Nhiều năm gần đây, một số nhà nghiên cứu có đưa ra nhận định là mộ thực của Tả quân nằm ở Tiền Giang chứ không ở TP.HCM. Nhưng cuộc khảo sát bi ký học ở Tiền Giang vào đầu tháng tư năm nay của nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng đã đưa ra kết luận ngược lại.
Tả quân Lê Văn Duyệt và triều Nguyễn
Vào triều Minh Mạng, Lê Văn Duyệt làm tổng trấn thành Gia Định, coi cả quân dân trọn vùng Nam bộ, quyền uy rất lớn. Vua Minh Mạng rất úy kỵ Lê Văn Duyệt. Có nhiều lý do:
1. Khi vua Gia Long sắp băng hà có hỏi ý kiến thì Lê Văn Duyệt tâu là nên truyền ngôi cho con của Đông cung Cảnh đã quá cố thay vì hoàng tử Đảm là vua Minh Mạng sau này.
2. Lê Văn Duyệt ít học, bản chất quan võ nóng nảy, nói năng cộc lốc, chẳng biết chiều đón ý vua, khi tấu đối thường không vừa ý Minh Mạng.
3. Lê Văn Duyệt có nhiều hành động ỷ mình là cố mệnh đại thần (đại thần của tiên đế), nặng nhất là vụ chém Hoàng Công Lý, cha một cung tần sủng ái của vua Minh Mạng.
4. Theo Đại Nam liệt truyện chính biên thì khi làm tổng trấn thành Gia Định, Lê Văn Duyệt uy quyền to lắm mà lòng người cũng kính phục nên vua Minh Mạng tuy trong lòng căm ghét nhưng cũng không dám làm gì. Năm 1832 Tả quân qua đời thì vua Minh Mạng bỏ chức tổng trấn Gia Định mà đặt chức tổng đốc Phiên An thay thế, rồi cử Nguyễn Văn Quế làm tổng đốc, Bạch Xuân Nguyên làm bố chính.
Nguyên là đứa tham bạo lại nói rằng mình nhận mật chỉ đến truy xét việc riêng của Lê Văn Duyệt, rồi tra hỏi chứng cớ, trị tội bọn bộ hạ của Tả quân ngày trước, trong đó có Lê Văn Khôi. Khôi nguyên tên Nguyễn Hữu Khôi người Cao Bằng, nhân làm loạn bị quan quân truy đuổi phải chạy vào Thanh Hóa được Tả quân lúc này làm kinh lược ở đấy chiêu dụ. Khôi ra đầu thú được ông Duyệt tin dùng, cho làm con nuôi, đổi tên lại là Lê Văn Khôi, đem theo vào Gia Định.
Khôi mưu cùng quân lính nổi dậy giết cả Bạch Xuân Nguyên và Nguyễn Văn Quế rồi rút vào thành Gia Định chống lại quân triều. Thành này rất kiên cố nên mãi đến tháng 7-1835 sau khi Lê Văn Khôi chết, thành mới bị phá. Quân triều vào giết cả thảy 1.831 người chôn chung một chỗ gọi là Mả ngụy.
Sau vụ án ngụy Khôi, năm 1835 có Phan Bá Đạt ở Đô Sát Viện dâng sớ kể tội Tả quân, xin truy đoạt quan chức, vợ con phải giải về Hình bộ xét tội. Vua dụ cho đình thần nghị xử. Vài hôm sau có nhóm nội các là Hà Quyền, Nguyễn Tri Phương và Hoàng Quýnh nghị tội Tả quân có sáu điều, được vua ưng chuẩn giao đình thần kết án. Án nghị Tả quân có bảy tội phải chém, hai tội phải thắt cổ, một tội phải sung quân.
Đoạn quan trọng nhất trong bản án nghị rằng: “Sự biến Phiên An, hắn thực là đầu vạ nên chiếu theo luật mưu phản, khép vào tội lăng trì, song hắn đã chịu minh tru, vậy xin truy đoạt cáo sắc, phá bỏ quan quách giết thây, để tỏ gương răn cho người khác. Còn như ông bà đời trước, ông nội bà nội, cha mẹ của hắn nếu được phong tặng cáo sắc, thì xin truy đoạt cả, mồ mả cha mẹ có tiếm dụng phong cáo trái phép nào thì đục bỏ bia đi”.
