phèo, Thị Nở.
“Tôi cũng thích chuyện tình của Chí Phèo, Thị Nở nhưng tôi thấy hơi khó để đưa tình cảm của mình vào đó nên tôi vẽ Lão Hạc vì tôi thấy gần ông nhất, hiểu ông nhất, có lẽ do tôi
từng sống ở nông thôn. Tôi nghĩ rất lâu nhưng vẽ thì nhanh. Nếu có thời gian, tôi sẽ vẽ nhiều hơn” - họa sĩ Việt Hải, người từng vẽ minh họa cho báo Văn Nghệ, cho biết. Lão Hạc và con chó trung thành cũng chiếm được cảm tình của nhiều họa sĩ với khoảng 10 bức.
Họa sĩ lão thành Trần Lưu Hậu tham gia với tác phẩm Làng Vũ Đại ngày ấy, cũng là tên một bộ phim nổi tiếng. “Qua đây mới thấy Nam Cao là một nhà văn hiện thực lớn, các nhân vật của ông quá điển hình và sống mãi. Nếu tôi là họa sĩ biếm họa, tôi sẽ vẽ Bá Kiến mặc complê, thắt cà vạt, đội mũ phớt”.
Độc lập về mặt sáng tác
Những tác phẩm tham gia cuộc vận động sẽ được in thành sách trước khi diễn ra triển lãm. Tiêu chí để chọn tác phẩm trưng bày trong triển lãm là các bức vẽ phải đạt chất lượng cao về mỹ thuật, chứ không phải theo phong trào. Theo ban tổ chức, vẫn có một số tác phẩm sa vào lối mòn là minh họa lại tác phẩm của nhà văn, chứ chưa mang tính sáng tạo.
Họa sĩ Thành Cương, cố vấn ban tổ chức, cho biết: “Tôi và một số họa sĩ khác đã vẽ về đề tài này từ trước khi có cuộc vận động. Đây chỉ là cái cớ để anh em họa sĩ gặp nhau. Dù lấy cảm hứng từ các nhân vật văn học nhưng những tác phẩm hội họa vẫn có giá trị độc lập về mặt sáng tác”. Mỗi họa sĩ có cách cảm, cách nghĩ và sự sáng tạo riêng về một trong những nhà văn tiêu biểu nhất của văn học cách mạng. “Đây là lần đầu tiên một nhà văn được giới thiệu bằng hình tượng hội họa với sự tham gia của các họa sĩ chuyên nghiệp. Tôi nghĩ sẽ có nhiều bất ngờ” – họa sĩ Trần Lưu Hậu nói.
Sau Nam Cao, các nhà văn Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan sẽ là chủ đề cho các cuộc vận động sáng tác mỹ thuật - văn học những lần sau.
Bức tranh LÃO HẠC của Việt Hải