Nghị án đưa lên, vua dụ có đoạn rằng: “Tội Lê Văn Duyệt nhổ từng cái tóc mà kể cũng không hết, nói ra đau lòng, dù có bửa quan quách mà giết thây cũng là đáng tội. Song nghĩ hắn chết đã lâu và đã truy đoạt quan tước, xương khô trong mả, chẳng cần gia hình chi cho uổng công. Vậy cho tổng đốc Phiên An (Gia Định) đến chỗ mả hắn cuốc bỏ núm mộ san bằng mặt đất và khắc đá dựng bia ở trên viết to mấy chữ: “Đây chỗ tên lại cái lộng quyền Lê Văn Duyệt chịu phép nước”. [Quyền yêm Lê Văn Duyệt thụ (có bản chép “phục”) pháp xứ].
Mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định bị cuốc bằng và bị xiềng xích. Đến năm Tân Sửu (1841) vua Thiệu Trị lên ngôi, biết Tiên đế làm tội oan Lê Văn Duyệt, nên xuống chiếu hủy bỏ bia kết tội cùng xiềng xích và cho xây đắp cả lại, tức là mộ mà nay ta còn thấy ở Bà Chiểu Gia Định.
Năm đầu đời Tự Đức (1848), Đông Các đại học sĩ Võ Xuân Cẩn dâng sớ xin phục hồi quan tước, gia ơn cho con cháu các công thần Nguyễn Văn Thành, Lê Văn Duyệt và Lê Chất. Vua Tự Đức xem sớ cảm động mới truy phong lại cho cả ba ông và ban phẩm hàm cho con cháu họ. Lại cho đắp phần mộ Lê Văn Duyệt ở Gia Định cao rộng thêm và cho tu bổ lại đền thờ cạnh mộ tại vùng Bà Chiểu, nay gọi là Lăng Ông Bà Chiểu (trích Tri Tân tạp chí - bài “Lê Văn Duyệt” của Nguyễn Triệu).
Đọc những chữ bị Minh Mạng ra lệnh đục xóa trên các bia mộ của song thân Tả quân
|
Nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng |
Các ngôi mộ tại làng Long Hưng chỉ bị đục bỏ tước hiệu khắc trên bia, chứ không bị san phẳng đeo xiềng xích. Điều này cũng góp phần minh chứng ngôi mộ trên Lăng Ông Bà Chiểu mới chính là mộ thật vì khi án được thi hành chỉ có mộ thật mới bị san phẳng, xiềng khóa và dựng bia sỉ nhục, còn ngôi mộ vọng tại làng Long Hưng không bia thì chẳng bị gia hình gì cả. Mà đối với một trọng án của triều đình thì không bao giờ có chuyện nhầm lẫn mộ thật với mộ vọng. Ngoài ra ông Hoàng Cao Khải, đại thần triều Thành Thái, khi viết bài văn bia kể lại tiểu sử của Tả quân cũng dựng bia tại ngôi mộ ở Gia Định.
Ngày 6-4-2006, chúng tôi về Tiền Giang dự lễ giỗ của song thân Tả quân Lê Văn Duyệt mà nhân dân địa phương ấp Thạnh Hòa, xã Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang (nơi sinh của Tổng trấn Gia Định Lê Văn Duyệt) quen gọi thân mật là giỗ Ông cố, Bà cố.
Đồng bào địa phương và các tỉnh lân cận đến chiêm bái rất đông, khói hương lan tỏa khắp không gian u tịch cổ kính với nhiều cổ thụ vươn tàn rộng mát. Đây là một quần thể lăng mộ gồm hai ngôi mộ cực to và bốn ngôi vừa phải xây bằng đá ong tô ô dước màu rêu đen. Ngôi mộ to bên trái từ ngoài nhìn vào có hai vòng thành: vòng ngoài nay lì sát mặt đất bề ngang 17,75m, bề dài 21,12m; vòng trong bề ngang 10,9m, bề dài 14,43m, bề dày thành mộ 42cm. Mộ hình căn nhà đòn dông dọc, chiều ngang 2,63m, dài 3,6m, cao 2,13m. Bia chiều ngang 0,77m, chiều đứng 1,43m, viền khắc hoa văn, đầu bia hình chữ kim cũng có hoa văn rất đẹp. Bia bằng đá xanh màu xanh thẫm, được đục phẳng rồi mài láng mặt, chữ khắc âm nét rất sắc sảo.
Các chữ trên mặt bia hầu hết bị đục xóa tan nát chẳng thể nào đọc được. Tuy nhiên, may mắn thay, hình như vị quan nhận lệnh triều đình Minh Mạng đục bia đã cảm nghĩa thương tình nên chừa lại những chữ cần thiết để người đời sau có thể xác định được người nằm dưới mộ là ai.
Trong khi chúng tôi đang dang nắng mò mẫm cố đọc những chữ bị đục trong mặt bia thì một số đông đồng bào cùng khách thập phương tò mò đứng phía sau theo dõi, một nhân sĩ sở tại lên tiếng: “Ông tìm hiểu chi cho mệt! Đây là mộ của đức Tả quân đấy. Một nhà văn nổi tiếng đã xác nhận đây đúng là mộ ngài vì trong bia có khắc hai chữ “Thống Chế” .
Nhưng theo chúng tôi biết, đây là tước hàm mà vua Minh Mạng đã cáo tặng thân phụ Tả quân khi ông mất năm 1821. Cũng cần phải nói thêm là ngay hàng lạc khoản bên trái còn sót lại bảy chữ: “Tự tử...(các chữ bị đục bỏ) Lê Văn Duyệt bái giám” , nghĩa là: “Người con nối dõi (chức tước bị đục bỏ) là Lê Văn Duyệt cúi lạy xin chứng giám lòng thành (lập bia)”.
Hàng chữ to ở giữa còn bốn chữ: “Hiển khảo... (chữ bị đục) chi mộ” , nghĩa là: “Ngôi mộ của người cha đã qua đời của tôi...(chữ bị đục bỏ)”. Hàng bên phải nơi ghi ngày tháng lập bia còn nguyên tám chữ: “Tuế tại Tân Tỵ trọng xuân cốc nhật” , nghĩa là: “(Bia được lập) ngày tốt tháng hai năm Tân Tỵ (1821)”.
Tuy trọn ngày 6-4-2006 chúng tôi đã cố gắng dùng đủ mọi kinh nghiệm trong nhiều năm nghiên độc bia mộ nhưng cũng đành chịu không thể đọc được chữ nào trong bốn hàng chữ bị đục vỡ, nên đành hẹn tuần sau sẽ quay lại thực hiện phương pháp dập bia của Trung Quốc. Nhưng chỉ căn cứ và những chữ còn sót lại chúng tôi cũng cho rằng người nằm dưới mộ là ông Lê Văn Toại, cha của Tả quân, vì những lý do sau đây:
1. Qua tư liệu lịch sử đích xác thì khi còn sanh tiền ông Lê Văn Toại đã có lần được ra kinh đô Huế triều kiến vua Gia Long, được phong hàm “Vũ Huân tướng quân chưởng cơ hầu” và ân tứ áo khăn. Năm 1819 vua Gia Long băng hà, Lê Văn Duyệt phải ra Huế chịu tang vua và theo lệ phải hiếu tang ba năm. Năm 1821 ông Toại mất, Tả quân phải cáo tang và xin đặc ân chịu tang cha trong khi còn chịu tang vua. Vua Minh Mạng ân tứ và cho sứ giả theo Lê Văn Duyệt vào Gia Định phúng điếu, đồng thời tặng chức hàm Thống chế cho thân phụ Tả quân (trích Đại Nam liệt truyện chính biên).
2. Bia ngôi mộ lớn nhất lập năm Tân Tỵ (1821), Tả quân mất năm 1832. Lạc khoản cũng ghi: “Người lập bia là đứa con nối dõi Lê Văn Duyệt”. Hai chữ “Hiển khảo” khắc ở đầu mộ bia chỉ “Người cha qua đời của tôi” (tức của người lập bia Lê Văn Duyệt) thì người nằm trong mộ không ai khác là ngài Lê Văn Toại, cha của Tả quân.
Ảnh : Nhà nghiên cứu Lý Việt Dũng